Phong tỏa toàn diện kinh tế có thể dẫn đến suy thoái dây chuyền. Quốc gia nào sẽ thiệt hại hơn trong chuỗi cung ứng và hệ thống tài chính toàn cầu?
Dịch COVID-19 phát tán mạnh nhất ở các nền kinh tế lớn nhất. Dịch bệnh lây lan khiến người tiêu dùng lánh xa các cửa hàng, nhà hàng, hạn chế đi du lịch, các liên kết vận chuyển do đó bị gián đoạn. Ông Neil Shearing, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Capital Economics, tin rằng sự lây lan của COVID-19 hay chính xác hơn là nỗ lực ngăn chặn dịch đang gây ra mối đe dọa ngắn hạn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thống kê cho thấy, 10 nền kinh tế lớn nhất cùng nhau tạo ra 66% GDP, 69% sản lượng công nghiệp chế biến – chế tạo, 46% xuất khẩu và 56% xuất khẩu chế biến – chế tạo toàn cầu. Cũng 10 quốc gia này cùng nhau chiếm tới 71% số ca nhiễm và 79% số ca tử vong do COVID-19. Rõ ràng với quy mô và tầm quan trọng như vậy, khi các quốc gia này “nhiễm virus”, cả thế giới sẽ lao đao.
Suy thoái, phong tỏa, ai thiệt hơn?
Dịch COVID-19 bùng nổ đúng vào giai đoạn dễ bị tổn thương của chu kỳ kinh tế toàn cầu: Tăng trưởng toàn cầu năm 2019 chỉ đạt 2,9%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Kết quả hoạt động của hầu hết các nền kinh kế quan trọng cuối năm 2019 vừa thấp vừa bất định: trong quý IV/2019, tăng trưởng của Mỹ chỉ đạt 2,1%, Trung Quốc chỉ 6% (thấp nhất trong 27 năm qua), còn Nhật giảm 6,3%; trong tháng 12.2019, sản lượng công nghiệp của Đức và Pháp đều tăng trưởng âm, lần lượt là -3,5% và -2,6%.
Bây giờ các nhà kinh tế bắt đầu nói đến 2 chữ “suy thoái”. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo COVID-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo OECD, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay nhiều khả năng chỉ đạt 2,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự đoán hồi tháng 11.2019 và là mức thấp nhất kể từ năm 2009. Theo Bloomberg Economics, dịch bệnh có thể khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, với suy thoái ở Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật, GDP Trung Quốc thấp kỷ lục và tổn thất lên đến 2.700 tỉ USD (tương đương GDP Anh).
Rõ ràng, dù virus SARS-CoV-2 có phải là vũ khí sinh học hay không, nó cũng có thể
được xem là một chủng loại “vũ khí hủy diệt kinh tế hàng loạt” mới, có khả năng làm sụp đổ cả một cường quốc kinh tế. Sức công phá của thương chiến chỉ bằng một phần nhỏ so với tốc độ và mức công phá của một con virus vô hình như đã và đang diễn ra.
“Tuần trước chúng tôi đã kết luận rằng cú sốc do COVID-19 tạo ra sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu vì gần như tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều suy giảm trong 3 tháng từ tháng 2 đến tháng 4,” ông Bruce Kasman, phụ trách nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại JPMorgan, lưu ý.
Phong tỏa toàn diện có thể dẫn đến suy thoái dây chuyền thì quốc gia nào thiệt hại hơn? Việc Trung Quốc giữ vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến sự gián đoạn trong nền kinh tế của họ ảnh hưởng tới các quốc gia khác. “Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á trông có vẻ dễ bị tổn thương nhất, cũng như các công ty hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ và điện tử”, ông Neil Shearing, thuộc Capital Economics, cho biết.
Trong trường hợp tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với cú sốc tương đương Trung Quốc trong quý I/2020, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ trượt về mức 0%. Nếu vậy, nền kinh tế Mỹ cũng rơi vào suy thoái giống khu vực đồng euro và Nhật. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sẽ chỉ tăng trưởng vỏn vẹn 3,5% trong năm 2020, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1980. Sản lượng toàn cầu bị tổn thất lên đến 2.700 tỉ USD.
