Ủy ban châu Âu (EC) bỏ ngoài tai lời kêu gọi cấm hãng Trung Quốc Huawei Technologies từ Mỹ, song muốn các nước Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ nhiều dữ liệu hơn để giải quyết rủi ro an ninh liên quan đến mạng 5G.
Theo Reuters, người đứng đầu mảng kỹ thuật số châu Âu Andrus Ansip sẽ trình bày khuyến nghị của EC vào ngày 26.3 tới. Dù văn bản không có hiệu lực pháp lý, nó vẫn sẽ mang sức nặng chính trị, có khả năng dẫn đến luật định tại các nước EU.
Mỹ đã và đang nỗ lực vận động hành lang để EU cấm cửa Huawei. Washington cho rằng thiết bị của Huawei có thể được Bắc Kinh dùng để gián điệp, do thám nước ngoài. Huawei liên tiếp bác bỏ cáo buộc và đầu tháng này, hãng kiện chính phủ Mỹ vi hiến.
Ông Ansip dự kiến sẽ nói với các nước châu Âu sử dụng công cụ được nêu trong chỉ thị EU về an ninh mạng và hệ thống thông tin, hay NIS, được thông qua hồi năm 2016. Châu Âu cũng sẽ dùng Đạo luật An ninh mạng được thông qua gần đây. Các nước thành viên EU có thể trao đổi thông tin, phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác động về rủi ro bảo mật và chứng nhận thiết bị kết nối internet cùng thiết bị 5G.
EC không kêu gọi châu Âu cấm Huawei. Các nước thành viên có quyền quyết định dựa trên tình hình an ninh quốc gia. EC ra khuyến nghị để nhấn mạnh cách tiếp cận chung của EU với rủi ro an ninh liên quan đến mạng di động thế hệ mới.
Dù vậy, hướng dẫn mới của EU đánh dấu quan điểm cứng rắn hơn với đầu tư từ Trung Quốc sau nhiều năm gần như mở cửa. Trung Quốc hiện là nơi kiểm soát 70% nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng trên thế giới, vốn cần thiết để sản xuất hàng công nghệ cao.
Biện pháp mới với đầu tư từ Trung Quốc, nếu được áp dụng, sẽ là một phần trong những gì mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho là “sự thức tỉnh của châu Âu” trước sức thống trị của Trung Quốc, sau khi giới lãnh đạo EU có cuộc thảo luận đầu tiên về chính sách Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh gần đây. EU có kế hoạch bàn về trợ cấp từ Trung Quốc, sự tham gia của Đại lục vào nền kinh tế nước này và cách tiếp cận sâu hơn với thị trường Trung Quốc trong Hội nghị EU – Trung Quốc được lên lịch diễn ra vào ngày 9.4.
Tháng này, Đức đặt ra nhiều tiêu chí khó khăn hơn với tất cả các hãng cung ứng thiết bị viễn thông, dù không nhắc tên Huawei và phớt lờ áp lực từ Mỹ. Các nhà khai thác viễn thông lớn phản đối lệnh cấm Huawei, cho rằng động thái này có thể làm chậm tiến độ triển khai 5G đến vài năm. Ngược lại tình hình ở châu Âu, Úc và New Zealand đã cấm hẳn thiết bị Huawei trong mạng di động 5G.