Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cùng mặt bằng pháp lý như nhau, nhưng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại Tp.HCM lại bị vướng, còn tại các địa phương khác lại không bị vướng.
Ngoài ra, các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất nhà nước quản lý tương tự nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại không được phê duyệt, nên chưa đảm bảo tính công bằng.
Đó cũng là lý do, nguồn cung sản phẩm nhà ở tại Tp.HCM bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Năm 2019 cũng là năm thứ hai, thị trường BĐS và các doanh nghiệp BĐS phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” và môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Cung ít đẩy vô tình đẩy giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15 – 20%. Cá biệt, có dự án nhà ở tại Q.9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39% so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó có cơ hội sở hữu nhà ở.
Ảnh: Hạ Vy
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018. Trong đó, BĐS du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, cũng giảm 20% so với năm 2018.
Theo HoREA hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Trong đó, hàng trăm dự án đang ách tắc thủ tục.
Tại TP.HCM, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án BĐS có nguồn gốc quỹ đất thuộc nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra. Tháng 3/2019, lãnh đạo TP và cơ quan có thẩm quyền đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.
Mới đây, Chủ tịch HoREA cũng nhấn mạnh, tác động từ virus corona lên nền kinh được đánh giá là làm tăng thêm khó khăn cho thị trường BĐS vốn đã gần như “đứng yên”, mà trước hết là BĐS nghỉ dưỡng.
Trong diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, HoREA đã đề nghị xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch.
Cụ thể, Hiệp hội đề nghị UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế… để giúp một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, bền vững.
Hạ Vy
Link bài gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/thi-truong-bat-dong-san-tphcm-ngam-kho-khan-doi-dien-noi-lo-moi-4202011213394625.htm