Mới đây, UBND TPHCM vừa đồng ý cấp vốn hơn 830 tỉ đồng để xây dựng dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ. Đây tiếp tục là một trong nhiều dự án giao thông quy mô lớn dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2019, giúp hoàn thiện mạng lưới kết nối khu trung tâm TPHCM với toàn khu Nam.
Theo thiết kế dự án, sẽ xây đảo tròn trung tâm (đường kính 60m) và 2 hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh. 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh sẽ đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 480m (bao gồm đường dẫn 2 đầu hầm và hầm kín).
So với nhiều khu vực khác tại quận 7, thì dọc trục đại lộ Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng và Đào Trí – đang được xem là những “con đường tỉ đô”, bởi thời gian qua nhiều nhà đầu tư BĐS trong và ngoài nước đều chọn nơi đây làm vùng phát triển bậc nhất của cả khu Nam TPHCM. Tại đây, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang phát triển các đại siêu thị – trung tâm thương mại, cũng như hàng loạt khu dân cư hiện đại với quy mô rộng lớn hàng chục hecta đất.
Dự báo từ nay đến hết năm 2019 nguồn cung nhà ở tại đây khá dồi dào, trong đó cán cân đang nghiêng về khu vực xung quanh cầu Phú Mỹ do đón đầu siêu dự án 6 tỷ đô của một đại gia BĐS đang rục rịch triển khai, cũng như nhiều tuyến đường chuẩn bị được đầu tư nâng cấp – mở rộng.
Thật vậy, theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam Sài Gòn đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2030 như: dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án đường trục Bắc – Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng vừa được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018…
Không dừng ở đó, khu Nam Sài Gòn còn có các dự án quy hoạch trục đường Phú Thuận, nối từ khu vực Mũi Đèn Đỏ thẳng vào khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đường Phú Thuận sẽ là trục đường huyết mạch quan trọng, tạo động lực phát triển khu vực này trong năm 2017. Với tốc độ phát triển hàng loạt dự án chung cư cao tầng, TPHCM cũng đã có chủ trương mở rộng đường Đào Trí (đoạn từ chân cầu Phú Mỹ đến đường Phú Thuận) lên 40m nhằm tạo độ lưu thông thuận lợi của khu vực mới nổi này.
Bên cạnh những dự án trọng điểm, khu Nam cũng có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Đường Huỳnh Tấn Phát được mở rộng lên 30m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh. Cầu Bình Tiên được xây dựng để mở đường cho việc hình thành tuyến đường Vành đai trong kết nối toàn bộ khu vực Nam Sài Gòn với các khu vực Tây và Tây Nam thành phố.
Đặc biệt, dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh sẽ được cây dựng theo hình thức BOT kết hợp BT. Được biết, Sở Quy hoạch – Kiến trúc vừa chọn được phương án kiến trúc và đã trình UBND TPHCM phê duyệt. Dự kiến, dự án cầu Cần Giờ sẽ được khởi công vào giữa năm 2020, hoàn thành trong năm 2022.
Song song đó, tuyến Metro số 4 với tổng vốn đầu tư 97.000 tỷ đồng (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước.
