VietTimes — Ngày 25.3.2019, Công tố viên đặc biệt của Mỹ Robert Mueller hoàn tất cuộc điều tra kéo dài gần 2 năm đã khép lại hồ sơ nghi án “Donald Trump thông đồng với Nga” trong chiến dịch tranh cử năm 2016 với kết luận cuối cùng là không có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ tổng thống Mỹ đương nhiệm có quan hệ bí mật với Chính phủ Nga.
Thắng lợi lớn của Donald Trump
Kết luận trên đây trong báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã miễn trừ hoàn toàn và đầy đủ trách nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nghi án “Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ trong năm 2016”. Trong suốt hơn 2 năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các thành viên trong nhóm vận động tranh cử của ông từ năm 2016 đã nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến bất kỳ sự thông đồng nào giữa họ với Nga. Còn Matxcơva cũng đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này, thậm chí gọi đó là điều “lố bịch” mang động cơ chính trị” và “màn hài kịch đáng xấu hổ”.
Vì thế, ngay sau khi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller công bố kết luận điều tra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết những dòng phản ánh tâm trạng chiến thắng trên mạng xã hội Twitter:“Không thông đồng. Không cản trở. Hoàn toàn vô tội. Hãy giữ cho nước Mỹ vĩ đại”. Rõ ràng, kết quả điều tra nghi án “thông đồng với Nga” là thắng lợi lớn và quan trọng trong cuộc đấu tranh chính trị nội bộ do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động nhằm “tát cạn vũng lầy ở Washington” [1,2].
Về triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ-Nga
Trước hết, cần nhận thấy nghi án “Donald Trump thông đồng với Nga” được các thế lực ngầm ở Mỹ dựng lên trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa ông với ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang diễn ra quyết liệt, thậm chí là “một mất một còn”, trong đó ứng cử viên Donald Trump đưa ra những “lời có cánh” ca ngợi Tổng thống Nga V.Putin và tuyên bố về chủ trương cải thiện quan hệ với Nga nhằm đem lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Helsinhki ngày 16.7.2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin thống nhất quan điểm cho rằng bản chất sự khủng hoảng quan hệ Mỹ-Nga hiện nay không xuất phát từ những nguyên nhân khách quan mà là nguyên nhân chủ quan. Về nguyên nhân chủ quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng quan hệ Mỹ-Nga tồi tệ như hiện nay là “do những hành động ngu ngốc và vô lối của các chính quyền Mỹ trước đây” [3].
Ông Donald Trump đã từng nhiều lần coi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller về “sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ” là “chiến dịch săn lùng phủ thủy”, trong đó Cục tình báo trung ương Mỹ, Cục điều tra liên bang và Cục an ninh quốc gia công bố cái gọi là “kết quả điều tra” nhằm cáo buộc Tổng thống Nga V.Putin trực tiếp chỉ đạo chiến dịch làm mất uy tín của ứng cử viên Hillary Clinton và tạo lợi thế cho ứng cử viên Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cuối năm 2016.
Trên Twitter của mình, Donald Trump cho rằng sự cáo buộc “Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 ở Mỹ” là “một trò lừa đảo lớn”. Ông lập luận:“Nếu Tổng thống Obama đã khẳng định chắc chắn rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 thì tại sao ông ta không có hành động gì để ngăn cản (khi đó ông còn tại vị)? Tại sao ông Obama không thông báo điều đó với nhân viên của chúng tôi? Vì đó chỉ là một trò gian dối lớn. Trong khi đó, ông Obama vẫn tin rằng ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng”[3]. Còn Tổng thống Nga V.Putin đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc vô cớ đó.
Vì thế, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định gặp Tổng thống Nga V.Putin ở Helsinhki vào ngày 16.7.2018 là lời “tuyên chiến” của ông với “vũng lầy Washington”[2,3]. Sau khi quyết định tới Helsinki gặp Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố:“Nếu như người Nga chấp nhận trao cho tôi quyền sở hữu Matxcơva thì người ta sẽ vẫn chưa hài lòng và sẽ nguyền rủa tôi rằng vì sao tôi không đòi luôn cả thành phổ Sat-Peterburg”!
Trong chủ trương của Tổng thống Mỹ Donald Trump cải thiện và hợp tác với Nga ẩn dấu triết lý sâu xa rằng dù nước Nga không mạnh về kinh tế như Trung Quốc nhưng họ là quốc gia duy nhất trên thế giới có đủ khả năng hoàn toàn hủy diệt nước Mỹ trong trường hợp bùng phát cuộc chiến tranh tổng lực. Do đó, ông Donald Trump đang thay đổi chiến lược toàn cầu của Mỹ. Về lý thuyết, có hai kịch bản thay đổi chiến lược này. Theo kịch bản 1, Donald Trump sẽ “tát cạn vũng lầy Washington” và thực hiện chính sách đối ngoại độc lập của ông. Theo kịch bản 2, “vũng lầy Washington” sẽ nhấn chìm Donald Trump. Hiện nay đang diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệu giữa hai kịch bản này, trong đó các thế lực trong “vũng lầy Washington” đang tìm mọi cách khống chế, cô lập và làm bất tín nhiệm đối với Donald Trump. Nếu kịch bản 2 trở thành hiện thực thì Donald Trump sẽ là tổng thống vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử Hoa Kỳ[2].
