Trao đổi với báo chí về quan điểm của Bộ Xây dựng sau khi thành phố Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép một dự án tại đường Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) được xây vượt tầng so với quy định, một lãnh đạo Vụ Quy hoạch – Kiến trúc cho biết chưa nhận được văn bản hỏi ý kiến của Văn phòng Chính phủ về đề xuất nêu trên của UBND TP Hà Nội.
Vị này cho biết thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý tầng cao bằng Quyết định số 11 vào năm 2016 để quản lý quy hoạch kiến trúc cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử.
Ông cho biết quá trình xây dựng quy chế này, UBND TP. Hà Nội có lấy ý kiến của các bộ ngành trong đó có Bộ Xây dựng. Đặc biệt, quy chế này phải tuân thủ Quyết định 1259 (năm 2011) của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
“Như vậy, phải khẳng định rằng việc quản lý tầng cao trong khu phố cổ đã có quy chế và quy chế đã được phù hợp với các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như có ý kiến của các bộ ngành”, đại diện Vụ Quy hoạch – Kiến trúc nói.
Vị này cũng khẳng định, sau khi nhận được văn bản giao nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ cũng như hồ sơ của UBND TP Hà Nội, bộ sẽ nghiên cứu và sẽ có ý kiến chính thức.
Liên quan đến đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết Hà Nội đã có quy chế. Bây giờ có thể vì nhiều lý do khác nhau, một hai vị trí có đề xuất vượt ngoài quy định của TP Hà Nội.
“Đề xuất về hai khu đất ở phố Lý Thường Kiệt đang trong quá trình lấy ý kiến. Các cơ quan bộ ngành sẽ phải xem xét cẩn thận. Khi nào có đầy đủ các dẫn chứng, biện chứng và tiếp cận hồ sơ cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến”, Thứ trưởng nói.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất điều chỉnh quy hoạch kiến trúc tại hai khu đất trên tuyến phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Khu đất thứ nhất tại địa chỉ 31-35 Lý Thường Kiệt, rộng 2.254 m2 được đề xuất xây dựng trụ sở văn phòng Ngân hàng SHB cao 45 m, quy mô 14 tầng và 1 tum.
Còn khu đất 45B Lý Thường Kiệt rộng 1.076 m2 sẽ xây trụ sở văn phòng Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Nội, với quy mô chiều cao tối đa 12 tầng.
UBND TP Hà Nội cho rằng công trình trên có chức năng văn phòng nên không làm quá tải dân số, mà sẽ góp phần đồng bộ các hoạt động dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn phòng chất lượng cao rất cần cho khu vực trung tâm thủ đô.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư hai dự án cũng đề nghị được đóng góp kinh phí xây dựng, nâng cấp hạ tầng và kiến trúc cảnh quan chung khu vực.
Do vậy, TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương để UBND thành phố hướng dẫn nhà đầu tư lập 2 dự án đầu tư trên và triển khai xây dựng dự án trong thời gian tới.
Phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm thuộc khu phố cũ Hà Nội, theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, khu phố cũ Hà Nội được định hướng ưu tiên phát triển công trình văn hóa, dịch vụ du lịch, văn phòng làm việc, ngân hàng, tài chính, chứng khoán…
Chiều cao các tòa nhà theo quy hoạch đặc trưng từ 4-6 tầng, và được lựa chọn một vài công trình có điều kiện làm điểm nhấn đô thị, đóng góp vào cảnh quan chung. Theo Quyết định số 11 ngày 07/4/2016 về “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử” do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký thì phố Lý Thường Kiệt, Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) thuộc khu phố cũ Hà Nội (có ký hiệu A4) với quy định không xây dựng mới các công trình cao tầng. Theo Quyết định 1259/2011 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học tại khu vực nội đô, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người. Quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ cho phép xây dựng công trình cao tầng trong một số trường hợp quy định hạn chế. |