Công tố viên liên bang Mỹ hôm 28-1 (giờ địa phương) nộp đơn truy tố Công ty viễn thông Huawei Technologies Co. của Trung Quốc (TQ) lên tòa ở Brooklyn, New York. Theo AFP, bản cáo trạng gồm 13 tội danh cáo buộc Huawei, hai công ty chi nhánh và Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu đã gian lận và thông đồng trong các giao dịch với Iran. Theo cáo trạng, hành động của bà Mạnh và Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Quyết tâm tấn công Huawei
Sau khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố các cáo buộc hình sự chống lại bà Mạnh Vãn Chu, Bộ Tư pháp Canada ngày 29-1 xác nhận đã nhận được yêu cầu chính thức từ Mỹ để dẫn độ giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu, theo CBC.
Theo CNBC, cơ quan công tố Mỹ cáo buộc bà Mạnh, Huawei và một công ty con của Huawei có trụ sở tại Hong Kong là Skycom Technologies đã phạm tội lừa dối một ngân hàng quốc tế, cản trở công lý, âm mưu rửa tiền và vi phạm Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) khi tiến hành giao dịch với Iran – nước vốn bị Mỹ trừng phạt.
Ngoài ra, bản cáo trạng khác gồm 10 tội danh được nộp lên tòa án ở bang Washington cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ robot của Công ty T-Mobile của Mỹ và hứa thưởng tiền cho nhân viên lấy cắp được kỹ thuật tân tiến từ các đối thủ của Huawei.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ Christopher Wray khẳng định “các cáo buộc phơi bày những hành động trơ tráo và dai dẳng của Huawei nhằm lợi dụng các công ty, tổ chức tài chính Mỹ và đe dọa đến thị trường toàn cầu tự do và công bằng”.
Bà Mạnh Vãn Chu là con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Bà Mạnh bị nhà chức trách Canada bắt hôm 1-12-2018 theo yêu cầu của Mỹ, hiện được tại ngoại ở Vancouver trong lúc chờ phiên điều trần ngày 6-2 về quyết định dẫn độ sang Mỹ. Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Matthew Whitaker đầu tuần này đã xác nhận rằng Bộ Tư pháp Mỹ có kế hoạch gửi đề nghị dẫn độ chính thức tới Canada theo hiệp ước dẫn độ.
Theo hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Canada, Mỹ có 60 ngày để nộp yêu cầu dẫn độ bằng văn bản sau khi Canada bắt người theo đề nghị. Khi yêu cầu dẫn độ được đưa ra, Bộ Tư pháp Canada sẽ có 30 ngày để bắt đầu quá trình dẫn độ và quá trình này có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm nếu bị cáo kháng cáo.
Chiến dịch chống lại Tập đoàn Huawei của Mỹ là một phần trong cuộc xung đột về công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng cuộc xung đột này sẽ tiếp tục gây sức ép lên quan hệ giữa hai nước trong nhiều năm tới.
Chiến tranh thương mại bùng phát
Quyết định cáo buộc hình sự của Mỹ với Huawei diễn ra trước thềm cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc và Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn với các nhà đàm phán Mỹ về chiến tranh thương mại diễn ra tại Washington trong vòng hai ngày, kể từ ngày 31-1.
Phía Mỹ sẽ cử đại diện thương mại Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, Cố vấn thương mại và sản xuất Nhà Trắng Peter Navarro để thương thuyết với TQ. Theo lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin, đợt sang Mỹ này, ngoài tham gia đàm phán thương mại, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt thị trường châu Á ngày 29-1 chao đảo sau khi có tin Mỹ truy tố Huawei. Các thị trường Úc và New Zealand giảm mạnh nhất, tiếp đó là Hàn Quốc. Các cổ phiếu TQ, Nhật cũng giảm.
Tuy nhiên, phía TQ ngày 29-1 đã kịch liệt chỉ trích Mỹ, cho rằng Washington tìm cách “giết chết” các công ty TQ, liên quan đến việc Mỹ công bố buộc tội chính thức đối với Tập đoàn công nghệ Huawei. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Geng Shuang khẳng định: “Gần đây, Mỹ nhiều lần dùng sức mạnh nhà nước để bôi nhọ và đánh vào các công ty TQ trong một nỗ lực nhằm giết chết hoạt động kinh doanh bình thường và hợp pháp của họ”. Ông Geng cũng nói rằng Bắc Kinh nhận thấy “có động cơ và sự thao túng chính trị mạnh mẽ” phía sau những cáo buộc nhằm vào Huawei.
Nói về bà Mạnh, ông Geng cho biết thêm: “Mỹ và Canada đã lợi dụng hiệp ước song phương về dẫn độ của họ để áp dụng các biện pháp ép buộc đối với một công dân TQ mà chẳng có lý do chính đáng gì, theo đó vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân TQ”.
Giới quan sát nghi ngại rằng căng thẳng về Huawei trước thềm đàm phán thương mại sẽ đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng phát trở lại sau 90 ngày yên ắng. Cho đến hiện nay, rất ít dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ nhượng bộ trong khi phía TQ cũng cho thấy họ sẽ quyết liệt để bảo vệ lợi ích thương mại mà hơn cả là hình ảnh của một cường quốc mới nổi. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vì thế mà có cơ sở để tiếp tục diễn ra, thậm chí còn mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Huawei chỉ đứng sau Samsung trong vai trò là nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu thế giới và đã tham gia rất nhiều dự án xây dựng mạng điện thoại di động thế hệ tiếp theo trên toàn cầu, được gọi là 5G. Chính quyền Trump đã và đang thúc đẩy các nước khác loại trừ Huawei khỏi việc đó với lý do rủi ro an ninh. Năm ngoái, sáu cơ quan tình báo khác nhau của Mỹ kêu gọi người dân không mua điện thoại Huawei.