PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng việc Tập đoàn Dầu khí đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu để giảm tình trạng tồn kho là vô lí và gây tổn hại tới môi trường kinh doanh.
PGS.TS Ngô Trí Long: ‘Đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu là vô lý’
Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về một số giải pháp để gỡ khó cho nhà máy lọc dầu trong nước.
Theo đó, PVN đề nghị 2 bộ trên xem xét việc ngừng nhập khẩu xăng dầu để giảm tình trạng tồn kho tại nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
PVN cho biết tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước quý I/2020 ước giảm khoảng 30% và dự kiến còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ngoài ra, việc các đầu mối xăng, dầu ngừng nhập hàng dẫn đến dư lượng tồn kho xăng của các nhà máy thuộc PVN lên đến 90%.
Tình trạng khó khăn đến mức Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết đang xem xét tới phương án dừng vận hành nhà máy một thời gian.
Tuy vậy, đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu của PVN hiện đang vấp phải những phản ứng từ dư luận.
Trao đổi với VietnamFinance, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng đề xuất của PVN là không thỏa đáng. Theo ông Long, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp đầu mối đã đáp ứng điều kiện lại không vi phạm pháp luật thì họ phải được quyền kinh doanh bình thường.
“Thị trường là thuận mua vừa bán, ai bán giá hợp lý thì người mua tìm đến, chính phủ không thể bắt doanh nghiệp, người dân đi mua hàng ở chỗ giá cao được. Nếu làm như vậy thì môi trường kinh doanh sẽ không lành mạnh”, ông Long nói.
Theo ông Long, toàn quốc hiện có 32 đơn vị đầu mối, đơn vị của PVN chỉ là một phần trong số đó. Các đơn vị đầu mối vừa lấy xăng trong nước, vừa nhập xăng từ nước ngoài, chủ yếu từ Hàn Quốc vì thuế suất từ thị trường này thấp nhất (xăng 10%, dầu 0%). Việc các doanh nghiệp bỏ nơi đắt, nhập nơi rẻ là hợp với quy luật thị trường.
Còn về lý do khó khăn của PVN, ông Long nhấn mạnh: “Các đơn vị đầu mối là đơn vị kinh doanh, PVN cũng là đơn vị kinh doanh. PVN khó khăn, các đơn vị đầu mối cũng khó khăn vậy. Nhưng PVN lấy lí do dư thừa, sợ không bán được hàng để đề nghị Chính phủ ép các đơn vị đầu mối khác phải mua xăng dầu của mình thì rất vô lý.
“Nếu Chính phủ làm vậy thì sẽ một tiền lệ rất xấu sẽ được thiết lập, môi trường kinh doanh sẽ trở nên không lành mạnh. Thủ tướng đã nhiều lần nói phải tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nếu bây giờ lại làm theo ý của PVN thì rất trái khoáy”.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cũng chỉ thêm rằng về thực chất, xăng dầu là thị trường đa mặt hàng, có mặt hàng tồn kho dư thừa thật nhưng cũng có những mặt hàng không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, nhất là các mặt hàng có chất lượng cao.
“Hiện nay PVN có 2 nhà máy lọc dầu, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu trong nước, nhưng có mặt hàng mà 2 nhà máy không đáp ứng được về mặt chất lượng và giá cũng không thật thích hợp”, ông Long nói và cho rằng để giải quyết thì “PVN phải tự lo, tự phấn đấu giảm chi phí và đưa ra thị trường những mặt hàng có chất lượng cao, khi đó người tiêu dùng sẽ tự khắc tìm đến”.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 cho biết tổng doanh thu quý I của tập đoàn ước đạt 88.3000 tỷ đồng, giảm 13.194 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.400 tỷ đồng, giảm 4.580 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019.
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, nếu giá dầu thô giảm xuống từ 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng, doanh thu bán dầu năm 2020 của PVN sẽ giảm tương ứng từ 9.200 tỷ đồng đến 55.100 tỷ đồng, khiến tổng doanh thu toàn tập đoàn ước giảm 23.000 tỷ đồng đến 141.000 tỷ đồng. Số tiền nộp ngân sách từ nguồn dầu thô của PVN cũng theo đó giảm tương ứng từ 3.111 tỷ đồng đến 18.600 tỷ đồng; số tiền nộp ngân sách của tập đoàn cũng giảm từ 5.000 tỷ đồng đến 27.100 tỷ đồng so với kế hoạch được phê duyệt. Nhận định về giai đoạn hiện nay, PVN cho rằng tập đoàn “đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Nhiều đơn vị trong tập đoàn đang có nguy cơ mất cân đối, thậm chí là thua lỗ nếu như giá dầu không được cải thiện. Chuỗi giá trị của PVN cũng theo đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”… Đối với Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), quý I/2020, doanh thu của tập đoàn ước đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; ước lỗ 572 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của Petrolimex sẽ giảm 12.517 tỷ đồng; ước lỗ 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch năm. Số tiền nộp ngân sách dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch năm, nếu dịch kéo dài tới quý IV/2020. Theo Petrolimex, nguyên nhân của tình trạng này là do giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn trong quý I/2020, dẫn đến giá vốn tồn kho của tập đoàn tăng mạnh. |