Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Washington có thể thu hẹp quy mô hoạt động ở châu Âu và những nơi khác nếu các quốc gia liên quan tiếp tục làm ăn với Huawei
Phái đoàn thương mại cấp thứ trưởng của Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành vòng đàm phán mới tại Bắc Kinh nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp cấp bộ trưởng dự kiến diễn ra trong ngày 14 và 15-2.
Thứ trưởng Tài chính đặc trách các vấn đề quốc tế của Mỹ David Malpass trả lời một chữ “Không” gọn lỏn trước những câu hỏi của báo giới hôm 12-2 về việc liệu hạn chót đình chiến thương mại Mỹ – Trung có được lùi lại hay không. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được trước hạn chót 1-3 tới, Mỹ có thể nâng mức thuế quan áp lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.
Theo Reuters, ông Malpass – nhân vật được Tổng thống Trump đề cử cho vị trí chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) – cùng các thành viên khác của phái đoàn cấp thứ trưởng do Phó Đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish dẫn đầu đã không hồi đáp những câu hỏi khác đề cập tiến triển của vòng đàm phán bắt đầu hôm 11-2.
Trao đổi với kênh Fox News sau ngày họp đầu tiên, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett nói chính quyền Tổng thống Donald Trump hài lòng với tiến triển của đàm phán nhưng cảnh báo rằng ngày 1-3 là một “hạn chót thực sự” cho việc đạt thỏa thuận. Trong khi đó, cả giới chức Mỹ và Trung Quốc đều bày tỏ hy vọng vòng đàm phán này sẽ đưa hai bên xích lại gần hơn một thỏa thuận giúp xuống thang cuộc chiến thương mại căng thẳng đã kéo dài 7 tháng.
Theo trang Bloomberg, gánh nợ nguy hiểm và sự sụt giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đem lại cho chính quyền Tổng thống Trump nhiều lợi thế trong đàm phán thương mại với Bắc Kinh hơn bất cứ chính quyền Mỹ nào trước đây. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang mong đạt thỏa thuận đình chiến thương mại với Mỹ nhằm tránh tổn thất kinh tế hơn nữa.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng hai bên rất khó tìm được tiếng nói chung trước hạn chót nói trên nếu dựa vào đòi hỏi của Mỹ, theo đó Bắc Kinh tiến hành cải cách lớn mang tính cấu trúc đối với các vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và trợ cấp công nghiệp.
Đã xuất hiện những suy đoán rằng ông Trump “bật đèn xanh” cho các nhà đàm phán Mỹ đi đến thỏa thuận để chấm dứt những biến động thị trường gần đây. Tuy nhiên, một bước đi như thế đồng nghĩa Washingon từ bỏ cơ hội lịch sử để tiến tới cuộc tái cấu trúc lớn quan hệ với Bắc Kinh vào thời điểm Trung Quốc hầu như đã ngả về phía nhượng bộ.
Theo trang Independent, các thị trường tỏ ra hy vọng về khả năng kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung với các chỉ số chứng khoán tại Trung Quốc tăng điểm sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, tuyên bố gần đây của ông chủ Nhà Trắng về việc không có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước ngày 1-3 đã giảm bớt kỳ vọng hai bên sớm đạt được thỏa thuận toàn diện để ngăn cuộc chiến thuế quan leo thang.
Hy vọng càng thêm mong manh khi chính quyền ông Trump liên tục có những hành động được cho là không nể mặt Trung Quốc giữa lúc đàm phán diễn ra. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 11-2 thẳng thừng cảnh báo châu Âu về nguy cơ gián điệp từ Tập đoàn Huawei và cho rằng thiết bị mạng của công ty Trung Quốc này không nên lắp đặt gần các hệ thống Mỹ. Phát biểu tại điểm dừng chân đầu tiên ở Hungary trong chuyến công du 5 nước vùng Trung Âu, ông Pompeo cảnh báo Mỹ có thể buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động ở châu Âu và những nơi khác nếu các quốc gia liên quan tiếp tục làm ăn với Huawei.
Việt Nam hưởng lợi về lâu dài
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia sẽ hưởng lợi trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đe dọa đến hoạt động xuất khẩu của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý tài sản Dragon Capital (Việt Nam), lợi ích này cho đến nay vẫn chưa đáng kể. “Vẫn còn hơi sớm để Việt Nam hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung” – ông Stoops nói với đài CNBC (Mỹ).
Các báo cáo chỉ ra rằng một số công ty bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế từ Mỹ và Việt Nam có thể là điểm đến tiềm tàng nhờ chi phí sản xuất thấp. Theo ông Stoops, Việt Nam bắt đầu ghi nhận những đơn đặt hàng mới ồ ạt đổ vào các ngành công nghiệp còn khả năng gia tăng sản lượng. “Chúng tôi thấy những đơn hàng xuất khẩu lớn trong ngành thủy sản, nội thất và may mặc. Đây là điều báo hiệu cho những gì sắp xảy ra khi các doanh nghiệp bắt đầu chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc” – ông Stoops nhận định. Những lợi thế của Việt Nam, theo chuyên gia này, là năng lực quản trị doanh nghiệp ngày càng được cải thiện, chính trị ổn định, nhân khẩu học hoàn hảo…
Chia sẻ đánh giá tích cực nói trên, ông Rob Koepp, chuyên gia của dịch vụ tư vấn kinh doanh Economist Corporate Network (Anh), cho rằng Việt Nam về lâu dài có thể hưởng lợi từ sự điều chỉnh của các chuỗi cung ứng chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Báo cáo mới của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận định Việt Nam là một trong những nước chứng kiến hoạt động xuất khẩu gia tăng do cuộc tranh cãi này. Bà Bethann Rooney, trợ lý giám đốc cảng New York & New Jersey (Mỹ), chỉ ra sự thay đổi tại cảng bận rộn thứ 3 của Mỹ này kể từ khi Washington và Bắc Kinh leo thang cuộc chiến thuế quan: “Hàng hóa xuất khẩu thường đến Trung Quốc đã chuyển sang các nước như Ấn Độ và Indonesia. Trong khi đó, về nhập khẩu thì lại có sự thay thế đến từ các nhà cung cấp tại Đông Nam Á và Việt Nam”.
Xuân Mai