Gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề do dịch bệnh COVID-19 hoành hành, ngành nghề nào sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới?
Một quan bar nổi tiếng ở Trung Quốc bị đóng cửa vì dịch. Thay vì nằm yên, họ đã livestream chương trình đánh nhạc kéo dài 5 tiếng. Họ thu hút hơn 1 triệu người tham gia. Thực tế, khi hoạt động, họ chỉ có thể thu hút được một vài ngàn người. Hoạt động online giúp họ thu về 2 triệu tệ (khoảng 6 tỉ đồng) từ tiền tip. Thành công này khiến họ tính tới hình thức mới là kinh doanh online ngay cả khi dịch bệnh đã qua đi. Đó là câu chuyện mà ông Nguyễn Hoà Bình, Chủtịch HĐQT NextTech Group, chia sẻ trong toạ đàm trực tuyến “Làm sao để sống sót qua đại dịch COVID-19”.
Chuyển đổi số là cú hích
Ông Bình cho rằng: “Chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh là tất yếu và không thể thiếu của mọi ngành nghề. Tôi dự đoán rằng xu hướng tới là giảm đầu tư vào offline và tập trung nhiều hơn vào online. Một xu hướng kinh doanh mới và lớn, sẽ bắt đầu phát sinh từ cuộc khủng hoảng này”.
Trong quan điểm chuyển đổi số, ông Bình cho đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp công nghệ và toàn thể người tiêu dùng Việt Nam đi nhanh hơn lên 4.0. Chuyển đổi số, không chỉ của doanh nghiệp mà từng người dân. Ví dụ, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hay không uống rượu khi tham gia giao thông… rất hiệu quả.
Thực tế, trong quá khứ, các doanh nghiệp công nghệ từng phải “đốt tiền” để lấy người dùng với những chi phí siêu đắt đỏ. Đại dịch giúp các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả và hoàn toàn miễn phí. “Vết thương từ cuộc khủng hoảng này quá lớn, chưa biết bao giờ mới kết thúc, ngay kể cả kết thúc rồi nhưng vết thương của nó khiến cả người dân và doanh nghiệp phải phòng ngừa, duy trì các kênh online song song với offline”, ông Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nguyễn Văn Thân gọi chuyển đổi số là cú hích ngoạn mục, vì trước đây các doanh nghiệp vẫn ngại ngần, hoặc theo mô hình cũ thì đây là cơ hội để chuyển đổi số vì không làm thì không có khách hàng.
Theo ông Thân, có đến 70% doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội đang chuyển mình theo hướng này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đã cung cấp dịch vụ ngay trên không gian mạng, thay vì đến tận nơi để trò chuyện. Các cuộc họp trực tuyến giữa Trung ương Hội và các hội viên cũng đã tăng lên.
“Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, tôi thấy rằng không chỉ trong doanh nghiệp mới có chuyển đổi số mà nó diễn ra tất cả các lĩnh vực khác. Ví dụ, tại Học viện của chúng tôi, trước đây để thúc đẩy giảng viên, sinh viên, dạy và học trên các nền tảng số khó khăn, nhưng 1 tháng trở lại đây thì làm rất tốt”, ông Đào Văn Hùng Giám đốc, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ.
Hướng đi nào cho từng mô hình kinh doanh?
Chia sẻ về quan điểm kinh doanh trong thời dịch bệnh, ông Bình cho rằng: “Dịch bệnh như 1 thảm họa thiên nga đen với mọi lĩnh vực, ngành nghề, 100 năm có một”. Từ nay đến lúc đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống khó khăn nhất là dịch bệnh kéo dài.
Trước tình hình bế quan tỏa cảng để phòng chống dịch, các doanh nghiệp Việt Nam phải dựa vào sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa. Doanh nghiệp và người tiêu dùng phải dựa vào nhau. Bên cạnh giải cứu doanh nghiệp, chúng ta phải nghĩ cách song hành giải cứu người tiêu dùng để kích cầu nền kinh tế thì các doanh nghiệp mới bán được hàng.
Với đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ông Bình cho rằng, nếu tạm dừng kinh doanh, thiếu cọ sát và thực chiến trên thị trường thì biết đâu họ lại bỏ lỡ cơ hội nắm bắt thời cơ mới.
Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nếu ngừng kinh doanh trong thời điểm này sẽ dễ mất cơ hội vào tay đối thủ năng động hơn. Hầu hết các chuyên gia đều cùng quan điểm là nhóm doanh nghiệp này không nên tạm ngừng hoàn toàn mà nên duy trì hoạt động kinh doanh ở mức phù hợp, an toàn theo quy định của nhà nước, chú trọng chuyển đổi số. “Trong cái khó phải ló khôn, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải tìm cách bán hàng nếu không khả năng chết cao”, ông Bình cảnh báo.
Xuất khẩu công nghiệp sẽ phục hồi nhẹ, ngày nongovernmental và thuỷ sản sẽ phục hổi sớm. Ảnh: melnvoice.vn |
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ, đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp: “Dưới góc độ chủ quan của tôi, trong cái họa luôn có phúc, trong nguy sẽ có cơ”. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay, ở Hiệp hội Doanh nhân Trẻ, các doanh nghiệp đang được khuyến khích sửdụng các sản phẩm của nhau. Các câu lạc bộ như Xúc tiến thương mại, Doanh nghiệp công nghệ cao… của Hiệp hội khuyến khích thành viên chia sẻ thông tin về các thị trường. “Chúng tôi cũng liên kết với đại sứ quán các nước, tìm kiếm các hiệp hội tương đồng để giao lưu, chia sẻ thông tin, sản phẩm dịch vụ để mở rộng thị trường”, ông Hồng Anh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, với doanh nghiệp đã tích lũy tài chính thì tư duy “ngủ đông” là hay. Lúc này, doanh nghiệp giảm chi phí ít nhất, hoặc chuyển đồi mô hình kinh doanh online để tăng doanh thu.
Theo ông Thân, Chính phủ sẽ có những bước đi cẩn trọng, ngành chịu thiệt hại lớn nhất trong quý II và quý III sẽ tiếp tục là ngành du lịch, vận chuyển và các ngành dịch vụ khác. Xuất khẩu công nghiệp sẽ phục hồi nhẹ trong tháng 6 và quý III, vì hiện nay nhiều nước trong đó có Mỹ đang dự tính tái mở cửa sản xuất, mặc cho dịch bệnh đang bùng phát. Đối với lĩnh vực nông và thủy sản, xuất khẩu từ Việt Nam qua các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc đã dần phục hồi và có dấu hiệu tăng trưởng dương. “Do vậy, tôi dự đoán ngành nông và thủy sản sẽ có khả năng phục hồi sớm nhất”, ông Thân nhận định.
Mô hình kinh doanh nào sẽ được ưu tiên hỗ trợ tài chính?
Cũng theo ông Bình, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khó trông chờ vào gói hỗ trợ của nhà nước. Thực tế, startup công nghệ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng chưa bao giờ chờ tới các gói cứu trợ từ chính phủ hay ngân hàng.
Ngoài ra, trong trường hợp khó tiếp cận với nguồn vốn chính thức, cơ hội được dành cho lĩnh vực Fintech. Việt Nam còn xa lạ với lĩnh vực này nhưng thế giới không phải mới. Ở Mỹ hay Trung Quốc, doanh nghiệp nhỏ có thể vay những khoản vốn từ các công ty công nghệ tài chính. Họ không cần tài sản thế cấp, các khoản vay được cấp dựa vào dữ liệu kinh doanh.
Đánh giá về gói giải cứu của Chính phủ, ông Hồng Anh chia sẻ: “Thực sự tôi đánh giá rất cao sự quyết liệt của Chính phủ. Họ có những giải pháp quyết liệt nhưng vẫn còn vấn đề liên quan đến thực tiễn”.
Thực tế, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Giảm lãi hay giãn nợ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của ngân hàng. Nếu các chi nhánh ngân hàng không được giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận thì chắc chắn chi nhánh đó sẽ “làm lơ”, nếu không thì không đạt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận hàng tháng, hàng quý. Theo ông Hồng Anh, doanh nghiệp đã rất “thấm”, 2 tháng nữa sẽ tới ngành ngân hàng.
Theo Nhịp cầu đầu tư
Link gốc: https://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-lam-gi-de-song-sot-qua-dai-dich-3334268/