Một loạt các công ty khởi nghiệp sáng tạo đang tận dụng các cảm biến và sức mạnh xử lý giá rẻ, trí tuệ nhân tạo và những tiến bộ máy học để cách mạng hóa dự đoán và dự báo thời tiết theo mô hình. Các đơn vị từ tổ chức đua xe đến nông nghiệp đều được lợi, trong khi những “cựu binh” như AccuWeather lại có nhiều điều phải lo lắng nhất.
“KHÓ CHỊU”. Đó là ý kiến chuyên môn của Joel Myers, CEO của AccuWeather, về thời tiết trong Ngày của Mẹ ở thành phố New York, khi mưa không ngừng rơi và nhiệt độ giảm xuống mức 5 – 10 độ C.
Từ góc đường số 50 và đại lộ số 3, ông gửi một văn bản đến trụ sở công ty tại State College, Pennsylvania, gợi ý nhân viên dùng từ này trong bản tin dự báo thời tiết trong ngày tại New York. “Tôi luôn tìm cách giúp thông tin chúng tôi truyền đạt tốt hơn và chính xác hơn,” ông nói.
Dáng người dẻo dai, khỏe mạnh ở tuổi 79 với mái tóc nhuộm nâu, Myers điều hành công ty dự báo thời tiết tư nhân độc lập lâu đời nhất nước Mỹ. Ông thành lập công ty năm 1962 khi đang học thạc sĩ ngành khí tượng học tại Penn State. Khách hàng đầu tiên của ông, một công ty khí đốt địa phương, trả 150 USD để ông dự báo thời tiết ba tháng mùa đông, nhờ đó họ có thể lên kế hoạch đáp ứng nhu cầu sưởi ấm.
Hiện tại, theo ước tính khiêm tốn, doanh thu hằng năm của AccuWeather hơn 100 triệu USD. Khách hàng gồm hàng trăm đài phát thanh và đài truyền hình trên cả nước, cộng với những tờ báo lớn như New York Times, Wall Street Journal và USA Today.
Hơn 1.000 công ty sử dụng dịch vụ dự báo thời tiết riêng của AccuWeather để cải thiện lợi nhuận. Danh sách kéo dài từ những đơn vị hiển nhiên cần loại dữ liệu này – các công ty đường sắt và các công viên giải trí như Six Flags – đến những tổ chức ít liên quan hơn như phòng cảnh vệ khuôn viên ĐH Clemson và Starbucks.
Tổng cộng, doanh nghiệp này có thể trị giá đến 900 triệu USD và Joel sở hữu hơn một nửa số đó, phần còn lại thuộc sở hữu của các giám đốc điều hành và nhân viên công ty, bao gồm cả em trai út của ông, Evan, hiện là COO.
Barry, người anh em khác của Joel, giữ vị trí CEO của AccuWeather đến tháng 1.2019, gần đây đã bán lượng cổ phần nhỏ của mình với giá 16 triệu USD, sau khi tổng thống Trump bổ nhiệm ông đứng đầu cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia (NOAA) vào năm 2017. Cơ quan này có ngân sách năm 2019 là 5,4 tỉ USD.
Trong nhiều thập kỷ, dự báo thời tiết tư nhân là ngành công nghiệp dễ chịu, với ba công ty thống trị tại Mỹ gồm AccuWeather, Weather Company (thành lập năm 1982 với tên gọi Weather Channel, năm 2016 được IBM mua với giá 2,3 tỉ USD) và DTN, công ty tập trung vào các vấn đề công nghiệp và được một công ty cổ phần của Thụy Sĩ mua với giá 900 triệu USD hồi năm ngoái.
Nhưng giờ đây, cơn bão xu hướng vĩ mô – sức mạnh xử lý rẻ hơn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo tiến bộ vượt bậc và sự phổ biến của các cảm biến giá rẻ – đã mở toang lĩnh vực này, biến nó thành mùa vụ mới cho các công ty khởi nghiệp đầy tham vọng. Tổng cộng, họ đã huy động được hàng trăm triệu đô la từ các nhà đầu tư cho rằng những kẻ đương nhiệm có vẻ dễ bị tổn thương trước các mô hình kinh doanh mới đầy sáng tạo.
