Ngày 15/2, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono đã có cuộc hội đàm về các vấn đề song phương và diễn biến mới nhất liên quan đến Triều Tiên. Cuộc gặp diễn ra tại thành phố Munich, Đức, khi hai quan chức ngoại giao này tới đây tham dự một hội nghị an ninh quốc tế.
Ngay khi bước vào hội đàm, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã kêu gọi sự hợp tác của Nhật Bản trước thềm cuộc gặp lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất chấp những căng thẳng ngoại giao giữa hai nước liên quan đến các vấn đề lịch sử và nhiều vấn đề khác.
Bà khẳng định “sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đặc biệt quan trọng” trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh nói trên, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ có cuộc hội đàm “thẳng thẳn và mang tính xây dựng” với người đồng cấp Nhật Bản.
Về phần mình, Ngoại trưởng Kono cũng bày tỏ hy vọng được thẳng thắn trao đổi quan điểm với bà Kang Kyung-wha trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều, mặc dù “còn nhiều vấn đề khúc mắc” giữa Seoul và Tokyo.
Ông bày tỏ mong muốn Hàn Quốc sớm đưa phương hướng giải quyết dứt diểm tranh cãi gần đây liên quan đến vấn đề lịch sử để tránh căng thẳng ngày càng leo thang.
Sau cuộc hội đàm kéo dài 50 phút, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha thông báo trước báo giới, hai bên đã nhất trí cho rằng Mỹ và Triều Tiên cần phải đạt được một thỏa thuận thiết thực về phi hạt nhân hóa trong cuộc gặp sắp tới.
Hàn Quốc và Nhật Bản đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hợp tác song phương và 3 bên với Mỹ cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai đã được lên kế hoạch diễn ra trong các ngày 27-28/2 tại Hà Nội, Việt Nam.
Trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã trở nên xấu đi do những bất đồng lịch sử liên quan đến lao động cưỡng bức trong thời kỳ chiến tranh cũng như hoạt động quân sự.
Liên quan đến tình hình Triều Tiên, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc dẫn nguồn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết giới chức Mỹ đang xem xét phương án miễn cấm vận và gỡ bỏ lệnh cấm du lịch tới Triều Tiên đối với các tổ chức cứu hộ, viện trợ nhân đạo.
Trước đó, báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) có đề cập nội dung Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng của người dân Triều Tiên. Do đó, Washington sẽ cân nhắc các chính sách liên quan, tránh để các biện pháp cấm vận cản trở hoạt động viện trợ nhân đạo hợp pháp cho người dân Triều Tiên.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ và LHQ vẫn sẽ tiếp tục xem xét một cách kỹ lưỡng đề nghị phê chuẩn chuyến thăm Triều Tiên của các tổ chức viện trợ nhân đạo. Cho tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Mỹ không có kế hoạch viện trợ nhân đạo trực tiếp nào cho Triều Tiên.