Tuyên bố của lãnh đạo hai nước đồng thời phát đi thông điệp tích cực, cho thấy kết quả tiến triển rõ rệt của vòng đàm phán thương mại. Việc để ngỏ một cuộc gặp thượng đỉnh trong tương lai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để hoàn tất thỏa thuận thương mại toàn diện cuối cùng, cũng thể hiện quyết tâm chính trị của cả Washington lẫn Bắc Kinh trong bối cảnh thời hạn “đình chiến thương mại” giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sắp kết thúc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ rõ ý định đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc, vốn là một trong những cam kết quan trọng được vị tỷ phú đưa ra khi tranh cử, trong bối cảnh nhiệm kỳ của ông đã bước sang nửa cuối. Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi “tiến bộ to lớn” sau 2 ngày đàm phán thương mại, thông báo việc cử phái đoàn Mỹ tới Trung Quốc vào giữa tháng 2 để tiến hành vòng đám phán mới, cũng như xác nhận khả năng tiến hành cuộc gặp cấp cao với Chủ tịch Tập Cận Bình để hoàn tất thỏa thuận thương mại cuối cùng.
Kết quả vòng đàm phán với cam kết của Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu nông sản, các sản phẩm từ ngành năng lượng, công nghiệp, dịch vụ của Mỹ, được cho là đi đúng hướng mà Tổng thống Trump mong muốn để ông có thể hoàn tất mục tiêu nhanh chóng giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại Mỹ-Trung trước cuộc bầu cử nhiệm kỳ tới vào 2020. Đây là một nội dung quan trọng trước khi ông Trump tập trung vào chương trình vận động tái tranh cử năm 2020.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không hề giấu giếm mong muốn giải quyết vấn đề thương mại thông qua đối thoại. Trong lá thư gửi ông Donald Trump được phái đoàn Trung Quốc mang theo, ông Tập Cận Bình đánh giá quan hệ của hai nước đang ở giai đoạn “quan trọng” và hy vọng “hai bên sẽ tiếp tục làm việc với sự tôn trọng lẫn nhau”.
Theo Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng tiếp xúc với Tổng thống Mỹ và hy vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại cùng có lợi trong thời gian sớm nhất. Chấm dứt cuộc chiến thương mại đang gây “hao tiền tốn của” cho nhau có vẻ đang là nhiệm vụ ưu tiên được hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng thúc đẩy.
Có thể nói những kế hoạch được đưa ra sau 2 ngày đàm phán diễn ra tại Washington đã phần nào gỡ được những nút thắt khó khăn nhất trong hàng loạt vấn đề khúc mắc. Ở một mức độ nào đó, Trung Quốc đã có thêm bước thỏa hiệp với những cam kết tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đáp ứng một trong số những yêu cầu chủ chốt của Washington đối với Bắc Kinh. Việc Mỹ và Trung Quốc nhất trí áp dụng những biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự phát triển cân bằng thương mại cho thấy hai bên coi trọng việc tăng cường hợp tác và đối thoại song phương. Đây có thể là cơ sở quan trọng cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa lãnh đạo hai nước.
Tuy nhiên, một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa hai nước để chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn là vấn đề bỏ ngỏ. Dù đàm phán được đánh giá là xây dựng và đề cập tới những vấn đề khúc mắc trong quan hệ hai nước, song những chủ đề phức tạp gây nhiều tranh cãi liên quan tới việc “ăn cắp” tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ… rõ ràng gần như chưa thể giải quyết. Hơn nữa, mâu thuẫn cốt lõi của hai bên liên quan tới cấu trúc nền kinh tế, khó có thể khỏa lấp được.
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều đang gặp trục trặc do tác động của căng thẳng thương mại, nhất là kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu “hụt hơi”, đồng thời “cuộc đấu” trên chính trường Mỹ giữa Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện vẫn khá gay gắt, kết quả vòng đàm phán này dường như cho thấy hai bên đang tạm thỏa hiệp để ngăn chặn tình hình tiếp tục leo thang, nhằm tập trung thời gian giải quyết những vấn đề nội bộ đang nổi cộm.
Về phần Mỹ, giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc cam kết mua một số lượng hàng hóa nhất định của Mỹ đã có thể coi là một thành công, bởi nó giúp giảm thâm hụt thương mại. Đối với Trung Quốc, cam kết tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, dù khá mập mờ, cũng có thể dẫn tới việc chính quyền Tổng thống Trump bãi bỏ một vài hoặc toàn bộ thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Bắc Kinh.
Nếu mục tiêu của cả Mỹ và Trung Quốc chỉ là một thỏa thuận đáp ứng những yêu cầu như vậy, việc cả hai cùng tuyên bố về tiến bộ của vòng đàm phán lần này cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, việc Tổng thống Donald Trump bày tỏ lạc quan về vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung này, được đánh giá chỉ mang tính sách lược.
Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, bởi vậy mà ngay cả khi cuộc chiến thương mại chấm dứt, xung đột trong các lĩnh vực khác vẫn có thể xuất hiện. Việc Mỹ, ngay khi vòng đàm phán thương mại diễn ra, truy tố tập đoàn thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei và Giám đốc Tài chính tập đoàn này là bà Mạnh Vãn Chu với cáo buộc đánh cắp bí mật công nghệ, lừa đảo ngân hàng,… cho thấy “cuộc đối đầu” Trung Quốc-Mỹ chưa thể dừng lại với bằng những thông điệp lạc quan phát đi sau vòng đàm phán thương mại ở Washington lần này.
Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung nói chung luôn là câu chuyện dài kỳ, phức tạp, có thể chỉ được giải quyết một phần, khi hai chấp nhận những điều kiện được đưa ra mặc cả trên bàn đàm phán và nhượng bộ những yêu sách của nhau. Việc hai bên tiếp tục đàm phán để giải quyết tranh chấp thương mại, dẫu sao, cũng giúp tránh cho quan hệ Mỹ-Trung trượt theo hướng xấu hơn.