Đại dịch COVID-19 đang đẩy nhiều công ty trên khắp thế giới vào tình cảnh vỡ nợ.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở châu Âu, CNH Industrial, công ty chuyên sản xuất máy móc cho ngành xây dựng và nông nghiệp, đã cắt giảm dự báo lợi nhuận, do nhu cầu yếu ở thị trường Bắc và Nam Mỹ. Đến cuối năm 2019, CNH đã nợ gần 25 tỉ USD. Trái phiếu của CNH được xếp hạng BBB và thị trường Ý chiếm tới 1/10 doanh số bán của công ty này. Nay Ý đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc và với sự lan nhanh của dịch trên toàn cầu, bức tranh lợi nhuận của CNH là một màu u ám.
Không chỉ CNH, nhiều doanh nghiệp cho biết tương lai phía trước rất mờ mịt khi việc đóng cửa các nhà máy và gián đoạn hoạt động kinh tế trên khắp châu Á, cho đến Mỹ, châu Âu đã làm lao đao hầu hết các ngành từ hàng không cho đến bán lẻ. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) gần đây cho biết ngành hàng không có thể bị lỗ lên tới 113 tỉ USD do COVID-19. “Hầu như không ngành nào miễn nhiễm với COVID-19. Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng các dịch vụ tư vấn từ phía doanh nghiệp. Họ muốn biết làm thế nào ngăn nguy cơ vỡ nợ”, John Park, Giám đốc Điều hành FTI Consulting, nói.
Nhiều năm trời lãi suất thấp đã thúc giục các công ty đi vay nợ để tài trợ cho công cuộc bành trướng, khiến nợ doanh nghiệp tăng cao. Tính đến cuối năm 2019, tổng dư nợ của các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính đã tăng vọt lên mức kỷ lục 13.500 tỉ USD trên toàn thế giới, theo báo cáo gần đây của Serdar Çelik và Mats Isaksson thuộc OECD. Trong một báo cáo khác của Moody’s, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến năm 2019, tổng nợ được phát hành bởi các doanh nghiệp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã lên tới 32.000 tỉ USD.
Một điều khiến các chuyên gia lo ngại là ngành bất động sản Trung Quốc. Tính đến tháng 2, ngành này đã nợ tổng cộng 647 tỉ USD trái phiếu bằng nhân dân tệ và các đồng tiền mạnh, theo số liệu của Dealogic. Evergrande, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đang nợ hơn 100 tỉ USD. Công ty này đã phát hành trái phiếu có lãi suất cuống phiếu lên tới 13%, một mức mà các chuyên gia phân tích đặt dấu hỏi về khả năng trả nợ. Tahoe Group, một công ty bất động sản nhỏ hơn, nợ khoảng 730 triệu USD trái phiếu bằng đồng USD, sẽ đáo hạn trong 12 tháng tới. Hiện Công ty chưa biết làm sao để trả món nợ này.
“Với sự gián đoạn hoạt động kinh tế như hiện nay và chưa có dấu hiệu khả quan, chắc chắn các trường hợp chậm trả nợ sẽ tăng cao hơn và vỡ nợ sẽ xảy ra”, James Dilley, đối tác tư vấn các thương vụ tại PwC, nhận định về thị trường bất động sản Trung Quốc.
Fitch Ratings mới đây cũng khuyến cáo chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc “thấp hơn đáng kể” trong năm nay. Tổ chức này cũng chỉ ra những rủi ro ở các ngân hàng tại Việt Nam. Tại Úc, đại dịch đã buộc một số công ty phải lo huy động vốn để có thể thanh toán nợ. Hãng lữ hành Webjet và công ty quảng cáo oOh!media gần đây cho biết sẽ phải gọi vốn khẩn cấp.
Năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã kiểm tra tình hình tài chính ở 8 quốc gia trong đó có Mỹ, Nhật, Trung Quốc và nhiều nước châu Âu. Tổ chức này đã khuyến cáo một cú sốc có mức độ nghiêm trọng chỉ bằng một nửa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 sẽ đẩy gần 40% tổng nợ doanh nghiệp vào tình cảnh rủi ro, nghĩa là các công ty sẽ không thể trang trải việc trả nợ chỉ bằng lợi nhuận kiếm được.
Khi lợi nhuận của doanh nghiệp bị sụt giảm do đại dịch, hạng mức tín nhiệm nợ có thể bị hạ bậc. Tháng 2 vừa qua, nợ của Kraft Heinz đã bị hạ xuống mức rủi ro. Macy’s và các hãng ô tô như Ford và Renault cũng đều bị hạ bậc nợ.
Theo OECD, kể từ năm 2010, khoảng 1/5 lượng phát hành trái phiếu mới của các doanh nghiệp được xếp hạng ở dưới mức đầu tư. Năm ngoái, tỉ lệ này đã tăng lên 1/4. “Tỉ lệ vỡ nợ trong một cuộc suy thoái tương lai dường như cao hơn các chu kỳ tín dụng trước đó”, báo cáo cho biết.
Nợ doanh nghiệp đang đẩy cao nỗi hoảng loạn trên các thị trường, khi giới đầu tư vội vàng bán tháo tài sản rủi ro hơn như chứng khoán để nắm giữ các tài sản an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ. Điều đó sẽ khiến tín dụng bị siết chặt hơn, khiến nhiều công ty vỡ nợ. Trong bối cảnh đó, cũng có một số nhà đầu tư bắt đầu sàng lọc nợ doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội. “Khối lượng giao dịch của chúng tôi đã tăng đáng kể trong tháng 3 so với năm ngoái. Cơ hội kinh doanh của chúng tôi là tìm những doanh nghiệp vững về thanh khoản và có khả năng chống chọi qua cơn bão”, Michel Lowy, CEO của SC Lowy, nhận định. Oaktree Capital, công ty đầu tư đang quản lý 125 tỉ USD, cũng đang tìm kiếm các cơ hội liên quan đến các khoản nợ xấu tại châu Á – Thái Bình Dương, theo nguồn tin thân cận với vụ việc.
Hamish Douglass, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Magellan Financial Group, nhận xét đại dịch COVID-19 sẽ là đòn đánh có tính sát thương đối với nhiều công ty nặng nợ. Ông cho rằng các chính phủ có thể sẽ theo chân New Zealand, khi vừa giải cứu hãng hàng không quốc gia của nước này với khoản cho vay 525 triệu USD. Ông khẳng định: “Chỉ chính phủ mới có khả năng cứu các doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản”.
Theo Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/lan-song-do-no-toan-cau-3334020/