Nếu như trước đây mỗi khi nhắc đến khu đô thị người ta chỉ nghĩ đến Phú Mỹ Hưng khu đô thị có diện tích 750ha tại quận 7, thì nay đã khác. Thị trường địa ốc thời gian gần đây ghi nhận nhiều dự án có quy mô lớn, và danh sách ấy ngày càng nối dài với nhiều cái tên mới.
Nối dài danh sách
Điển hình như khu đô thị Sala ở quận 2. Dự án có diện tích 160ha, tọa lạc trên đại lộ Mai Chí Thọ, chỉ cách trung tâm quận 1 bằng đường hầm Thủ Thiêm. Hay ngay tại quận 1 là dự án Vinhomes Central Park do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 43ha, gồm khu căn hộ và biệt thự cao cấp, khu văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ, khu trung tâm thương mại cùng các khu tiện ích khác.
Xa hơn một chút, Vingroup cũng đang đầu tư dự án Vincity Grand Park tại quận 9. Dự án có quy mô 365ha, gồm bốn cụm nhà cao tầng và khu vực nhà ở thấp tầng. Quy mô dự án lớn cộng với tên tuổi vốn có của chủ đầu tư đã khiến dự án này trở thành tâm điểm trên thị trường địa ốc TP.HCM thời gian qua.
Cũng ở khu vực phía đông TP.HCM, Tập đoàn Đại Phúc đang phát triển dự án Vạn Phúc Riverside nằm trên quốc lộ 13, quận Thủ Đức. Dự án có tổng diện tích lên đến 198ha, trong đó chủ đầu tư dành 60% diện tích cho việc phát triển cảnh quan nước và cây xanh, giúp mang lại không gian sống trong lành.
Đi xa hơn một chút về phía Long An, Tập đoàn Nam Long cũng đang đầu tư dự án khu đô thị WaterPoineL ong An với diện tích 355ha. Dự án bao gồm các khu nhà ở thấp tầng (nhà phố, biệt thự) và cao tầng (căn hộ chung cư) và các công trình tiện ích như khu phức hợp văn phòng, khu mua sắm, dịch vụ, giải trí, bệnh viện, giáo dục và khu phức hợp thể thao.
Tham gia phát triển các dự án theo kiểu đô thị khép kín không chỉ có các doanh trong nước mà còn có cả nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình như Gamuda Land đến từ Malaysia cũng phát triển khu đô thị Celadon City tại quận Tân Phú TP.HCM với quy mô lên đến 82ha.
Không dễ phát triển khu đô thị
Theo giới chuyên gia, lợi thế của mô hình khu đô thị hỗn hợp là cung cấp đầy đủ các tiện ích thương mại, dịch vụ và văn phòng làm việc, tạo ra một cộng đồng bền vững. Trong đó, tự thân nó có thể được vận hành như một thành phố thu nhỏ, có đầy đủ mọi tiện ích cần cho cuộc sống thường ngày nhưng vẫn tách bạch được với khói bụi, kẹt xe và tiếng ồn ở bên ngoài đường phố.
Trao đổi với CafeLand, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), cho rằng khái niệm bất động sản tích hợp ở thị trường nhà ở đề cập đến các dự án quy mô tương đương một khu phố hoặc khu đô thị, nơi tích hợp nhiều chức năng hỗn hợp trong một dự án như nhà ở, bán lẻ, giáo dục, giải trí, và nhiều tiện ích khác.
Trong bốn năm qua, số lượng các dự án bất động sản tích hợp đã tăng lên đáng kể trong thị trường nhà ở Việt Nam. Theo ông Wyatt, những hạn chế về ngân sách và nhân lực trong quy hoạch phát triển đô thị của Chính phủ đã tạo cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản nhảy vào sân chơi lớn – sân chơi của những bất động sản tích hợp.
Tuy nhiên, chất lượng của các dự án này không đồng đều, do sự chênh lệch về kinh nghiệm và nguồn vốn giữa các nhà phát triển. Dựa trên nghiên cứu của JLL, diện tích lý tưởng cho một dự án bất động sản tích hợp nên lớn hơn 5 ha để đảm bảo không gian cho các tiện ích.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho rằng một dự án đáp ứng đủ cho cuộc sống cho người dân thì quy mô dự án phải đủ lớn, ít nhất phải tầm 10 ha trở lên. Như vậy mới tạo được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, vừa đủ để phát triển các tiện ích phục vụ cuộc sống thì mới giải được bài toán phát triển bền vững về lâu dài.
Tuy nhiên, để có thể làm được điều này đòi hỏi đầu tư rất nhiều và lâu dài vào cơ sở hạ tầng, bởi các tiện ích công cộng trong giai đoạn đầu khiến cho quá trình phát triển kéo dài. Chính vì vậy, phát triển một dự án đại đô thị không chỉ dừng lại ở câu chuyện quy mô mà tầm nhìn và năng lực của chủ đầu tư phải đủ lớn mạnh.
“Làm dự án càng lớn (quy mô từ 50ha trở lên) thì câu chuyện triển khai dự án vất vả hơn nhiều. Không chỉ tạo lập quỹ đất, thời gian đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài hơn, thủ tục phê duyệt dự án lâu hơn mà nguồn lực doanh nghiệp đổ vào dự án cũng phải lớn hơn”, bà Hương chia sẻ.
Chính vì vậy, với các dự án mang tầm vóc khu đô thị không phải chủ đầu tư nào cũng có đủ nguồn lực để thực hiện và có đủ khả năng để trải qua những biến động thăng trầm của thị trường để đi đến cùng với dự án.
Bà Hương lấy dự án khu đô thị Vạn Phúc City làm ví dụ. Để có thể đưa được sản phẩm ra thị trường, Đại Phúc Land đã phải trải qua quá trình chuẩn bị kéo dài suốt 15 năm, chấp nhận đầu tư nguồn lực lớn hơn, thời gian đầu tư lâu và phải chịu những rủi ro từ mặt biến động của thị trường. Nhưng bù lại, doanh nghiệp có được dự án đúng nghĩa.
Vị tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, với những dự án có quy mô lớn thì cần phải có cơ chế chính sách thông thoáng, có những đặc thù riêng hoặc có thể phân ra từng cấp độ dự án để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có điều kiện thuận lợi hơn khi phát triển dự án.
“Để các chủ đầu tư có đủ sự hỗ trợ và yên tâm phát triển những dự án các khu dân cư, khu đô thị có quy mô đủ lớn, tạo ra chất lượng cuộc sống cao hơn thì rõ ràng câu chuyện ổn định chính sách và thị trường rất quan trọng”, bà Hương nhấn mạnh.
Nguồn: Cafeland.vn
Không có kết quả
Xem tất cả kết quả