(Tin tức thời sự) – Lãnh đạo VEC thừa nhận, việc đề xuất từ chối phục vụ vô thời hạn đối với 2 phương tiện là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Liên quan đến việc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ra quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn hai phương tiện trên tất cả các tuyến đường do đơn vị này quản lý, khai thác, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang khẳng định, đây là hành vi lạm quyền.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, nếu chủ phương tiện dừng đỗ xe gây rối, phá phách thì phải nhờ lực lượng công an can thiệp, xử lý, còn đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc không có quyền can thiệp một cách kỳ lạ như vậy.
“Chủ đầu tư cao tốc cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật, không phải doanh nghiệp làm đường rồi doanh nghiệp có quyền đặt ra chế tài khơi khơi như vậy. Hơn nữa, chỉ có thể xử lý hành vi vi phạm đối với đối tượng sử dụng phương tiện và chủ phương tiện chứ không thể xử lý phương tiện.
Nếu Bộ GTVT không xử lý nghiêm khắc, việc này có thể tạo tiền lệ xấu khi doanh nghiệp tự đặt ra chế tài đứng trên các quy định pháp luật”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang chỉ rõ.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân cũng chỉ ra một thực tế, đó là quyền của chủ đầu tư các tuyến đường cao tốc rất to mà vụ ra quyết định không phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện nói trên và vụ cướp 2,2 tỷ đồng ở trạm thu phí Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) là ví dụ tiêu biểu.
“Như vụ cướp ở trạm thu phí Dầu Giây, rõ ràng qua đó cho thấy cơ quan quản lý nhà nước đã để chủ đầu tư tự quyết quá. Từ những thông tin trên báo chí, dư luận có quyền đặt dấu hỏi về sự thiếu trung thực, thiếu minh bạch của chủ đầu tư, thu nhiều mà báo ít”, ông nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, người dân đang ngày càng mất niềm tin vào BOT và càng mất niềm tin hơn sau những vụ việc như trên xảy ra, hễ nói đến BOT là e ngại.
“BOT phải làm sao để người dân, doanh nghiệp vận tải có lại niềm tin, sẵn sàng đóng góp và nộp phí”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, tiếp tục tỏ ra thận trọng khi bình luận về việc VEC không phục vụ vĩnh viễn hai phương tiện ô tô, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết, đường cao tốc là công trình của Nhà nước nhưng lại thuộc quyền quản lý, khai thác của chủ đầu tư.
“Vì thế, đơn vị khai thác, quản lý tuyến cao tốc ấy có quyền nhất định. Những quyền đó phải được quy định trong hợp đồng.
Đối với việc VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn hai phương tiện, cần xem lại hợp đồng xem quyền của chủ đầu tư cao tốc đến đâu, quyền từ chối phục vụ vĩnh viễn có được ghi trong hợp đồng hay không.
Vụ việc xảy ra cho thấy chủ đầu tư đã đưa ra quyết định thiếu thận trọng và có phần vội vàng. Quyết định đó ảnh hưởng đến việc phục vụ vận tải nói chung, không chỉ là 2 phương tiện nói trên.
Lẽ ra VEC phải cân nhắc, tính toán, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, đối chiếu với các quy định của pháp luật, từ đó mới làm tờ trình đề nghị lên cấp trên”, ông Liên cho biết.
Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, TTXVN dẫn lời ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC thừa nhận, việc đề xuất từ chối phục vụ vô thời hạn đối với hai phương tiện trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời một lãnh đạo VEC ngày 12/2 cho biết, đến nay chưa ra quyết định nào về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn với hai xe ô tô. Theo đó, VEC sẽ yêu cầu đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đính chính lại thông tin “từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với hai xe ô tô” trên.
“Tổng công ty có nhận được văn bản của đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây về đề xuất trên, tuy nhiên qua xem xét thấy chưa có căn cứ pháp lý để từ chối phục vụ vĩnh viễn nên không ký quyết định”, vị này nói.
Do đó VEC sẽ yêu cầu đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hủy thông báo “từ chối phục vụ vĩnh viễn” hai xe ôtô trên.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cũng cho biết, theo thông tin từ VEC, cơ quan này chưa ra quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với hai xe ô tô trên.
Nguồn:baodatviet.vn