Họ đang tranh giành “chiếc bánh lớn” không ngừng phát triển. Rất khó đưa ra được những con số mới nhất, nhưng một nghiên cứu năm 2013 của Wharton School ước tính tổng doanh thu của những công ty dự báo thời tiết và khí hậu là 3 tỉ USD, tổng cộng, ngành công nghiệp này trị giá khoảng 6 tỉ USD. Báo cáo năm 2017 của cơ quan Dịch vụ Khí tượng Quốc gia dự đoán rằng quy mô của phân khúc này có thể tăng gấp 5 lần. “Mỗi lần nhìn lại, một thị trường ngách khác lại xuất hiện,” Glen Denny, lãnh đạo bộ phận giải pháp doanh nghiệp tại Baron Services nói.
Công ty 29 năm tuổi ở Huntsville, Alabama, sản xuất các bộ phận radar Doppler trị giá 1 triệu USD, đang tăng cường mảng kinh doanh dự báo thời tiết tùy chỉnh. Khả năng ứng dụng gần như vô hạn. Ví dụ, các cuộc đua Nascar sẽ bị tạm dừng khi trời mưa. Tại giải gần đây ở đường đua Michigan International Speedway, tay đua Austin Dillon của đội Chevy đã bỏ qua một điểm dừng và về nhất khi cơn mưa như trút nước làm gián đoạn cuộc đua.
Bí quyết của anh là gì? Dự báo thời tiết riêng của IBM đã dự báo về khả năng có mưa. “Chúng tôi nhận dự báo liên tục sau khoảng 500m đua”, Pat Suhy, quản lý nhóm Chevrolet Nascar Competition, cho biết. Nhóm này chi hơn 100.000 USD tiền thuê bao dự báo thời tiết mỗi năm.
Hiệu quả tác động tương ứng với quy mô của doanh nghiệp. Tại Xcel Energy, công ty dịch vụ tiện ích Minneapolis với doanh thu 11,5 tỉ USD mỗi năm và sở hữu mảng điện gió quy mô lớn, tiết kiệm cho khách hàng hơn 60 triệu USD chi phí nhiên liệu sau hơn bảy năm dùng dịch vụ dự báo thời tiết riêng của Weather Corp, tập đoàn toàn cầu có trụ sở tại Boulder, Colorado.
Khởi đầu, các công ty dự báo thời tiết tư nhân lấy thông tin miễn phí từ cơ quan Dịch vụ Khí tượng quốc gia. Sau đó, đa số họ sẽ tự thêm những nguồn dữ liệu riêng, thu thập từ các cảm biến giá rẻ lắp đặt khắp nơi, từ các thiết bị thả trôi trên biển đến những tuabin quạt gió như của Xcel. Dữ liệu sau đó sẽ được đưa vào các thuật toán và mô hình thời tiết tùy chỉnh, quá trình này được hỗ trợ nhờ các tiến bộ thần tốc của AI và máy học.
“Như vậy không chỉ dễ dàng hơn trong việc thu thập lượng dữ liệu khổng lồ ngày càng nhanh và chạy những mô hình với lượng dữ liệu đó, mà việc công bố kết quả nhanh chóng cũng vậy,” theo Eric Floehr, 49 tuổi, nhà sáng lập và CEO của ForecastWatch tại Dublin, Ohio. Công ty này được xem là J.D. Power của ngành dự báo thời tiết. “Chỉ có nhiều thử nghiệm hơn mà thôi.”
TRONG SỐ NHIỀU CÔNG TY khởi nghiệp ở lĩnh vực thời tiết, có ba công ty nổi trội hơn cả do số tiền họ huy động được; phương thức sáng tạo họ dùng để thu thập, đánh giá và bán dữ liệu thời tiết; và tham vọng của họ. Công ty táo bạo nhất có lẽ là Saildrone, do Richard Jenkins, 42 tuổi, thành lập năm 2012, ở Alameda, California.
Là kỹ sư cơ khí và thủy thủ, cha mẹ ông người Úc nhưng ông được sinh ra ở Anh, và di chuyển qua lại giữa vùng quê nước Anh gần bến du thuyền ở Southampton, và trang trại ở Úc của người ông. Trước khi học ngành kỹ thuật tại ĐH Imperial College London, ông dành một năm cho biển cả, tính cả giai đoạn làm thuyền viên trên chiếc du thuyền thuộc sở hữu của ông trùm tư bản người Ý Gianni Agnelli.
