Ngày 31/1/2019, UBND TP. Đà Nẵng đã ký ban hành Quyết định số 06 về sửa đổi, bổ sung quy định một số điều của Quy định giá các loại đất năm 2019. Quyết định có hiệu lực từ ngày 11/2/2019.
Theo đó, giá đất ở cao nhất ở mức 98,8 triệu đồng/m2 được áp dụng cho nhiều tuyến đường có mặt cắt lớn ở khu vực trung tâm thành phố thuộc quận Hải Châu và một số tuyến đường ven biển thuộc quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Cụ thể là các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Võ Nguyên Giáp…
Giá đất ở thấp nhất thuộc khu vực xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang có mức 250.000 đồng/m2 áp dụng cho các tuyến đường từ 2-3,5m.
Một trong những đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định này là hàng ngàn hộ dân còn nợ tiền đất sau khi chấp hành chủ trương giải tỏa đền bù và nhận đất tái định cư.
Nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện ngay sau khi Quyết định 06 được ban hành. Đa số người dân cảm thấy hoang mang khi lâm vào tình cảnh nợ cũ chưa trả xong lại chồng thêm số nợ cao gấp nhiều lần so với nợ gốc.
Liên quan đến cơ sở và trình tự thực hiện điều chỉnh bảng giá đất, Sở TN&MT căn cứ vào quy định chung về việc điều chỉnh bảng giá đất. Theo đó, Điều 14 Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định trường hợp điều chỉnh bảng giá đất khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất mà mức giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên.
Sở TN&MT cho rằng, đối với Đà Nẵng, giá đất trước đây được thực hiện theo Quyết định số 46/2016 (áp dụng kể từ ngày 1/1/2017). Trong thời gian thực hiện Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND, đặc biệt vào thời điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018 thì giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản tại Đà Nẵng có nhiều biến động lớn, có một số khu vực biến động rất lớn.
Theo chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần đầu tư và định giá AIC-Việt Nam, tại thời điểm nghiên cứu điều chỉnh bảng giá đất thì giá đất tại đô thị tỷ lệ tăng bình quân là 4,13 lần (cao nhất 9 lần, thấp nhất 1,86 lần); về giá đất ở nông thôn tỷ lệ tăng bình quân là 2,66 lần (cao nhất 6,83 lần, thấp nhất 1,2 lần). Đồng thời trong năm 2017 trên địa bàn thành phố đã tiến hành đặt mới tên đường một số tuyến đường, cần phải cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất.
“Do vậy, căn cứ theo quy định nêu trên và thực tế biến động về giá đất tại Đà Nẵng, việc điều chỉnh bảng giá đất là đúng quy định”, Sở TN&MT Đà Nẵng khẳng định.
Liên quan đến ý kiến người dân nợ đất tái định cư phản ảnh giá đất mới quá cao, không đủ tiền để nộp, sở này cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất, đối với hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất thì phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm. Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ (giá đất hiện hành).
Tuy nhiên, UBND TP nhận thấy việc nợ tiền sử dụng đất tái định cư đã quá hạn 5 năm mà phải nộp theo giá đất hiện hành tuy đúng quy định nhưng đã gây khó khăn cho người dân. Thành phố đã báo cáo Bộ Tài chính và các ngành liên quan để giải quyết vướng mắc việc thu nợ tiền sử dụng đất của người dân. Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính tiến hành đánh giá, rà soát toàn diện tình hình ghi nợ tiền sử dụng đất hiện nay tại các địa phương (trong đó có Đà Nẵng).
Theo Công văn số 7315/UBND-KT1 ngày 31/8/2016 của UBND thành phố, đối với những trường hợp nợ tiền sử dụng đất mà trong hợp đồng được ghi nợ 10 năm quy ra giá vàng 98% đến thời điểm người dân liên hệ nộp hồ sơ trả nợ đã quá hạn 5 năm thì được lựa chọn 1 trong 2 phương án sau:
Một là thực hiện trả nợ theo hợp đồng; trả bằng số vàng nợ theo hợp đồng x đơn giá vàng tại thời điểm trả nợ nhưng đảm bảo số tiền trả nợ không thấp hơn số tiền nợ gốc.
Hai là trả nợ theo giá quy định hiện hành.
Theo thống kê, đến ngày 31/1/2019, tổng số hộ nợ tiền sử dụng đất đã quá hạn 5 năm khoảng 5.300 hộ.