Tôi sang Triều Tiên năm 1964 lần đầu tiên với tư cách là một du học sinh và rời Triều Tiên vào năm 2004 sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ. Trong 40 năm công tác, từ đầu chí cuối, cả sự nghiệp của tôi chỉ gắn bó với khu vực Đông Bắc Á và đất nước Triều Tiên nhưng câu chuyện với Triều Tiên chắc chắn là lâu hơn thế. Tôi đã chứng kiến những bước quan hệ của Triều Tiên với Việt Nam từ giai đoạn đầu cho đến đầu thế kỷ 21, cả những lúc thăng và trầm.
Sau khi về hưu, tôi vẫn theo dõi tình hình Triều Tiên gần 20 năm qua. Con gái tôi học tại Trường Tổng hợp Kim Nhật Thành, cháu nội tôi, cũng đang làm nghiên cứu về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Chồng tôi cũng là cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên. Khi tôi kết thúc nhiệm kỳ về nước, Chủ tịch Quốc hội Kim Yong Nam đã trao tặng tôi Huân chương hữu nghị hạng 2 của nhà nước Triều Tiên, còn chồng tôi được trao Huy chương hữu nghị. Ông Kim Yong Nam gọi chồng tôi là “bạn thân”, nói hai vợ chồng tôi là người bắt bánh cho chiếc xe hữu nghị giữa 2 hai nước. Mà chiếc xe này, ông Kim Yong Nam lại ví là một chiếc xe cút – kít, tức là trong thời điểm cả hai nước đều còn khó khăn, quan hệ hai nước còn trắc trở, tiến chậm như thế, mình vẫn giúp đỡ, nên bạn lại càng rất coi trọng sự chung thủy của mình với bạn.
Đại sứ Đỗ Thị Hòa trong thời gian còn công tác ở Triều Tiên. Ảnh nhân vật cung cấp
Về cuộc thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên sắp tới, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo từng phát biểu, mong muốn tiến càng xa càng tốt với Triều Tiên, nghĩa là không ngoài những nội dung liên quan đến vấn đề hạt nhân đã thỏa thuận về khung vào tháng 6 năm ngoái ở Singapore, hội nghị thượng đỉnh sẽ được mở rộng, đi vào chi tiết và có thể bàn toàn diện hơn đến việc ký hiệp ước hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên.
Nếu như chấm dứt được chiến tranh, Triều Tiên mới có thể ổn định, đảm bảo an ninh và phát triển được. Đây cũng là điều mà đất nước này luôn mong muốn.
Tôi cũng hy vọng Hiệp định hòa bình chấm dứt chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên sẽ được ký tại Hà Nội nhưng còn ký được hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều bên. Chuyện này là chuyện lớn, không chỉ có Mỹ và Triều Tiên mà còn liên quan đến cả Trung Quốc và Liên Hợp Quốc bởi Hiệp ước đình chiến ký năm 1953.
Nhưng sâu trong thâm tâm, tôi hy vọng và luôn luôn mong muốn đất nước Triều Tiên được hòa bình. Bán đảo Triều Tiên đã là điểm nóng tồn tại hơn 70 năm rồi. Tôi bao nhiêu tuổi thì điểm nóng này bấy nhiêu năm. Hiệp định đình chiến ký năm 1953 đến giờ cũng là 65 năm đất nước Triều Tiên bị chia cắt. Hai miền Triều Tiên có khoảng 3 triệu người ly tán, một di sản của chuyện hai miền chia cắt. Đây không những là thảm họa của đất nước mà còn là thảm họa đối với biết bao gia đình Triều Tiên.
Đất nước ta cũng từng trải qua tình cảnh này trong 21 năm nên ta hiểu hoàn cảnh của họ. Việt Nam giành được thắng lợi, thống nhất đất nước nhưng Triều Tiên thì không có cơ hội.
Người Triều Tiên cũng rất mong muốn có hòa bình. Con người Triều Tiên, giống như người Việt Nam, kiên cường, đã từng chống Nhật, chống Mỹ nhưng cũng rất mong muốn có hòa bình.
Triều Tiên và Hàn Quốc là cùng một dòng máu, cùng một văn hóa, cùng một dân tộc, người dân cả hai miền đều muốn có hòa bình.
