Với nhiều giải pháp hỗ trợ mới, bất động sản có nhiều hy vọng được “giải cứu”…
Thông thường ngay sau Tết Nguyên đán, các chủ đầu tư lại rục rịch giới thiệu dự án ra thị trường. Nhưng năm 2020 chứng khiến sự khác biệt hiếm gặp khi gần hết quý I, toàn thị trường TP.HCM chỉ có một dự án quy mô 2.000 căn ở Bình Chánh ra mắt. Dịch bệnh COVID-19 đã trở thành cơn ác mộng thật sự cho doanh nghiệp địa ốc.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), báo cáo tài chính của nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy tổng giá trị hàng tồn kho năm 2019 lên đến 223.474 tỉ đồng, tăng 38% so với năm 2018. Trong đó, có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỉ đồng, 4 tập đoàn tồn kho từ 4.200 tỉ đồng đến 7.397 tỉ đồng. Kết thúc năm tài chính 2019, đa số các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có mức tăng trưởng doanh thu bình quân 7%; lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 47% của năm 2018. HoREA nhận định nếu không có phương án hỗ trợ kịp thời, hàng loạt các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Đi kèm với đó là nguy cơ tụt hậu của TP.HCM khi các nhà chủ đầu tư đang nỗ lực tìm về các địa phương thuận lợi hơn về thủ tục hành chính.
Vì vậy, chính quyền TP.HCM đang tìm cách sớm “giải cứu” bất động sản. Tại cuộc họp với đông đảo chủ đầu tư bất động sản mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ cùng với các sở ban ngành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về pháp lý. “Đối với 19 doanh nghiệp có dự án đang vướng mắc kéo dài, tôi đề nghị Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan hình thành tổ công tác và gia hạn đến ngày 30.4 phải xong. Hằng tuần tổ công tác phải họp để giải quyết đứt điểm các dự án này”, Chủ tịch Thành phố cam kết.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh, với các dự án mà vừa qua thanh, kiểm tra nhưng đến nay cơ quan chức năng đã cho khởi động lại thì các sở ngành cũng phải hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành thủ tục theo quy định. “Ví dụ như dự án tại số 76 Tôn Thất Thuyết, Quận 4 đã được thông báo của các cơ quan chức năng rồi thì giờ phải cho chạy lại”, ông cho biết.
Danh sách các dự án khác được phép tái khởi động còn có Gem Riverside của Đất Xanh, dự án Spirit of Saigon của Bitexco. Hay với dự án đầu tư xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành Đai 2, Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết sẽ thu hồi các khu đất đã được giao thanh toán cho hợp đồng BT dự án và tìm các khu đất khác phù hợp để thanh toán cho nhà đầu tư. Trong quý I đầu năm, Thành phố cũng chấp thuận thêm 3 dự án được phép bán nhà hình thành trong tương lai, hỗ trợ cơn khát nguồn cung cho người mua nhà.
Bên cạnh phân khúc căn hộ, đất nền và nhà phố cũng có tiềm năng hâm nóng hơn khi TP.HCM công bố ý định sửa lại Quyết định 60/2017 theo hướng nới lỏng các tiêu chuẩn cho phép phân lô chuyển nhượng nền, nhất là tại các dự án có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn. Động thái tích cực hỗ trợ của lãnh đạo TP.HCM trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp phần nào mang tới niềm tin cho các chủ đầu tư.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nếu không giải quyết kịp thời sẽ gây tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường và làm giảm nguồn thu ngân sách cho chính Thành phố.
Dù vậy, sẽ còn nhiều vướng mắc cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa. Theo HoREA, dịch cúm gây chết người đang tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam, làm tăng thêm khó khăn cho thị trường bất động sản. Do đó, HoREA đề nghị xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Đơn cử như cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế để giúp cho một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn hiện nay.
Một tin vui đã đến với cộng đồng doanh nghiệp là mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định triển khai gói hỗ trợ tín dụng trị giá 250.000 tỉ đồng, đồng thời đưa ra gói hỗ trợ về tài khóa khoảng 30.000 tỉ đồng. Tổng quy mô cả hai gói hỗ trợ lần này lên tới 280.000 tỉ đồng. Một khi tiếp cận được với nguồn vốn tương đối dồi dào này, các phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 sẽ có cơ hội bình ổn trở lại.
Đặc biệt, Chính phủ cũng dự tính đẩy nhanh giải ngân vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm, điều sẽ mang tới động lực tăng trưởng trong dài hạn cho thị trường bất động sản cũng như tổng thể nền kinh tế.
“Chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam có thể dễ dàng bù đắp một phần tác động kinh tế của COVID-19 bằng cách tăng cường chi tiêu cơ sở hạ tầng, vốn là điều bắt buộc cho mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn. Loạt chi tiêu này sẽ cung cấp một sự thúc đẩy ngay lập tức cho nền kinh tế”, ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, nhận định.
Theo Sơn Nguyễn/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/bat-dong-san/thuoc-tro-luc-cho-bat-dong-san-3333561/