Sáu quý liên tiếp kể từ trước thời điểm Vingroup chính thức công bố sản xuất ô tô và điện thoại thông minh và mới đây là hàng không, nợ phải trả của tập đoàn gắn với tên tuổi tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng liên tục, đặc biệt nợ ngắn hạn.
Báo cáo tài chính quý III cho thấy chín tháng đầu năm dư nợ của Vingroup tiếp tục tăng, trong đó nợ vay ngắn hạn tăng mạnh và chiếm hơn 65% tổng nợ. Cụ thể, tổng nợ của Vingroup đến cuối tháng 9 là 231.751 tỉ đồng, tăng 42.791 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm, tương đương tăng 22,6%. Trong cơ cấu nợ, nợ ngắn hạn lến 151.188 tỉ đồng, chiếm 65,2% và 34,8% còn lại là nợ dài hạn.
Số liệu cho thấy dư nợ vay ngắn và dài hạn của Vingroup cuối quý III đạt 96.840 tỉ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn là 33.803 tỉ đồng, tăng 76,8% so với đầu năm. Nợ từ trái phiếu cả ngắn và dài hạn chiếm hơn 45% tổng nợ vay với 43.769 tỉ đồng, một phần khá lớn nợ đến từ các khoản vay hợp vốn.
Chi phí lãi vay theo đó cũng tăng mạnh. Trong quý III, chi phí lãi vay hơn 2.215 tỉ đồng, tăng 88% so cùng kỳ. Lũy kế chín tháng, Vingroup đã trả lãi 5.052 tỉ đồng, tăng 63% so với đầu năm, khoản nợ vay phải trả xấp xỉ 18,7 tỉ đồng mỗi ngày.
So với vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30.9.2019 là 125.408 tỉ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ đang ở mức an toàn 0,77 lần và chiếm khoảng 1/3 tổng tài sản của tập đoàn, theo thuyết minh báo cáo tài chính của Vingroup.
Mặc dù khai thác tối đa nguồn vốn đòn bẩy để tài trợ cho các lĩnh vực mới, hoạt động kinh doanh Vingroup vẫn duy trì đà tăng, nhờ đóng góp chính của mảng bất động sản và bán lẻ với thông qua Vinhomes và Vincom Retail.
Cụ thể, Vingroup đạt doanh thu thuần quý III đạt 31.570 tỉ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ, nhưng nhuận sau thuế giảm 53,7% so với cùng kỳ, đạt 711 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng, Vingroup báo doanh thu thuần 92.614 tỉ đồng, tăng 10% so cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế vẫn duy trì tăng hơn 41% với 4.112 tỉ đồng.
Thương hiệu Vinfast được Vingroup ra mắt lần đầu vào tháng 10.2018 với việc trình làng 2 mẫu ô tô đầu tiên tại Paris Motor Show. Tiếp đó không lâu, Vingroup ra mắt sản phẩm đầu tiên và đưa vào khởi công dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart.
Việc đẩy mạnh đầu tư cho các mảng kinh doanh mới đặt tập đoàn này trước rủi ro trong sử dụng đòn bẩy cũng như gây áp lực lợi nhuận trong ngắn hạn. Điều này đã được các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế như S&P Ratings và Fitch Ratinsg nhận định trong các báo cáo gần đầy.
Tuy nhiên trong một thông cáo gửi báo chí cách đây không lâu, đại diện tập đoàn này khẳng định để đầu tư cho ô-tô thương hiệu Việt, việc hy sinh lợi ích trước mắt là điều không thể tránh khỏi.
Tổng mức vốn mà Vingroup bỏ vào Vinfast dự kiến 4 tỉ USD. Bên cạnh đó, tập đoàn tư nhân này cũng đang hướng tới hệ sinh thái trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh và thành lập hãng hàng không Vinpearl Airlines, những lĩnh vực đòi hỏi năng lực vốn mạnh.
Nguồn: Tạp chí Forbes Việt Nam
https://forbesvietnam.com.vn/doanh-nghiep/no-vay-chiem-13-tong-tai-san-cua-vingroup-sau-khi-dau-tu-vao-vinfast-va-vsmart-8139.html