Theo nhiều chuyên gia về thương mại, Trung Quốc sẽ chấp nhận các nhượng bộ đưa ra trong thỏa thuận thương mại với Mỹ nhằm ổn định mối quan hệ gập ghềnh này, song khó có khả năng đáp ứng các đòi hỏi của Mỹ ngay cả khi họ đối mặt với nguy cơ bị Mỹ tiếp tục tăng thuế.
Kế hoạch thập kỷ
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cảnh báo sẽ không ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu nó không đủ hợp lý, bất chấp việc các cố vấn cho rằng tiến trình đàm phán đã có những thành quả “tuyệt vời”. Sự lạc quan tại Bắc Kinh lại đi theo một chiều hướng khác.
Việc Mỹ quyết định tạm hoãn thực thi việc tăng thuế vào thời hạn chót ban đầu ngày 1/3 càng củng cố quan điểm cho rằng trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống 2020 đang tới gần, và nền kinh tế Mỹ có những dấu hiệu trì trệ nhất định, người đứng đầu Nhà Trắng thực tế đã không còn quá hứng thú với các biện pháp cứng rắn. Những nhượng bộ mà Trung Quốc đưa ra trong thỏa thuận nhiều khả năng sẽ không phải theo đúng những yêu cầu mà Mỹ muốn nhằm thay đổi sâu sắc cách thức vận hành của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các chuyên gia Trung Quốc nhìn chung đều khẳng định việc điều chỉnh và thay đổi kế hoạch quốc gia đã kéo dài hàng thập kỷ không phải là thứ có thể diễn ra chỉ trong một đêm. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt với những thực tế chính trị trong nước, nơi sự nhượng bộ trước các yêu cầu của Tổng thống Trump có thể không đủ sức thuyết phục bằng việc cố tìm cách lèo lái và chống đỡ những tác động trong ngắn hạn do căng thẳng kinh tế gây nên.
Một quan chức Trung Quốc nói rằng cải cách tại quốc gia này là một quá trình dài hơi. Ông chia sẻ: “Nếu Mỹ áp đặt các hạn chế quy mô và toàn diện hay gây áp lực cho chúng tôi vì lợi ích của chính họ, Trung Quốc chắc chắn sẽ không chấp nhận”.
Thượng lượng chặt chẽ
Tu Xinquan, một chuyên gia về thương mại làm việc tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế ở Bắc Kinh, nói rằng sẽ rất khó để ông Tập Cận Bình chấp nhận các yêu cầu của Mỹ về việc đòi hỏi Trung Quốc điều chỉnh vai trò của các doanh nghiệp quốc doanh và những chính sách công nghiệp cốt lõi khác. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chuẩn bị cho việc đưa ra “những cam kết có ảnh hưởng về chính trị và khả thi” với Tổng thống Trump, chẳng hạn như mua thêm hàng hóa Mỹ và củng cố các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ (IPR). Theo ông Tu, những khía cạnh cốt lõi của mô hình Trung Quốc sẽ được tạm gác lại trong tương lai.
Các nguồn tin cho biết, hai bên đang tiến sát tới khả năng đạt thỏa thuận có thể rút lại một số khoản thuế và thúc đẩy các đồng thuận về các vấn đề cơ cấu trong mô hình kinh tế Trung Quốc, tuy nhiên, chi tiết cơ chế thực thi để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ các cam kết chính sách này vẫn chưa được ngã ngũ.
Trong khi đó, dù chưa có kế hoạch cụ thể song phần đông giới kinh doanh cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Florida của Tổng thống Trump để thảo luận và xúc tiến thỏa thuận cuối cùng vào khoảng cuối tháng 3 này, sau khi kết thúc chuyến công du châu Âu.
Thiện chí trong đàm phán là hướng đi đúng đắn để giải quyết chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. (Nguồn: AP) |
Việc Trung Quốc đưa ra những cam kết nhỏ hơn có thể xuất phát từ việc muốn ổn định mối quan hệ Mỹ – Trung và ngăn các tranh cãi thương mại lan rộng, điều càng trở nên rõ ràng hơn khi Washington gia tăng áp lực đòi hỏi các đồng minh phải hủy bỏ hợp tác với những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei.
Ông Tu nói: “Chúng tôi lo ngại rằng cuộc xung đột này sẽ lan ra các lĩnh vực khác, thậm chí là ảnh hưởng tới cả mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây. Vì vậy chúng tôi muốn kiềm chế nó. Có thể sẽ không thể giải quyết được mọi vấn đề song ít nhất là cũng kiểm soát và hạ nhiệt các mâu thuẫn”.
Trung Quốc hy vọng các cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ, và cùng với đó là những hứa hẹn về việc minh bạch hóa hơn các hoạt động trợ cấp nội địa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay cơ chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ có thể giúp thúc đẩy một thỏa thuận lâm thời. Zhang Huanbo, nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CCIEE), một viện nghiên cứu chính sách tại Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận việc từ bỏ các cơ chế trợ cấp, song có thể sẽ điều chỉnh một số cơ chế cho “phù hợp với quy định của WTO”.
Trong khi đó, giới phân tích chính trị cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn và cũng không thể nhanh chóng thay đổi những kế hoạch quốc gia đã được xây dựng từ trước. Tuy nhiên, ông vẫn có thể linh hoạt và mở rộng cánh cửa hơn một chút, cho phép Mỹ tăng cường tiếp cận ngành dịch vụ và thị trường nông sản.
Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng bên cạnh các biện pháp mở cửa, Trung Quốc rất kiên định với “vị thế và quyền lực của mình”. Ông nói: “Những nhượng bộ quá lớn đối với Mỹ có thể tạo ra bất ổn về kinh tế trong nước”.