Mỹ và Trung Quốc ngày 30-1 bắt đầu vòng đàm phán quan trọng nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng hơn nửa năm nay giữa hai nước.
Vòng đàm phán lần này diễn ra ở Văn phòng Điều hành Eisenhower thuộc khu phức hợp Nhà Trắng, trong hai ngày 30 và 31-1. Dẫn đầu hai phái đoàn là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Vòng đàm phán cấp cao nhất từ khi “đình chiến”
Đi cùng ông Lighthizer là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro.
Đi cùng ông Lưu là Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn, Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương – người được cho có tư tưởng chuộng cải cách, muốn mở cửa thêm thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc, cùng một số quan chức hai bộ thương mại và kinh tế.
Phái đoàn Mỹ (phải) và phái đoàn Trung Quốc bắt đầu vòng đàm phán thương mại quan trọng tại Nhà Trắng ngày 30-1. Ảnh: REUTERS
Đàm phán diễn ra trong bối cảnh hai nước chỉ còn một tháng để đạt được thỏa thuận thương mại trước khi thời hạn 90 ngày đình chiến thương mại kết thúc (ngày 2-3) để hai bên giải quyết bất đồng.
Thời hạn đình chiến nói trên được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất cuối năm ngoái. Hết thời hạn này, Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc, theo đe dọa trước đó của ông Trump.
Tính từ tháng 7-2018 đến nay, chính quyền của Tổng thống Trump đã áp thuế lên 250 tỉ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, trong đó 50 tỉ USD chịu mức thuế 25%, 200 tỉ USD chịu mức 10%. Nếu thời hạn trôi qua mà hai bên không đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ tăng thuế áp lên khoản 200 tỉ USD từ 10% lên 25%.
Về phần mình, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế lên 110 tỉ USD hàng Mỹ, trong đó 50 tỉ USD chịu thuế 25%, phần còn lại chịu thuế 10%.
Vòng đàm phán này là lần gặp cấp cao nhất kể từ khi có thỏa thuận đình chiến. Phó Thủ tướng Lưu Hạc dự kiến sẽ gặp ông Trump trong ngày 31-1 (giờ Mỹ).
Chi tiết đàm phán đến lúc này vẫn được giữ kín, theo hãng tin Reuters. Tuy nhiên Reuters cho biết hai bên bắt đầu buổi chụp hình chung bằng sự im lặng hai bên bàn thương lượng khiến ông Lighthizer phải lên tiếng nói đùa để phá vỡ không khí ngượng ngập.
Ngượng ngập và khó khăn ngay từ đầu
Vòng đàm phán diễn ra chỉ hai ngày sau khi Mỹ thông báo truy tố tập đoàn thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei và Giám đốc Tài chính tập đoàn này là bà Mạnh Vãn Châu với cáo buộc ăn cắp bí mật công nghệ, lừa đảo ngân hàng, vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Phái đoàn Mỹ (phải) và phái đoàn Trung Quốc bắt đầu vòng đàm phán thương mại quan trọng tại Nhà Trắng ngày 30-1. Ảnh: REUTERS
Trước khi đàm phán diễn ra, phía Mỹ đã nói chuyện Huawei không liên quan gì đến vòng đàm phán. Tuy nhiên sự việc này không tránh khỏi ảnh hưởng đến không khí thương thảo.
Không kể tới chuyện này thì vòng đàm phán cũng đã đối mặt với những thách thức lớn mà khả năng hai bên vượt qua được là rất ít. Tới lúc này, phía Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu gì thực hiện yêu cầu của Mỹ là bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ của Mỹ, chấm dứt các chính sách buộc công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc nếu muốn làm ăn tại thị trường này.
Nhận định về vòng đàm phán, trong khi Giám đốc Điều hành Boeing Dennis Muilenburg lạc quan sẽ có kết luận thành công thì Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Erin Ennis cho rằng sẽ không có thỏa thuận nào, cả hai sẽ chờ đến phút cuối để xem bên kia có nhượng bộ hơn không.