Quyết định từ chối căn cứ vào quy chế nội bộ
Ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E- Công ty con của VEC), cho biết, đơn vị vừa quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có BKS 51A-55850 và BKS 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Nguyên nhân hai phương tiện này có các hành vi vi phạm các quy định theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Trả lời về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn hai phương tiện này, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC cho rằng, việc này căn cứ vào các quy định của pháp luật và Quyết định số 13 của Hội đồng thành viên VEC về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO cho rằng việc từ chối phục vụ lưu thông này là trái pháp luật.
“Mọi người đều có thể đi lại ở bất cứ nơi đâu nếu pháp luật không hạn chế quyền đi lại. Chúng ta phải hiểu đây là đường công cộng của Nhà nước chứ không phải đường của riêng VEC. VEC chỉ là đơn vị thi công mặt đường để thu phí chứ không phải là đơn vị sở hữu đường nên không bao giờ có quyền từ chối phục vụ”- Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.
Cũng theo vị luật sư này, nếu chủ 2 xe ôtô này hoặc bất kỳ ai khác có hành vi gây rối an ninh trật tự, vi phạm quy định của pháp luật tại tuyến đường cao tốc thì các hành vi vi phạm này phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời nhưng phải đúng với quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, không thể xử lý tùy tiện.
Thẩm quyền “cấm” thuộc về Bộ trưởng Bộ GTVT
Việc quản lý, khai thác đường cao tốc hiện nay được quy định cụ thể tại Nghị định 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc và Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT (sửa đổi theo Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT). Theo đó, cơ quan quản lý đường cao tốc là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT; cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đơn vị được giao tổ chức khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc là chủ thể trực tiếp thực hiện việc khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc, được xác định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi thông qua Hợp đồng với Cơ quan quản lý đường cao tốc hoặc với Nhà đầu tư đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác hợp tác công – tư (PPP).
Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc là doanh nghiệp dự án đối tác công tư và doanh nghiệp được nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường cao tốc.
“Qua đó có thể thấy, VEC hay VEC E không phải là cơ quan quản lý đường cao tốc mà chỉ là đơn vị khai thác, đầu tư xây dựng và quản lý, bảo trì công trình đường cao tốc, có quyền lợi và nghĩa vụ trên cơ sở hợp đồng, không có chức năng và thẩm quyền quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, quản lý đường cao tốc; không có thẩm quyền xử phạt vi phạm”- Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Do vậy, việc VEC E thay mặt VEC thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác là không thuyết phục; không có cơ sở cho thấy họ có thẩm quyền và chức năng để thực hiện việc này.
Sáng nay, 12/2, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về việc này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, cả VEC và VEC E đều không có thẩm quyền từ chối phục vụ phương tiện vĩnh viễn trên các tuyến cao tốc hiện do VEC khai thác. Việc cấm lưu hành, cấm dừng xe thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu VEC báo cáo về việc này.
“VEC chỉ có quyền từ chối phục vụ xe đi vào cao tốc đối với các phương tiện vi phạm về an toàn giao thông, không chấp hành điều kiện an toàn của đường cao tốc”- ông Huyện thông tin thêm.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Hồng Điệp, vụ trưởng vụ Quản lý – bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) nêu quan điểm: “Người ta có thể xử lý hành vi vi phạm đối với đối tượng sử dụng phương tiện và chủ phương tiện chứ không có luật nào xử lý phương tiện cả. Bởi tài sản nó được dịch chuyển và có thể mua bán theo quy định pháp luật. Lỗi không bao giờ thuộc về tài sản!”.
Nguồn:anninhthudo.vn