(Quan hệ quốc tế) – Tình hình Biển Đông năm 2019 sẽ tiếp tục nóng, đặc biệt trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung. Đó là nơi để các bên tranh giành ảnh hưởng.
Nhận định về tình hình Biển Đông năm 2019, Ths Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho biết, Biển Đông sẽ tiếp tục liên quan đến 2 cường quốc: Mỹ và Trung Quốc.
Vào tháng 3/2018, Mỹ đã khởi động cuộc chiến tranh thương mại nhằm đối phó lại Trung Quốc. Sau những căng thẳng nhất định, hai bên đều có thiệt hại. Mỹ và Trung Quốc đã có 90 ngày hòa hoãn, đồng thời đại diện hai bên cũng đã xem xét để đàm phán, thỏa thuận với nhau.
Theo Ths Hoàng Việt, nhiều người mong chờ hai quốc gia phải nhượng bộ, đàm phán với nhau nhưng chắc chắn trong năm 2019 chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể dừng lại.
“Thực chất cuộc chiến này không chỉ là chiến tranh thương mại mà nó là sự cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia, một đang là siêu cường và một đang muốn thay thế vị trí siêu cường đó. Nhưng “một rừng không thể có hai cọp” nên bắt buộc phải có sự cạnh tranh.
Vì lẽ đó, năm 2019 chưa thể nói Mỹ-Trung Quốc sẽ hòa hoãn với nhau và chắc chắn Biển Đông sẽ luôn là nơi để hai bên phô diễn ảnh hưởng của mình”, vị chuyên gia nhận định.
Minh chứng cho điều này, Ths Hoàng Việt nhắc lại sự kiện diễn ra ngay trong những ngày đầu năm 2019, Mỹ đã cho tàu USS McCampbell tiến vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và ngay sau đó, Trung Quốc đã lên tiếng rất căng thẳng và đe dọa sẽ có những biện pháp trả đũa mạnh.
Bên cạnh đó, một số quốc gia là đồng minh của Mỹ đã bắt một số công dân Trung Quốc và cáo buộc họ hoạt động gián điệp, chẳng hạn như vụ bắt lãnh đạo của hãng Huawei.
Trước đó, trong năm 2018, Mỹ đã liên tục điều máy bay ném bom B-52 đến Biển Đông. Và trong tháng 1/2019, thông tin trên báo chí cho biết, Hải quân Mỹ cùng với đồng minh thân thiết là nước Anh, lần đầu tiến hành tập trận chung trên Biển Đông.
“Những sự kiện đó cho thấy Biển Đông không hề lắng dịu mà vẫn tiềm ẩn rất nhiều vấn đề. Và trong năm 2019, khả năng Biển Đông vẫn là tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ-Trung Quốc. Thêm vào đó, sẽ có thêm nhiều quốc gia khác cùng tham gia”, Ths Hoàng Việt nói.
Một vấn đề khác đặt ra đối với Biển Đông được Ths Hoàng Việt đề cập, đó là tiến trình hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
“Nếu thỏa thuận COC ra đời thì những căng thẳng, xung đột tiềm tàng ở Biển Đông có thể được giảm bớt. Theo phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thì hy vọng trong ba năm tới có thể ra được bản COC, vấn đề ở chỗ cản trở lớn nhất chính là từ phía Trung Quốc. Dựa trên những thông tin gần đây truyền thông cho biết thì Việt Nam vẫn kiên quyết yêu cầu một số điểm quan trọng trong bản dự thảo COC mà phía Trung Quốc khó có thể chấp nhận trong thời gian này.
Thứ nhất, Việt Nam đòi hỏi COC phải có ràng buộc mang tính pháp lý. Vì nếu không, nó chẳng khác gì Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) trước đây và nó không thể ngăn chặn được những xung đột tiềm tàng trong khu vực này.
Thứ hai, Việt Nam cũng yêu cầu COC phải ngăn chặn các hoạt động mà Trung Quốc tiến hành, như bồi lấp đảo nhân tạo, quân sự hóa.
Thứ ba, Trung Quốc không được tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Những yêu cầu này đụng tới quyền lợi, tham vọng của Trung Quốc. Vì vậy họ không dễ chấp nhận. Có lẽ phải đợi đến khi nào Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế buộc vào thế phải chấp nhận thì họ mới chấp nhận còn hiện tại thì không, khi thế và lực của họ còn rất mạnh.
Song song với đó, Trung Quốc cũng muốn các quốc gia ASEAN không được khai thác dầu khí với một quốc gia thứ ba, ở đây muốn ám chỉ Mỹ hoặc quốc gia bên ngoài khác.
Những điều ấy cho thấy sự giằng xé của các bên về nội dung bản COC vẫn khác biệt rất nhiều, không dễ dàng đi đến sự đồng thuận”, Ths Hoàng Việt chỉ rõ.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia khẳng định, tình hình Biển Đông vẫn đang nóng và sẽ tiếp tục nóng, đặc biệt trong cuộc đối đầu giữa hai quốc gia Mỹ-Trung, đó là nơi để các bên tranh giành ảnh hưởng. Mặt khác, công cụ để kiềm chế được Trung Quốc là COC vẫn chưa ra đời được sớm nên dự báo Biển Đông vẫn còn nhiều vấn đề.
Cũng từ đây, Ths Hoàng Việt nhắc lại những việc Việt Nam cần làm trước thế trận trên Biển Đông là không thay đổi.
Giống như trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhiều ý kiến đã đặt ra vấn đề: Việt Nam làm thế nào để sống sót trong cuộc chiến này?
“Nhiều người cho rằng đó là vận may, người cho rằng đó là nguy cơ, nhưng như người Việt xưa vẫn nói “trong nguy có cơ”, vấn đề là chúng ta có làm được hay không, có tận dụng được hay không.
Với vấn đề Biển Đông cũng vậy, quan điểm trước nay của Việt Nam là đi đúng hướng ngoại giao: Một mặt chúng ta vẫn tiếp tục đa phương hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong đó có các cường quốc, mặt khác, tăng cường nội lực của Việt Nam”, Ths Hoàng Việt nhấn mạnh.