Vụ việc của địa ốc Alibaba lừa đảo khách hàng hàng nghìn tỷ đồng thông qua những dự án “ma” vẫn còn chưa “hạ nhiệt”, thế nhưng vẫn còn nhiều dự án “ma” vẫn công khai rao bán trên cả nước. Một trong những nguyên nhân chính được cho do có sự buông lỏng từ chính quyền địa phương.
9 tháng đầu năm nay, hiện tượng rao bán dự án “ma” ngày càng lan rộng, tăng cả về số lượng lẫn mức độ công khai. Ở các tỉnh thành như TP.HCM, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận… dự án “ma” vẫn ngang nhiên rao bán công khai. Thậm chí khi lực lượng chức năng đến xử lý còn bị các đối tượng chống đối bằng vũ lực.
Theo Luật sư Phạm Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật HSLAW Hà Nội, các dự án “ma” được phân ra thành hai loại cơ bản. Một là dự án đó có tồn tại được cấp phép nhưng không đủ điều kiện bán và chủ đầu tư không đủ tiêu chuẩn cho việc thi công xây dựng, tạm gọi là “chết” vì không đủ điêu kiện thực hiện nhưng chủ đầu tư vẫn đem bán, phần bán được coi là dự án“ma”. Dự án “ma” thứ hai là không có bất cứ cơ quan nhà nước nào phê duyệt, hoàn toàn do bản thân người có hành vi lừa đảo thực hiện tất các quá trình, chúng không có thật và đấy là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến thời điểm hiện tại, không có chuyện tự ý chủ đất được quyền phân lô bán nền, bao giờ cũng phải được cấp phép.
Thế nhưng, trong thời gian qua, các dự án “ma” vẫn cứ “mọc lên như nấm” ở nhiều địa phương trên cả nước với nhiều hình thức lừa đảo tinh vi. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là bởi sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, dự án “ma” thu hút các nhà đầu tư thứ cấp chủ yếu là phân lô bán nền, xuất phát điểm là do không minh bạch về quy hoạch, công tác phổ biến quy hoạch không rõ ràng, tuyên truyền tổ chức giám sát thực hiện không mạnh. Trên thực tế, từ từ trưởng thôn đến các cấp chính quyền địa phương đều có thể nắm bắt được thông tin các dự án nằm trên địa bàn. Nhưng hầu hết đều chưa quyết liệt xử lý và có những động thái để đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và các nhà đầu tư đối với những dự án “ma”. Do đó, nếu người dân, chính quyền địa phương, mọi cá nhân trong xã hội có sự nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý đất đai thì chắc chắn những hoạt động rao bán dự án “ma” sẽ không thể thực hiện được.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Hưng Thịnh Phát, hiện nay các dự án để có thể triển khai thường mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp, do đó đã phát sinh những dự án mang tính tự phát tại nhiều địa phương, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh những sai phạm từ phía doanh nghiệp thì còn có trách nhiệm từ các cấp chính quyền địa phương đã bỏ ngỏ hoạt động giám sát kiểm tra đôn đốc, đồng thời không đưa ra những giải pháp ngăn chặn kịp thời, cho nên mới dẫn đến hệ quả khó kiểm soát được như hiện nay.
Trước những sai phạm của các chủ đầu tư, chủ đất các dự án “ma”, nhiều chuyên gia luật đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý hình sự những người liên quan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để có sự răn đe. Cùng với đó, phải sớm ban hành những điều luật, quy định phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, đối với nhà đầu tư đầu tư bất động sản, cần phải thận trọng trước lời quảng cáo để tìm hiểu thông tin chính xác, đầy đủ về dự án.
Theo Luật sư Phạm Thanh Sơn, khi thực hiện mua bán dự án, khách hàng cần tìm hiểu thông tin dự án, trong đó có bốn văn bản quan trọng cần hết sức lưu ý: một là quyết định phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hai là phê duyệt thiết kế cơ sở, phê duyệt tổng mặt bằng, và xác định đơn giá đất phải nộp đi kèm là hóa đơn chứng từ chứng nhận đã nộp tiền sử dụng đất; ba là về hợp đồng, đối với dự án phát triển nhà ở, theo quy định 100% chủ đầu tư phải đăng ký hợp đồng mẫu với Sở Công Thương; bốn là, nếu thông qua sàn giao dịch thì phải xem hợp đồng giữa chủ đầu tư với sàn, bắt buộc phải có chứng nhận của chủ đầu tư với đơn vị phân phối dự án đó.
Dù “cơn địa chấn” Alibaba vẫn còn nóng hổi và luôn được đưa ra như một ví dụ điển hình của sự lừa đảo trên thị trường bất động sản nhưng ngay tại thời điểm này, vẫn có hàng loạt vụ tương tự. Do đó, nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng có dấu hiệu lừa đảo trong rao bán đất nền, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương cần phải tăng cường công tác quản lý, thực thi nghiêm pháp luật về kinh doanh bất đông sản tại các địa phương theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản.
Theo Minh Khuyên/ Báo Công luận