“Buộc phải ngừng thi công từ tháng 8 tới” là nội dung mà các nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát của dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận xác nhận tại buổi làm việc này.
Nợ nần chồng chất
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH Thành Nơi (nhà thầu phụ gói thầu XL1- đơn vị dừng thi công, giăng băng rôn đòi nợ chủ thầu), nói trong nước mắt: “Hơn 3 tháng qua, tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ, của Quốc hội và niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp cùng nhà thầu và các nhà đầu tư nỗ lực không ngừng, dù khó khăn nhưng tất cả các gói thầu đều thi công rầm rộ. Doanh nghiệp huy động tiền của từ gia đình, bạn bè, họ hàng cho đến vay mượn để làm, mong muốn hoàn thành phần nhiệm vụ của mình. Thế nhưng, nay doanh nghiệp đã kiệt sức, nợ nần chồng chất và đang lâm vào cảnh chết dở sống dở, vỡ nợ tới nơi! Việc giăng băng rôn đòi nợ và dừng mọi công việc trên công trường là việc chẳng đặng đừng…”.
Đại diện nhà đầu tư Tuấn Lộc nói: “Tuấn Lộc đã đầu tư vào đây hơn 500 tỷ đồng. Từ 3 tháng qua, doanh nghiệp đã cùng các nhà thầu nỗ lực thi công không ngừng nghỉ. Nhưng giờ đây, sau bao nhiêu nỗ lực, mỗi ngày chi cả tỷ đồng nhưng nguồn vốn nhà nước cấp cho dự án, nguồn vốn tín dụng ngân hàng hứa cho vay vẫn biệt tăm. Hiện doanh nghiệp đã kiệt sức, đời sống công nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Ông Ngô Bá Hùng, đại diện nhà đầu tư và nhà thầu B.M.T. (doanh nghiệp góp 10% trong dự án) cũng cho biết, đang thật sự khó khăn. Ông Ngô Bá Hùng nói: “Việc các nhà đầu tư, nhà thầu bỏ tiền vào đây và sa lầy là điều không ai mong muốn. Không chỉ một nhà thầu phụ đình công, giăng băng rôn đòi nợ mà nếu ngày mai, ngày kia các nhà thầu khác cũng đồng loạt làm như vậy thì không biết phải làm sao vì điều này thật sự ngoài khả năng của chúng tôi…”.
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, bày tỏ: “Chúng tôi không muốn điều này xảy ra, vì nếu xảy ra là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm với dự án, với nhà thầu, các nhà đầu tư, đặc biệt với người dân, trong tình thế chẳng đặng đừng, phải buộc xác định thời điểm dừng kỹ thuật để tránh rơi vào tình huống lỗi hẹn”.
Nguyên nhân do đâu?
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BOT Trung Lương – Mỹ Thuận Mai Mạnh Hồng cho biết, dự án đã được liên danh các ngân hàng (đứng đầu là VietinBank) thỏa thuận cho vay tín dụng từ tháng 6-2018, tuy nhiên đến nay, với những điều kiện giải ngân khắc nghiệt và vô lý đã khiến không có đồng vốn nào được giải ngân dù các nhà đầu tư đã tự ứng ra gần 2.500 tỷ đồng và nhà thầu khoảng 500 tỷ đồng để thi công. Do xử lý hậu quả của các nhà đầu tư cũ để lại, sau khi tiếp quản dự án, doanh nghiệp dự án đã trình hồ sơ điều chỉnh tổng thể dự án, nên có những hạng mục thay đổi, như phương án xử lý, gia cố nền đất yếu thay đổi, tăng tốc thời gian thi công theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ làm thay đổi tổng mức đầu tư…
Hồ sơ điều chỉnh dự án đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Viện Kinh tế – Bộ Xây dựng và cả Bộ GTVT thẩm định, thông qua nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang hiện vẫn chưa phê duyệt điều chỉnh dự án, chưa ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án. Do đó, nếu phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ hoàn thành thì tiếp đến nguồn vốn tín dụng cũng sẽ bị tắc bởi các việc cung cấp hồ sơ điều chỉnh dự án để ngân hàng thẩm định cũng chưa được đáp ứng. Cùng với đó, nguồn vốn 2.186 tỷ đồng Nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư dự án chưa biết bao giờ mới được giải ngân dù Chính phủ đã có chủ trương thông qua.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng bày tỏ: “Chúng tôi hiểu khó khăn lớn nhất của dự án và các nhà đầu tư, nhà thầu là về vốn. Bản thân tôi có 9 năm làm lĩnh vực đầu tư (ông Dũng nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Tiền Giang – PV) nên chúng tôi không lạ gì quy trình…”. Ông chia sẻ với các nhà đầu tư, nhà thầu và nói rằng: “Chúng ta không mong muốn phải dừng kỹ thuật; chúng ta đến đây là để cùng bàn giải pháp tháo gỡ…”.
Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, ông Lưu Xuân Thủy, cho rằng, việc các nhà đầu tư, nhà thầu đã chi ra trên dưới 3.000 tỷ đồng và đến nay đã vượt quá khả năng chịu đựng, vì vậy cần phải dừng kỹ thuật để tránh tổn thất, đó là trách nhiệm của những nhà đầu tư, nhà thầu. Để xác định điểm dừng kỹ thuật sắp tới, các bên sẽ quay phim, chụp hình hiện trường dự án, lập biên bản xác định điểm dừng kỹ thuật. Đồng thời các nhà thầu phải cam kết khi có điều kiện thuận lợi sẽ thi công trở lại. Ban điều hành dự án tiếp tục phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang để thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn đến khi xác định rõ ràng thì triển khai tiếp.
Ông Thủy đề nghị, UBND tỉnh Tiền Giang sớm phê duyệt điều chỉnh dự án, làm cơ sở để ngân hàng thẩm định cho vay; khẩn trương làm việc với các cơ quan trung ương để xác định thời điểm giải ngân vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi công lần đầu tháng 11-2009. Sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến ngày 7-2-2015 dự án được tái khởi động bởi liên danh các nhà đầu tư gồm Tuấn Lộc – Yên Khánh – B.M.T – Thắng Lợi – Hoàng An – Công ty CP Đầu tư cầu đường CII.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào quý 2-2020.Sau khi tái khởi động, dự án lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và được đánh giá là không có cơ sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ. Vướng mắc lớn nhất tại dự án này là phương án tài chính bị phá vỡ, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng.
Tại cuộc làm việc, PGS-TS Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng các công trình xây dựng – Bộ Xây dựng) cho biết: Bài toán quan trọng với hạ tầng giao thông ĐBSCL là thiết kế, gia cố, xử lý nền đất yếu. Đây chính là yếu tố phải điều chỉnh dự án mà BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đang trình… Tỉnh Tiền Giang khẩn trương tham vấn những cơ quan liên quan để nhanh chóng thông qua điều chỉnh dự án, cơ sở quan trọng để thúc đẩy việc giải ngân cho dự án.
Về “điểm dừng kỹ thuật”, PGS-TS Trần Chủng cho rằng, trong trường hợp bất khả kháng phải dừng dự án là dừng ở thời điểm nào đó mà các hạng mục đã thi công ít bị ảnh hưởng, ít tác động đến kết cấu công trình. Từ đó, ít ảnh hưởng, ít tổn thất nhất khi thi công trở lại. |
Nguồn: cafeland.vn