Hai năm sau khi tốt nghiệp, Jenkins bắt đầu xây dựng cỗ máy kỳ lạ gọi là du thuyền trên cạn, với buồng lái dạng ống bằng sợi carbon và ba bánh xe đua, trên đỉnh là cánh buồm cao hơn 12m. Tháng 3.2009, ông băng qua hồ cạn ở sa mạc Mojave với vận tốc xấp xỉ 203 km/h và lập kỷ lục thế giới về tốc độ dành cho phương tiện chạy bằng sức gió. Thí nghiệm này nuôi dưỡng ý tưởng tạo ra đội quân robot trên biển với thiết kế tương tự chiếc thuyền buồm trên cạn của ông.
Ông lập Saildrone dưới dạng dự án nghiên cứu sản xuất tàu không người lái dài 7m, cao gần 4,6m, mỗi chiếc được trang bị tới 20 cảm biến khí tượng và hải dương học. Ông chia sẻ, ý tưởng ban đầu của ông là thu thập dữ liệu về sự axit hoá, nhiệt độ và độ mặn của đại dương, và sử dụng nó cho “điều tốt đẹp hơn”. Khách hàng đầu tiên của ông là các cơ quan chính phủ như NOAA và NASA.
Năm 2017, Jenkins nhận thấy robot của Saildrone đang thu thập một bộ dữ liệu độc đáo và mạnh mẽ, có thể trở thành yếu tố dự báo thời tiết vượt trội. Thực ra, hầu hết hình thái thời tiết đều hình thành trên các đại dương, nơi có rất ít trạm thời tiết theo dõi. Tuy chỉ mới triển khai 25 robot, ông cho biết Saildrone đang bán dự báo thời tiết cho các đội thể thao, công ty bảo hiểm và các quỹ đầu cơ.
Hơn nửa tá nhà đầu tư, bao gồm tổ chức do cựu CEO của Google, Eric Schmidt, điều hành, đang tài trợ cho công ty 90 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm. Pitchbook định giá Saildrone ở mức 260 triệu USD. Số lượng nhân viên là 100 và đang tăng lên. Hồi tháng 1, công ty ra mắt ứng dụng thời tiết miễn phí và có kế hoạch tính phí cho phiên bản cao cấp bắt đầu từ tháng 6.
Sức mạnh tính toán giá rẻ cho phép Saildrone nhanh chóng thử nghiệm các mô hình thời tiết mạnh mẽ. Nhưng kho dữ liệu cảm biến khổng lồ của công ty mới là lý do khiến nó trở thành một thách thức mới đối với AccuWeather và các công ty cùng ngành. “Chúng tôi có nguồn dữ liệu độc nhất mà họ không có,” Jenkins nói.
Các công ty khởi nghiệp khác lấy dữ liệu thời tiết và cung cấp thêm nhiều dịch vụ ngoài dự báo thời tiết. Công ty hai năm tuổi Jupiter Intelligence, có trụ sở tại San Mateo, California với các văn phòng ở New York và Boulder, Colorado, kết hợp dữ liệu thời tiết với thông tin về môi trường và địa hình khu vực để tạo ra “bản đánh giá rủi ro thời tiết”.
Họ cung cấp hai dịch vụ: dự báo trong thời gian ngắn từ một giờ đến năm ngày và dự báo tầm xa có thể lên tới 50 năm. Jupiter hi vọng các thành phố lớn đang lên kế hoạch ứng phó bão, lũ lụt và hỏa hoạn, như Houston và Los Angeles, rồi sẽ trở thành khách hàng của họ. Nhưng trong ngắn hạn, những loại hình kinh doanh bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt dường như là khách hàng chắc chắn.
Bất kỳ công ty nào có nhà kho ở khu vực trũng đều muốn biết bao nhiêu diện tích sẽ mất đi khi mực nước biển dâng lên và khi nào điều này diễn ra. Công ty bảo hiểm cho những công ty đó cũng muốn biết điều tương tự. QBE, công ty bảo hiểm lớn của Úc, là khách hàng của Jupiter, cũng như Nephila, công ty đầu tư tập trung vào bảo hiểm. Cả hai cũng là những nhà đầu tư góp vốn 33 triệu USD cho Jupiter.