Sau cuộc gặp Tổng thống Nga V.Putin ở Helsinhki, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Mỹ D.Trump hy vọng sẽ chào đón Tổng thống Nga V.Putin tại Washington để bắt đầu thực hiện các vấn đề mà hai bên đã thảo luận tại cuộc gặp này. Trên Twitter, ông Donald Trump viết:”Hội nghị thượng đỉnh với Nga ở Helsinhki là một thành công lớn, ngoại trừ việc truyền thông Mỹ chuyên đưa tin giả-kẻ thù thực sự của người dân. Tôi mong đợi cuộc gặp thứ 2 (với Tổng thống Nga V.Putin) để bắt đầu thảo luận về nhiều vấn đề như chống khủng bố, an ninh cho Israel, vũ khí hạt nhân, Ucraina, Triều Tiên…”.
Tuy nhiên, chủ trương của Tổng thống Mỹ Donald Trump cải thiện quan hệ với Nga sau khi khi án “thông đồng với Nga” đã khép lại đang gặp phải nhiều trở ngại từ phía Đảng Dân chủ và Quốc hội Mỹ. Từ phía Đảng Dân chủ, họ vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hiện nay đã thuộc quyền kiểm soát của Đảng Dân chủ cùng với nhà lãnh đạo nhóm nghị sỹ của Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer vừa đưa ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định rằng Công tố viên đặc biệt Robert Mueller chưa hoàn toàn xóa bỏ cáo buộc đối với ông Donald Trump trong “nghi án thông đồng với Nga”.
Về phía Nga, ngày 25.3.2019 Chủ tịch Ủy ban quan hệ quốc tế của Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev, cho biết dù chưa rõ Tổng thống Mỹ Donald Trump có muốn cải thiện quan hệ với Nga hay không nhưng phía Nga đã sẵn sàng sau khi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller công bố kết luận chủ nhân Nhà Trắng vô can trong nghi án thông đồng với Matxcơva. Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov cũng cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2016 sẽ cải thiện quan hệ với Nga nhưng đã gặp phải những trở ngại to lớn từ thể chế chính trị của Mỹ.
Để cải thiện quan hệ với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đưa ra nhiều quyết định rất quan trọng. Trước hết, ông phải công nhận Crimea thuộc lãnh thổ Nga và hủy bỏ các biện pháp cấm vận Nga do Matxcơva sáp nhập Crimea và ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, mặc dù những quyết định này thuộc quyền hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng đã bị Quốc hội Mỹ hoàn toàn vô hiệu hóa theo Đạo luật HR.3364 với tên gọi “Chống lại sự xâm lược của Nga, Iran và Triều Tiên” được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua và được Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn vào ngày 2/8/2017 [5]. Bằng chữ ký phê chuẩn Đạo luật H.R.3364, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn cách nào khác là phải tự trói mình bởi theo đạo luật này, theo đó mọi quyết định của tổng thống Hoa Kỳ nhằm cải thiện quan hệ với Nga đều phải báo cáo trước Quốc hội Mỹ để được phê chuẩn hay là không.
Đạo luật H.R.3364 xác định:“Ảnh hưởng ngày càng lớn của nước Nga ở nhiều khu vực trên thế giới là mối đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ”. Nghĩa là, Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với tham vọng của Mỹ tiếp tục duy trì vai trò bá chủ thế giới trong trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh. Do đó, Quốc hội Hoa Kỳ cấm vận Nga không chỉ vì mục đích kinh tế mà rộng hơn là nhằm đưa quốc gia này lâm vào tỉnh trạng khủng hoảng kinh tế và chính trị nhằm làm tan rã nước Nga. Bởi thế, “kỷ nguyên Donald Trump” trong quan hệ Mỹ-Nga sẽ không phải là Washington sẽ “cải thiện” hay “hợp tác” mà là đối đầu ngày một quyết liệt với Matxcơva. Nghiên cứu Đạo luật H.R.3364, giới phân tích chính trị quốc tế nhận định, văn kiện này là “lời tuyên chiến với nước Nga”, hoặc “là hành động chuẩn bị châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới mới” [6]
Theo nhận định của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, trong tương lai, nếu không xẩy ra một điều kỳ diệu nào đó thì Đạo luật H.R.3364 sẽ có hiệu lực trong một khoảng thời gian chí ít cũng tương đương Đạo luật Jackson-Vanik của Mỹ chống Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, không phụ thuộc vào chuyện ai sẽ là tổng thống Mỹ, hay thành phần Quốc hội Mỹ sẽ thế nào.
Gần đây nhất, Hạ viện Mỹ vừa thông qua Dự luật nhằm ngăn chặn sự giúp đỡ kinh tế, chính trị và quân sự của Nga cho chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro [7]. Vì thế, trong bối cảnh Đảng Cộng hòa không còn Hạ viện của Quốc hội Mỹ, chủ trương chống Nga của “phe phái ngầm” ở Mỹ sẽ vô hiệu hóa mọi quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cải thiện quan hệ với Nga.
Do đó, theo nhận định của Henry Kissinger-nguyên Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Richard Nixon và là Cố vấn không chính thức của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan hệ Mỹ-Nga chỉ có thể được cải thiện một khi bộ máy chính trị của Hoa Kỳ phải chấp nhận một hiện thực khách quan là trong thế giới ngày nay Mỹ không thể thiếu sự hợp tác với Nga để giải quyết những vấn đề toàn cầu phức tạp nhất [8].