Nhà sáng lập Tập đoàn Huawei, Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi), đang gây ấn tượng mạnh mẽ khi khẳng định Mỹ rất khó “đè bẹp” gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc và lên án vụ bắt giữ con gái ông.
Thời gian qua, Huawei luôn phải đối mặt với các cáo buộc gián điệp, gây hại cho an ninh của nhiều quốc gia.
Điển hình là Mỹ, Nền kinh tế số 1 thế giới đang tạo ra chiến dịch nhằm thuyết phục các đồng minh loại bỏ thiết bị của “gã khổng lồ” công nghệ ra khỏi kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông.
Úc và New Zealand cũng cấm các nhà mạng viễn thông sử dụng thiết bị mạng 5Gcủa Huawei. Trong khi Vương quốc Anh, Đức và nhiều nước khác đang cân nhắc có nên làm điều tương tự hay không.
Chính phủ Mỹ cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng các sản phẩm công nghệ của Huawei để phục vụ mục đích gián điệp. Tuy nhiên, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này và khẳng định bước đi của họ hoàn toàn vì mục tiêu thương mại chứ không phải vì an ninh, chính trị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm các văn phòng của Huawei tại Luân Đôn năm 2015. |
“Mỹ không đại diện cho thế giới”
CEO Ren Zhengfei nói với BBC rằng ngay cả khi Mỹ thuyết phục nhiều quốc gia ngừng sử dụng thiết bị Huawei thì quy mô của công ty “cũng chỉ bị thu nhỏ một chút”.
“Nếu đèn tắt ở phương Tây, phương Đông vẫn sẽ sáng. Và nếu miền Bắc chìm trong bóng tối, thì vẫn còn miền Nam. Mỹ không đại diện cho thế giới”, Ren Zhengfei nhấn mạnh.
Ren Zhengfei gây dựng Huawei thành một tập đoàn công nghệ vững mạnh với doanh thu hàng năm lên đến hơn 100 tỷ USD. |
Các nhà phân tích đồng ý rằng hoạt động kinh doanh toàn cầu rộng lớn của Huawei, vốn mạnh ở nhiều thị trường mới nổi, có thể tồn tại ngay cả khi chính phủ Mỹ thuyết phục nhiều đồng minh loại trừ các sản phẩm của Huawei khỏi dự án xây dựng mạng 5G.
Huawei vượt xa các đối thủ chính, khiến nó gần như không thể thay thế đối với một số thiết bị mạng không dây.
Huawei cũng là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu và đặt mục tiêu vượt qua Samsung, trở thành công ty viễn thông lớn nhất thế giới vào năm tới.
Nhưng “gã khổng lồ” công nghệ vẫn sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Các nhà phân tích cho rằng chính quyền Trump có thể sử dụng bản cáo trạng gần đây để cấm Huawei mua linh kiện quan trọng từ các công ty Mỹ. Điều đó khiến Huawei rơi vào một cuộc khủng hoảng tương tự như ZTE từng phải gánh chịu. Năm ngoái, đối thủ của Huawei bị tê liệt trong nhiều tháng bởi lệnh cấm tương tự.
Vụ bắt giữ Meng Wanzhou mang động cơ chính trị
Các công tố viên Mỹ đã truy tố Huawei và nữ Giám đốc tài chính (CFO) Meng Wan Wanzhou (Mạnh Vãn Châu) – con gái của ông Nhậm Chính Phi, về tội lừa dối ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Bà đã bị bắt ở Canada vào tháng 12 năm ngoái, sau đó được tại ngoại ở thành phố Vancouver và phải đối mặt với nguy cơ dẫn độ về Mỹ. Tòa án Canada quyết định dời việc xét xử dẫn độ bà đến ngày 6/3, muộn hơn so với dự kiến trước đó một tháng để xem xét thêm các bằng chứng liên quan đến vụ án. Số phận của nữ CFO 46 tuổi rơi vào hoàn cảnh khó đoán định.
Bà Meng Wanzhou mang họ mẹ. Tên tiếng Anh là “Cathy” và “Sabrina”. |
Cuộc tấn công của Mỹ chống lại Huawei đã làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, khiến việc triển khai mạng 5G trên toàn thế giới bị gián đoạn, đồng thời mối quan hệ Canada – Trung Quốc cũng rạn nứt.
Người sáng lập Huawei Ren Zhengfei nói với BBC rằng ông phản đối yêu cầu dẫn độ của Mỹ đối với con gái ông, Meng Wanzhou, cho rằng đó là “động cơ chính trị”.
“Có thể họ đã nghĩ nếu họ bắt Meng Wanzhou thì Huawei sẽ sụp đổ, nhưng không. Chúng tôi vẫn đang từng bước đi lên”, ông Ren nói.
Trong cuộc trò chuyện với giới truyền thông vào tháng trước, vị tỷ phú này cho biết ông rất nhớ con gái, đồng thời tiết lộ mối quan hệ “mờ nhạt” của họ.
“Trong suốt thời thơ ấu của nó, tôi đã ở trong quân đội. Mỗi năm, tôi đi vắng 11 tháng, và chỉ có một tháng dành cho gia đình. Vì vậy, tình cảm cha con không được khăng khít lắm”.
Trong những năm sau đó, ông đã chiến đấu hết mình vì sự sống còn của Huawei, thường xuyên làm việc 16 giờ một ngày. Ông thừa nhận ông không gần gũi với bất kỳ đứa con nào trong ba đứa con của mình và cảm thấy mắc nợ chúng.
Huawei đặt niềm tin vào Anh
Chính phủ Trung Quốc đã bảo vệ Huawei bằng mọi cách vì phải chịu áp lực ngày càng tăng từ phía Mỹ. Trước đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho bà
Tại Hội nghị an ninh Munich hôm thứ 7 tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết: “Chúng tôi phải bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng của mình. Mỹ đang kêu gọi tất cả các đối tác an ninh cảnh giác và không cho phép bất kỳ doanh nghiệp nào làm tổn hại đến tính toàn vẹn của công nghệ truyền thông hay hệ thống an ninh quốc gia của chúng tôi”.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich. |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) cho rằng những bình luận của Phó Tổng thống là “đạo đức giả, vô đạo đức và không công bằng”.
Bà nhắc lại những lời chỉ trích của Bắc Kinh rằng chính phủ Mỹ đang “trấn áp” quyền lực quốc gia để ngăn các quyền và lợi ích phát triển hợp pháp của các công ty Trung Quốc, bịa đặt và can thiệp vào các hoạt động kinh tế bằng các biện pháp chính trị”.
Những người đứng đầu cơ quan tình báo của Anh vừa cho biết có nhiều cách để hạn chế rủi ro gián điệp khi sử dụng thiết bị Huawei để xây dựng mạng 5G.
Tuyên bố trên có thể khiến tình cảm Anh-Mỹ xấu đi vì Mỹ muốn ngăn chặn sự “bành trướng” công nghệ 5G của Huawei ra toàn cầu.
Huawei gần như đóng cửa thị trường thiết bị viễn thông ở Mỹ. Ông Ren Zhengfei cho biết, nếu chính phủ này tiếp tục cản trở việc đầu tư, họ sẽ chuyển hướng hoạt động kinh doanh nhiều hơn ở Vương quốc Anh.
“Tôi phản đối những gì Mỹ làm. Chúng tôi tin tưởng và sẽ tiếp tục đầu tư vào nước Anh. Chúng tôi hy vọng Anh ngày càng tin tưởng chúng tôi hơn nữa”, CEO của Huawei chia sẻ.
Nguồn:thegioitiepthi.vn