“IBM và AccuWeather dự báo thời tiết,” nhà sáng lập và CEO 57 tuổi của Jupiter, Rich Sorkin, phát biểu. “Chúng tôi dự báo tác động của thời tiết.” Jupiter tính phí 200.000 đến 500.000 USD để chạy thử nghiệm cho khách hàng mới. Phí thuê bao hằng năm từ 1 triệu USD trở lên. Ông cho biết, lợi nhuận theo ngày lên đến hàng triệu, nhưng ông hy vọng tăng gấp mười lần trong năm 2019.
Tốt nghiệp đại học Yale và nhận bằng MBA từ Stanford, bắt đầu sự nghiệp ở vị trí cố vấn quản lý, Sorkin từng điều hành công ty mạo hiểm đột phá đầu tiên của Elon Musk, Zip2, phát triển hướng dẫn thành phố trực tuyến, trước khi bán cho Compaq với giá 300 triệu USD năm 1999.
Năm 2008, ông thực hiện lần thử đầu tiên với công ty khởi nghiệp kinh doanh dự báo thời tiết cho doanh nghiệp. Ý tưởng của ông là lấy những mô hình khí tượng công khai, tận dụng sức mạnh tính toán để xử lý và bán dự báo thời tiết trong 30 ngày tới cho các doanh nghiệp kinh doanh năng lượng.
Nhưng các dự báo đó không tốt hơn so với đối thủ. Ông chỉ huy động được 1 triệu USD cho công ty của mình, Zeus Analytics, và phá sản năm 2011. Jupiter có vẻ hứa hẹn hơn. Nhóm 50 người bao gồm những tài năng đến từ trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia thuộc chính phủ liên bang và NOAA.
Giống Zeus, Jupiter sử dụng dữ liệu thời tiết do chính phủ cung cấp, nhưng Sorkin cho biết trí thông minh nhân tạo và thông tin chi tiết theo địa hình đang đưa ra những dự báo rủi ro khiến khách hàng sẵn sàng chi tiền. Nếu không có điện toán đám mây, ông nói, Jupiter sẽ không tồn tại.
Kẻ thách thức khác với những tham vọng khổng lồ là ClimaCell, công ty đồng sáng lập năm 2015 của Shimon Elkabetz, 32 tuổi, cựu phi công không quân Israel, trong thời gian anh học MBA tại Harvard. Khi còn trong quân đội, dự báo thời tiết sai lệch khiến anh gần như mất kiểm soát máy bay vì đâm vào một đám mây dày do không có bất kỳ cảnh báo nào.
Lúc đó, anh nghĩ: “Phải có ai đó nghĩ ra một công cụ dự báo mới.” Cùng với hai đồng sáng lập, anh phát triển mô hình “từng phút một”, anh tuyên bố dự báo thời tiết theo vị trí địa lý của mình chính xác hơn 60% so với các đối thủ.
Lợi thế của ClimaCell, theo Elkabetz là: ngoài dữ liệu thời tiết của chính phủ mà tất cả các công ty dự báo thời tiết tư nhân đều sử dụng, họ còn thu thập dữ liệu thời tiết từ những nguồn mới như tín hiệu điện thoại và camera đường phố. “Chúng tôi gọi đó là thời tiết vạn vật,” anh nói. “Chúng tôi biến mọi thứ thành cảm biến thời tiết.”
Công ty huy động được 77 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm, hiện có giá trị 217 triệu USD. Năm vừa rồi, Elkabetz mở văn phòng tại Tel Aviv và Boulder, Colorado, nhằm bổ trợ cho trụ sở chính tại Boston. Anh đang khóa mục tiêu vào nhiều ngành công nghiệp mà AccuWeather đang nắm giữ.
“Chúng tôi sẽ lớn mạnh hơn AccuWeather,” anh nói. “Chúng tôi muốn trở thành công ty công nghệ thời tiết lớn nhất thế giới.” ClimaCell hiện cung cấp dự báo thời tiết cho hoạt động trên mặt đất của các hãng hàng không bao gồm JetBlue, cũng là một nhà đầu tư, và dự báo thời tiết ngày thi đấu cho đội bóng bầu dục New England Patriots. Via, công ty dịch vụ chia sẻ hành trình, sử dụng dự báo thời tiết của ClimaCell tại năm thành phố bao gồm London và Amsterdam.
