Nếu Mỹ không muốn để mất vị trí dẫn đầu công nghệ 5G về tay Trung Quốc thì họ phải dọn đường cho sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty công nghệ hàng đầu của chính mình.
Ngày nay, ít ai nghi ngờ rằng sự vượt trội của Mỹ trong thế hệ viễn thông di động tiếp theo, thường được gọi là 5G, là một vấn đề được quốc gia đặc biệt quan tâm. Nhưng lại có nghi ngờ rằng Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ, đã chi tiêu vượt qua Mỹ 24 tỷ USD và lên kế hoạch chi 411 tỷ đô la đầu tư cho 5G trong thập kỷ tới. Chính phủ Trung Quốc cũng đã đặt ra nhiều kế hoạch quốc gia để trở thành người dẫn đầu về công nghệ di động, mà điển hình là công ty Huawei đã sẵn sàng trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới vào năm 2020.
Nhưng trong khi đó các công ty Mỹ đang làm gì? Họ còn đang mải tranh cãi nhau về bằng sáng chế.
Cuộc đấu nội bộ Qualcomm – Apple/Intel
Theo tờ National Interest, trong nhiều năm, nhà cung cấp chip viễn thông di động tiên tiến hàng đầu của Mỹ là Qualcomm có trụ sở tại San Diego. Công ty này là một nhà đổi mới công nghệ di động, nhưng cũng là nơi đưa ra những cải tiến chiến lược pháp lý phức tạp. Như một cáo buộc trong vụ kiện được xem xét tại Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), Qualcomm đã sử dụng vị trí thống lĩnh của mình trong lĩnh vực cung cấp chip và nắm giữ bằng sáng chế rộng rãi, để tạo ra một mạng lưới cấp phép bằng sáng chế phức tạp trong ngành công nghiệp di động. FTC cho rằng, tác động của kế hoạch cấp phép phức tạp đó đã đẩy các nhà sản xuất chip đối thủ ra khỏi thị trường.
Qualcomm ngày nay chỉ phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh lớn cũng của Mỹ là Intel, công ty sản xuất ra chip mà Apple gần đây đã bắt đầu sử dụng thay vì dùng chip của Qualcomm. Không có gì ngạc nhiên khi Qualcomm tận dụng các bằng sáng chế của mình để gây sức ép tiến hành một cuộc điều tra trả đũa đối với Apple, nhằm đẩy Intel ra khỏi thị trường chip di động và để Qualcomm trở thành độc quyền
Như vậy thật khó để tưởng tượng rằng cuộc đấu đá nội bộ giữa Apple, Intel và Qualcomm sẽ đưa Mỹ tiến xa trong công nghệ 5G. Thay vào đó, con đường tốt nhất là: cho phép cạnh tranh và mở rộng số lượng công ty hoạt động trong lĩnh vực phát triển 5G.
Trung Quốc – người chơi lớn
Cạnh tranh khuyến khích các công ty đổi mới để giành thị phần. Điều này đặc biệt quan trọng đối với 5G, cạnh tranh dẫn đến an ninh mạng tốt hơn trong các sản phẩm, khiến chúng ít bị “hack” hoặc bị lạm dụng.
Cạnh tranh đặc biệt quan trọng khi xét đến các tiêu chuẩn kỹ thuật xác định cách thức hoạt động của 5G. Các tiêu chuẩn này là công việc của 3GPP, một consortium quốc tế của các công ty công nghệ trong lĩnh vực này. Những tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và ZTE là những người tham gia chính trong 3GPP. Việc đảm bảo tiêu chuẩn của 3GPP phản ánh các giá trị Mỹ đòi hỏi phải có càng nhiều công ty Mỹ tham gia bàn đàm phán càng tốt. Mà điều này khó đạt được hơn khi các công ty đó còn đang tìm cách kiện nhau để đánh bật đối thủ khỏi sân chơi.
Chính các bằng sáng chế, giống như phần thưởng cho các phát minh mới, là động lực của sự đổi mới trong các lĩnh vực như 5G. Tuy nhiên, vấn đề không phải là sự tồn tại của một hệ thống bằng sáng chế mà là sức mạnh ngày càng mở rộng của các luật sáng chế, vốn khuyến khích các công ty rót đô-la vào các dự án cấp phép bằng sáng chế phức tạp như Qualcomm đã thực hiện, thay vì chăm chỉ xây dựng công nghệ mới. Khi đổi mới trong chiến lược bằng sáng chế có lợi hơn so với đổi mới trên thực tế, nước Mỹ có thể sẽ thua trong cuộc đua 5G và các công nghệ khác.
Nhiều nghị sĩ Quốc hội, từ cả hai đảng, đã tố cáo việc sử dụng bằng sáng chế để loại bỏ các công ty như Intel ra khỏi thị trường phát triển 5G. Họ cho rằng những hành động đó sẽ làm giảm chất lượng, đổi mới, giá cả cạnh tranh, làm suy giảm sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong phát triển 5G và qua đó là an ninh quốc gia Mỹ.
Trong khi đó, hãy nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm. Bắc Kinh đang trao nhiều phần thưởng để khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ. Chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp và lợi ích tài chính để khuyến khích công dân nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Thông điệp ở Trung Quốc rất rõ ràng: Bạn sẽ được khen thưởng vì đã đổi mới, chứ không phải vì ngụy biện cho các bằng sáng chế.
Trang National Interest cho rằng, Mỹ nên thực hiện chiến thuật tương tự nếu không muốn để Trung Quốc vượt mặt trong lĩnh vực 5G. Quyền sáng chế mạnh mẽ hơn – khuyến khích những tranh chấp phản tác dụng chính – chính là lực cản đối với ngành công nghiệp 5G, lực cản với nghiên cứu và phát triển, và cuối cùng là lực cản đối với sức cạnh tranh của đất nước trên thị trường toàn cầu. Nếu muốn dẫn đầu mảng 5G, nước Mỹ phải dọn đường cho sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty công nghệ hàng đầu của chính mình.
Nguồn:baotintuc.vn