Dòng chảy hàng hóa trên toàn thế giới có tổng trị giá ước tính 20.000 tỉ USD/năm, lớn hơn nhiều so với dòng chảy của cả dịch vụ và vốn, mà mỗi thứ chiếm khoảng 5.000 tỉ USD. Nhưng với cách thức mà thế giới tài chính toàn cầu đang được vận hành, dòng chảy vốn có khả năng sử dụng đòn bẩy gần như vô hạn mà dòng chảy hàng hóa thế giới thì không thể. Và nếu thương mại là chỗ dựa của các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, thì ngược lại, dòng chảy vốn tài chính là thế mạnh nhưng cũng là yếu tố dễ tổn thương nhất của nền kinh tế tiền tệ tư bản hậu công nghiệp Mỹ, Anh…
Thay vì cắt giảm thâm hụt kép hình thành từ những năm 1970 thế kỷ trước, Chính phủ Mỹ đã quyết định gia tăng cả hai khoản thâm hụt này một cách cố ý. Câu hỏi là “Ai là người phải trả giá cho những thâm hụt nợ nần này?”. Thế giới đã gánh nợ thay Mỹ bằng chính dòng chảy vốn băng qua hai đại dương liên tục đổ vào Mỹ, tài trợ cho các khoản thâm hụt này. Được hỗ trợ bởi tình trạng thâm hụt kép của Mỹ (thâm hụt thương mại và ngân sách), các nước có thặng dư lớn như Nhật, Đức, Trung Quốc… chuyển gần 70% lợi nhuận về Mỹ đổ vào Phố Wall và các sản phẩm tài chính khác.
Cho đến nay, bất cứ khi nào xuất hiện một cuộc khủng hoảng thì dòng vốn lại lẩn trốn vào đồng USD. Đây chính là lý do tại sao cuộc khủng hoảng năm 2008 đã tạo ra một dòng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn vào đồng USD, mặc dù cuộc khủng hoảng đó bắt đầu từ Phố Wall. Điều đó có nghĩa, một cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Mỹ cũng có thể kích hoạt thỏi siêu nam châm thu hút dịch chuyển dòng vốn toàn cầu tìm nơi trú ẩn. “Có nhiều yếu tố hỗ trợ đồng USD tại thời điểm này”, ông Win Thin, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Brown Brothers Harriman, nhận định. Trong đó, bao gồm tâm lý lạc quan về thị trường chứng khoán Mỹ và kỳ vọng cho rằng tác động từ virus corona đến Mỹ là tương đối nhỏ.
Mỗi ngày, hơn 5.000 tỉ USD được giao dịch trong các thị trường tài chính tiền tệ và hơn 4.000 tỉ USD trong số các giao dịch đó liên quan đến đồng USD. Với tần suất, lưu lượng lớn như thế, trong tương lai gần chưa một đồng tiền nào có thể thay thế sức mạnh của đồng bạc xanh. Nỗ lực giao dịch dầu hỏa bằng một đồng tiền khác nghĩa là cắt đi dòng chảy đồng USD quốc tế về Mỹ.
Đặc quyền của Mỹ và sự yếm thế của những đồng tiền yếu
Nhưng liệu các nỗ lực đó có chiến thắng được đồng USD? Không. Có thể trong tương lai sẽ có thay đổi, nhưng chưa thể là lúc này. Ngăn chặn dòng chảy vốn toàn cầu đồng nghĩa với việc thúc đẩy khủng hoảng tài chính Mỹ, làm giảm quyền lực Mỹ… nhưng không dễ triển khai do Mỹ còn sở hữu những vũ khí nổi trội khác để bảo vệ “đặc quyền phi lý” mà những cường quốc khác chưa có được: Sức mạnh mềm để thu hút sự ủng hộ quốc tế và sức mạnh quân sự để răn đe khi cần thiết.
Trung Quốc không có một thứ vũ khí kinh tài là “đặc sản” mà Mỹ sở hữu: “Cơ chế luân chuyển thặng dư”. Có 2 cách cơ chế này vận hành. Thứ nhất là sự luân chuyển thặng dư từ tương lai đến hiện tại, như là cách “dịch chuyển kỳ hạn lợi nhuận” được thúc đẩy bằng một nền kinh tế tiêu dùng và nợ tín dụng quy mô lớn. Thứ 2 là luân chuyển vốn từ nơi nào đến nơi khác qua việc thu hút dòng vốn bằng đồng USD quốc tế chảy ngược về Phố Wall như đề cập ở trên. Cách thức vận hành này cho Mỹ một “đặc lợi” kinh tế tiền tệ mà không quốc gia nào có được, cũng như nó có thể “ngoại vi hóa rủi ro” phần lớn các rủi ro chính sách tiền tệ mạo hiểm ra phần còn lại của thế giới.
Dù cục diện kinh tế toàn cầu có thể có thay đổi ít nhiều nhưng trật tự thế giới vẫn chưa thay đổi được. Thế giới vẫn phát triển nhờ sự không đồng đều và bất cân đối, như hằng số của mọi trật tự kinh tế thế giới là quan hệ thứ bậc giữa nước lớn và nước nhỏ, nước mạnh và nước yếu. Ở những quốc gia hậu công nghiệp như Anh, Úc… ngành sản xuất hiện chỉ đóng góp vào GDP từ 6-8%, việc làm chủ yếu từ các ngành dịch vụ cấp cao như ngành tài chính đóng góp vào 20% GDP như ở Anh, Mỹ chỉ hơn 20% một chút và nếu gộp cả ngành dịch vụ chuyên môn cao như tư vấn, luật… thì tương đương 32% GDP.