Vào một ngày chủ nhật giữa tháng năm, Via nhận cảnh báo từ ClimaCell về trận mưa lớn ở New York sẽ kéo dài từ sáng đến trưa, với lượng mưa khác nhau giữa các khu vực trong thành phố. Biết nhu cầu sẽ tăng đột biến, Via đảm bảo họ có đủ xe ở những điểm mưa nhiều nhất. “Chúng tôi thu được lợi ích kinh tế đáng kể khi sử dụng nền tảng của ClimaCell,” Ari Luks, giám đốc phụ trách thị trường toàn cầu của Via, cho biết.
ClimaCell có thể thắng thế trước những kẻ đương nhiệm không? Marshall Shepherd, giám đốc chương trình khoa học khí quyển của đại học Georgia và cựu chủ tịch hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ, cho biết ông vẫn chưa nhận được số liệu thống kê chứng minh rõ ràng tuyên bố của công ty, nhưng việc thêm nhiều dữ liệu đầu vào mới có thể giúp đưa ra các dự báo chính xác hơn. “Tôi rất lạc quan về những gì họ đang làm,” ông nói.
Vẫn có những nghi vấn. “ClimaCell đưa ra rất nhiều tuyên bố, nhưng tôi chưa bao giờ thấy bằng chứng về bất cứ điều gì,” Clifford Mass, giáo sư khoa học khí quyển nhiều năm kinh nghiệm của đại học Washington nói.
“Camera đường phố sẽ không thể cải thiện dự báo thời tiết.” Elkabetz phản bác, rằng khách hàng tiềm năng được cung cấp bằng chứng về độ chính xác mà họ tuyên bố. Eric Floehr của ForecastWatch gần như là chuyên gia với cái nhìn bao quát về ngành dự báo thời tiết tư nhân, cho rằng cán cân đang nghiêng về Saildrone, ClimaCell và Jupiter Intelligence.
Về khẳng định của ClimaCell rằng dự báo của họ chính xác hơn 60% so với các đối thủ thì sao? “Tuyên bố đặc biệt đòi hỏi bằng chứng phi thường,” ông chia sẻ.
SỰ CHỈ TRÍCH DÀNH cho AccuWeather tăng lên kể từ khi Trump đề cử Barry Myers đứng đầu NOAA. Các báo cáo rộng rãi khẳng định công ty liên quan đến nỗ lực trong nhiều năm nhằm ngăn cản chính phủ cung cấp dự báo thời tiết miễn phí. Joel Myers giận dữ phủ nhận cáo buộc, “Một đống nhảm nhí,” ông nhả khói thuốc. “Không ai cố gắng hạn chế vai trò của cơ quan Dịch vụ Khí tượng quốc gia cả.”
Ông cũng thẳng thừng phủ nhận hành vi quấy rối diễn ra tại AccuWeather, dù trên thực tế, năm 2018, công ty đã chi 290.000 USD phí hòa giải khi cuộc điều tra của bộ Lao động phát hiện “quấy rối tình dục trên diện rộng tại AccuWeather.” “Chúng tôi phủ nhận tất cả,” ông nói. “Không có bằng chứng quấy rối,” Barry, người đứng đầu tại thời điểm đó nói.
Không dễ gạt bỏ thực tế là các đối thủ “háu ăn” đang dòm ngó bữa trưa của AccuWeather, dù Joel vẫn đang cố xoay xở để che giấu. “Tôi sẽ không ngồi đây và nói về các đối thủ cạnh tranh,” ông nói trước khi thừa nhận trong cuộc phỏng vấn sau đó rằng, “mọi thứ đang tăng tốc. Bất kỳ lãnh đạo doanh nghiệp nào tuyên bố mình nhận thấy được thế giới sẽ ra sao sau 20 năm nữa đều chuẩn bị cho việc đó”.
AccuWeather sẽ ở đâu vào năm 2039, khi Joel 99 tuổi, ai cũng muốn suy đoán về điều đó. Công ty không thảo luận chi tiết về kế hoạch chuyển giao, và không ai trong số bảy người con của Joel tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình.
Nhà Myers lạc quan về tương lai một cách đáng ngạc nhiên. “Tám mươi là 60 lần nữa,” Barry nói. “Joel là người năng động. Anh ấy làm việc 24/7 và anh ấy yêu những gì mình làm.” “Tôi đã thấy rất nhiều công ty mới xuất hiện,” Joel nói. “Một vài công ty sẽ tìm được chỗ đứng phù hợp, và một số sẽ thất bại.”
(*) Bản in trên tạp chí Forbes Việt Nam số 75, tháng 8.2019