Trong phiên thảo luận cuối cùng của Hội nghị Bất động sản 2019 của Forbes Việt Nam với chủ đề “Lựa chọn khôn ngoan”, các diễn giả đã cùng nhau phân tích các rủi ro trong kinh doanh đồng thời bàn về những hình thức đầu tư có sẵn trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại.
Mở đầu phiên thảo luận, hầu hết các diễn giả đều đồng tình về tình trạng thị trường hiện tại: dù đang trải qua chu kỳ tăng trưởng nhưng đây đã là điểm cuối trong chặng đường đi lên của thị trường. Ông Phạm Thanh Hưng, phó chủ tịch Cengroup Holdings dẫn chứng bằng việc đất nền các tỉnh lân cận thành phố lớn, chẳng hạn như Bình Dương, Bình Phước và Long An đang thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.
“Đây là xu hướng mở rộng của phát triển bất động sản, đồng thời là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang ở cuối chu kỳ phát triển của thị trường,” ông nói.
Một rủi ro khác đáng bàn tới là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. “Cao trào của thương chiến chắc chắn sẽ gây hại cho tất cả, vậy nên một quốc gia nhỏ với vị trí địa lý liền kề Trung Quốc như Việt Nam rất cần phải thận trọng, ” ông Võ Sỹ Nhân, CEO của Empire City khuyến nghị.
Ông Nhân cũng chia sẻ thêm, trong quá trình làm việc với các nhà sản xuất nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Mỹ thuộc những ngành nghề yêu cầu sử dụng nhiều lao động, ông nhận thấy nhu cầu của họ rất lớn. Tuy nhiên rút kinh nghiệm từ tình trạng giá thuê bất động sản tăng tại thị trường Trung Quốc, những tay chơi này sẽ có nhu cầu mua đứt bất động sản cho nhà máy, nhà xưởng cũng như những căn hộ cao cấp cho nhân viên cấp cao đến Việt Nam làm việc.
Chia sẻ về định hướng đầu tư, ông Wyeren Yap Vooi Soon, tổng giám đốc Gamuda Land, đơn vị sở hữu dự án Celadon City cho biết hiện tại doanh nghiệp của ông vẫn đang tìm kiếm quỹ đất tại trung tâm và vùng phụ cận các thành phố lớn để xây dựng các dự án tiếp theo. Đây là cũng là chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt: phát triển những khu đô thị phức hợp có diện tích lớn tại những thành phố hạt nhân, đặc biệt ưu tiên những nơi có hạ tầng ổn định, sân bay và khí hậu ôn hòa.
Đáp trả lại nhận định chi phí vốn của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam thường thấp, ông Wyeren cho rằng quan điểm này vẫn chưa hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, các nhà phát triển bất động sản nước ngoài còn phải cân nhắc tới những yếu tố có thể ảnh hưởng tới chi phí vốn, chẳng hạn như biến động tỷ giá và các rủi ro địa chính trị khác. Bên cạnh đó, chi phí pháp lý cũng là một vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài bận tâm.
“Họ đang khổ sở vì quá trình thẩm định dự án kéo dài, tốn rất nhiều chi phí,” ông Võ Sỹ Nhân chỉ ra.
Đại diện đến từ Malaysia cũng đồng tình với quan điểm này: “Chúng tôi mong chính phủ có thể giải quyết nút thắt này, nhất là khi chu kỳ phát triển gần kết thúc và cần cú hích để thị trường tiếp tục tiến lên,” ông Wyeren bày tỏ.
Khi được hỏi ý kiến về những kênh đầu tư thu hút trên thị trường hiện tại, ông Nguyễn Bá Sáng, chủ tịch và tổng giám đốc tập đoàn An Gia cho biết đất đang là điểm sáng trên thị trường Việt Nam. Tuy vậy ông vẫn tin rằng mỗi nhà đầu tư sẽ là người ra quyết định khôn ngoan nhất cho chính mình. “Quan trọng là đề cao kiểm soát rủi ro trong khả năng, vì không thể nói điều trước gì trong kinh doanh bất động sản,” ông Sáng nhận định.
Bàn về sự hiện diện của trái phiếu chuyển đổi thành quyền mua căn hộ, ông Phạm Thanh Hưng cho rằng đây là sản phẩm xuất hiện để giải quyết vấn đề của các chủ đầu tư bất động sản hiện tại. Pháp luật Việt Nam yêu cầu các dự án phải sử dụng tối thiểu 20% vốn tự có của các chủ đầu tư, vì vậy trong giai đoạn đầu, khi vẫn chưa thể huy động vốn và phải giải quyết nhiều khoản chi, trái phiếu chuyển đổi thành quyền mua căn hộ là một lựa chọn cho các nhà phát triển. Khi được hỏi về rủi ro của sản phẩm tài chính này, ông Hưng cho rằng: “Mục tiêu ở đây là phát hành trái phiếu để đầu tư, vậy nên uy tín của đơn vị phát hành rất quan trọng.”
Nguồn: Forbes Việt Nam
https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/can-cu-hich-moi-khi-thi-truong-bat-dong-san-o-cuoi-chu-ky-tang-truong-8133.html