Ngành sản xuất ở Mỹ đóng góp vào GDP chỉ khoảng 11%.Ngành dịch dịch vụ cấp thấp như bồi bàn ở McDonald’s, thu ngân ở Walmart tạo ra nhiều việc làm, chứ không phải ngành sản xuất trong những năm qua. Đó là lý do các chính sách cứu trợ, kích thích kinh tế ở Mỹ, Anh… chủ yếu là cho thị trường tài chính và tiêu dùng nội địa.
Ngược lại, tại những quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Việt Nam… tỉ trọng ngành sản xuất (bao gồm cả FDI) chiếm đến tới 30% GDP và cao hơn thế. Tăng trưởng dựa vào đầu tư trung bình từ 25-30%, cá biệt có những lúc tăng trưởng nóng, đầu tư chiếm đến 45% ở Trung Quốc trong những năm 2010. Tiết kiệm cao và tiêu dùng nội địa trên GDP thấp. Hiện kim ngạch thương mại của Việt Nam đã đạt gần 200% GDP, nghĩa là nền kinh tế rất mở so với quy mô và ở mặt nào đó, có thể cho rằng Chính phủ đã rất thành công về thương mại so với tỉ trọng đóng góp GDP vào kinh tế thế giới. Nhưng trong thời kỳ suy thoái, một nền kinh tế có độ mở cao và dựa vào thương mại cũng trở thành yếu tố dễ tổn thương đầu tiên.
Vì vậy, các nước nhỏ luôn chịu trận, bất kể nguồn cơn của xung đột đến từ đâu. Tại khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế bị tác động như thế nào đối với từng quốc gia thì trước hết phụ thuộc vào mức độ bệnh dịch lây lan ở quốc gia đó. Đến nay, qua các số liệu được công bố chính thức, hầu hết các nước ở khu vực này đang kiểm soát dịch khá tốt. Tuy nhiên, các nền kinh tế Đông Nam Á lại phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu để duy trì mức tăng trưởng cao. Điều đó khiến cho nền kinh tế Đông Nam Á bị ảnh hưởng mạnh mẽ do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường khác giảm sút.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã đưa ra một loạt các kịch bản. Ở kịch bản trung tính, theo đó các biện pháp phòng dịch và hạn chế đi lại bắt đầu được nới lỏng vào tháng 4 tới, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, trừ Trung Quốc, sẽ mất khoảng 22,3 tỉ USD, tương đương với 0,24% GDP. Còn trong kịch bản xấu nhất, với việc lệnh hạn chế đi lại và sự suy giảm cầu nội địa kéo dài hơn 6 tháng, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực, không tính Trung Quốc, có thể sẽ thất thu 0,46% GDP, tương đương 42,2 tỉ USD.
Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết, việc các lệnh phong tỏa tiếp tục được áp dụng ở nhiều nước trong khu vực sẽ làm lan rộng phạm vi thiệt hại do dịch COVID-19 sang một loạt các lĩnh vực khác của nền kinh tế khu vực. Giống như các khu vực khác, châu Á sẽ đối mặt với suy giảm kinh tế và một số nước thuộc khu vực này rơi vào suy thoái kinh tế. Vẫn còn một số dư địa về chính sách để chính phủ các nước áp dụng nhằm chặn đà suy giảm, nhưng việc phải trải qua những khó khăn lớn là không thể tránh khỏi. Và như những lần kinh tế toàn cầu suy giảm, sẽ có một thời điểm bước ngoặt để tình hình khả quan hơn là khi các nền kinh tế có thể tái kích hoạt sản xuất ở mức cao nhất. Thời gian qua, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi tại châu Á đã vượt trội so với những khu vực khác và điều đó cũng sẽ trở lại.
Những quốc gia phát triển có lợi thế tỉ giá do sở hữu một đồng tiền mạnh có thể cầm cự tốt hơn nhờ thế mạnh giữ/tăng dòng luân chuyển tiền tệ, tài chính quốc tế. Sản xuất ngưng trệ, nhà máy đóng cửa khiến thất nghiệp gia tăng sẽ dẫn đến khủng hoảng đối với những chính phủ sở hữu đồng nội tệ yếu – vốn là thế mạnh xuất khẩu trong những thời điểm bình thường.
Lãi suất âm coi như là “cú đá hiểm” đối với các đối tác thương mại sở hữu đồng tiền yếu hơn trong khi tổng cầu thế giới sụt giảm. Và một khi nền kinh tế của một quốc gia mới nổi có dấu hiệu trục trặc, nguy cơ thoái vốn có thể xảy ra. Một quốc gia không thể xuất khẩu với đồng tiền mạnh hơn, trừ khi sở hữu được những mặt hàng chẳng nơi nào tốt hơn (lợi thế tuyệt đối).
Theo Phạm Việt Anh – Chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/chuyen-de/kich-ban-suy-thoai-day-chuyen-3333955/