Đặc biệt, người Triều Tiên gìn giữ văn hóa truyền thống rất tốt. Chỉ cần nhạc nổi lên là cả hai miền Bắc, Nam người dân đều tham gia được hết. Thậm chí, trên đường đi picnic, chỉ cần lấy thìa gõ vào chậu cơm, tạo ra tiếng nhạc là tất cả người dân có thể xuống đường nhảy múa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ca ngợi Triều Tiên sẽ là tên lửa kinh tế. Lời khen cũng có phần quá lời nhưng nếu như hòa bình lập lại, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, tôi tin Triều Tiên sẽ phát triển kinh tế tốt và thay đổi nhanh chóng.
Trước đây Triều Tiên đã từng là một nước phát triển. Sau chiến tranh năm 1953, Triều Tiên đúng là nằm trên một đống tro tàn theo nghĩa đen, cả thủ đô Bình Nhưỡng chỉ có 2 điểm không bị máy bay Mỹ phá hoại là trường Đại học Kim Nhật Thành và khu Bách hóa, còn lại bị san phẳng hết thành bình địa. Nhưng sau phong trào Thiên Lý Mã, đến khi tôi sang năm 1964, họ đã xây dựng thành phố Bình Nhưỡng có hình hài, với sự giúp đỡ của Liên Xô và Đức. Có thời kỳ, trình độ phát triển của Triều Tiên còn sánh ngang với các nước Đông Âu. Cơ sở hạ tầng và kỹ thuật cầu hầm của Triều Tiên rất phát triển. Năm 1994, họ đã có 31 km đường tàu điện ngầm.
Đại sứ Đỗ Thị Hòa chia sẻ những bức ảnh kỷ niệm thời trẻ, khi bà học tập và công tác tại Triều Tiên
Từ đáy lòng, tôi luôn có một mong muốn là nhìn thấy bán đảo Triều Tiên hòa bình và tôi hy vọng được chứng kiến điều đó ngay trong năm nay. Người dân Triều Tiên chất phác, hiền lành, tình nghĩa. Tôi thực sự mong nền hòa bình đến với nước bạn và tôi mong điều ấy đến sớm.
Về nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un, tôi nhận định rằng, đây là một nhà lãnh đạo trẻ nhưng có bản lĩnh. Trong cả các hội nghị thượng đỉnh liên Triều hay trong Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ lần đầu tiên, từ bước đi, phong thái đều cho thấy sự chững chạc, tự tin, thảo luận với Mỹ một cách ngang hàng.
Về đường lối đối ngoại, trong năm 2018, Triều Tiên từ việc ngoại giao thể thao khi dự Olympic mùa Đông Pyong chang để xích lại với Hàn Quốc, rồi đến ngoại giao con thoi, liên tục đi lại giữa Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc để tiến tới Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ lần đầu rồi đến lần hai, tất cả cho thấy ông Kim Jong-un đã kết nối được các mối quan hệ xung quanh để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Và hơn một năm qua mục tiêu nào cũng đạt được.
Bước chân lịch sử của hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đi qua đường phân giới hai miền.
Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cầm tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bước qua ranh giới hai miền khi Tổng thống Hàn Quốc hỏi nhà lãnh đạo Triều Tiên rằng, liệu ông có thể sang thăm Triều Tiên trong thời gian sắp tới. Ông Kim Jong-un đã trả lời, đây là thời điểm thích hợp và sau đó nắm tay đưa người đồng cấp bước qua đường phân giới hai miền, tiến sang lãnh thổ phía Bắc.
Đây là tình huống nằm ngoài kịch bản nhưng tài ngoại giao khôn khéo, ứng biến của một nhà chính trị nhạy cảm và nhà ngoại giao có tài đã để lại một hình ảnh đẹp, xúc động, thể hiện tình cảm dân tộc.
Chuyện thượng đỉnh là chuyện của Mỹ và Triều Tiên khi họ chọn địa điểm nào, họ đều tính đến thuận lợi cho cả 2 bên. Năm ngoái Việt Nam cũng là một trong những địa điểm được báo chí nhắc tới, nhưng cuối cùng được chọn lại là Singapore.
Lần này, nếu Triều Tiên chọn mình, tức là ngoài những yếu tố an ninh, có quan hệ tốt với cả hai nước và đã có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quốc tế lớn như APEC và WEF thì điều này còn cho thấy họ tin cậy mình hơn những nước khác. Việt Nam không phải là nước mà Triều Tiên phải lo sợ sẽ bị gây sức ép cả về mặt an ninh, kinh tế. Ta chỉ có giúp đỡ bạn mà thôi.