Công ty Ninja Van của Lai Chang Wen đang chiếm lĩnh khoảng trống trong mảng logistics của thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử.
CÁC GÓI HÀNG ĐƯỢC CHẤT ĐỐNG CAO HƠN ĐẦU NGƯỜI tại trung tâm phân loại lớn nhất của Ninja Van, trong một cơ sở vận chuyển hàng hóa gần cảng Jurong ở Singapore. Công ty thương mại điện tử lớn của khu vực Đông Nam Á, Shopee, vừa kết thúc đợt khuyến mãi bán hàng trực tuyến “9.9” và cho biết họ đã nhận được 17 triệu đơn đặt hàng trong một ngày.
Ninja Van đang nhận giao hầu hết các đơn đặt hàng đó. “Chúng tôi dành nhiều tháng chuẩn bị để đáp ứng lượng công suất mà họ yêu cầu, đảm bảo rằng chúng tôi thay đổi quy trình của mình và có đủ số tài xế,” Lai Chang Wen, 32 tuổi, người sáng lập Ninja Van cho biết.
Hiện nay, trung bình, Ninja Van giao khoảng một triệu bưu kiện mỗi ngày trong khu vực, điều động khoảng 20.000 nhân viên giao hàng toàn thời gian, được gọi là các ninja. Doanh thu của Ninja Van năm 2017 đã tăng 9% so với một năm trước, lên 13 triệu USD và anh chàng Lai người Singapore vào danh sách 30 Under 30 của Forbes châu Á năm 2016.
Tính đến nay, Ninja Van đã huy động được 140 triệu USD từ nhóm các nhà đầu tư bao gồm B Capital và siêu ứng dụng Grab. “Họ thực sự là công ty hàng đầu trong lĩnh vực giao hàng chặng cuối. Chúng tôi tin rằng họ là dịch vụ tốt nhất hiện nay khi cân nhắc đến phí giao hàng. Mọi thứ họ đạt được khi sử dụng công nghệ đều hướng đến mục đích làm gia tăng sự hài lòng của khách hàng,” Eduardo Saverin, người đồng sáng lập B Capital, giám đốc trong hội đồng quản trị của công ty (và đồng sáng lập của Facebook) cho biết.
LAI ĐỒNG SÁNG LẬP NINJA VAN NĂM 2014 sau một thời gian làm giao dịch viên chứng khoán phái sinh tại Barclays và sau đó thành lập Marcella, một cửa hàng đồ nam có trụ sở tại Singapore. Lim Kuo-Yi, đối tác quản lý tại Monk’s Hill Ventures nhớ lại ông đã từ chối phần trình bày để kêu gọi đầu tư vào Marcella của Lai, nhưng lại thấy bị thu hút với giải pháp mà Lai đề xuất cho các khó khăn trong việc giao hàng của hãng.
Giải pháp đó giờ trở thành Ninja Van. Đề xuất giá trị của công ty là cung cấp một phương thức giao hàng hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực Đông Nam Á khi thương mại điện tử trong khu vực bùng nổ.
Theo báo cáo gần đây của Bain, Google và Temasek, hiện có hơn 150 triệu người Đông Nam Á đang mua và bán trực tuyến, gấp ba lần so với năm 2015. Lim cho biết: “Những gì Ninja Van thể hiện trong bốn hoặc năm năm qua là khả năng phát triển doanh nghiệp ở quy mô gấp ba lần mỗi năm.”
Ninja Van là một trong số hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ logistics trong mảng giao hàng thương mại điện tử như Lalamove, GoGoVan và UrbanFox. “Cạnh tranh về chi phí, tốc độ và độ tin cậy vẫn chưa đủ,” Lai cho biết.
Ninja Van cũng làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để cắt giảm chi phí và mở rộng thị trường của họ. Vào tháng chín, Ninja Van giới thiệu chương trình tại Indonesia mang tên Ninja Academy, dạy cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ về tiếp thị xã hội, quản lý hàng tồn kho, mua sắm và chiến lược bán hàng.
“Nội dung chính của thắc mắc xung quanh Ninja Van là làm thế nào tôi có thể phát triển số lượng khách hàng của mình để khai thác được thị trường ngách của hoạt động thương mại,” Saverin cho biết.
Ninja Van cũng khai thác dữ liệu của mình để hiệu quả hơn. Ví dụ: khi nhiều thương nhân mua cùng một nguyên liệu hoặc sản phẩm, Ninja Van có thể giúp khách hàng tìm được hợp đồng mua số lượng lớn với giá thấp hơn. Họ cũng có thể làm tương tự đối với lĩnh vực vận chuyển hàng hóa. Lai cho biết: “Chúng tôi là người mua suất vận chuyển hàng không lớn nhất trên khắp Indonesia.”
Với 70% giao dịch giao hàng vẫn dùng tiền mặt, Ninja Van xử lý hơn 1 tỉ USD thanh toán mỗi năm. Công ty sở hữu khối vốn lưu động lớn khi xử lý các khoản thanh toán đó. Theo Lim, “như vậy sẽ có cơ hội tăng cường một vài mức vốn lưu động để thu hẹp khoảng cách đó.” Đầu tư của Grab vào Ninja Van là kết quả của cuộc thảo luận đang diễn ra về quan hệ hợp tác. “Chúng tôi tiếp tục tìm cách hợp tác với nhau,” Lai chia sẻ.
Vào bốn năm trước, anh là người chủ động bàn với nhà đồng sáng lập Grab, Anthony Tan, về việc hợp nhất đội giao hàng của họ để cải thiện hiệu quả. Cuối cùng cả hai quyết định sở hữu các đội giao hàng riêng biệt, chuyên dụng sẽ hiệu quả hơn so với một đội kết hợp, nhưng họ đã phát triển được mối quan hệ đối tác đặc biệt.
Khách hàng của Grab có thể truy cập dịch vụ của Ninja Van trên ứng dụng Grab tùy thuộc vào hình thức giao hàng. Grab phân phối các tài xế của mình nhận và giao hàng tận nơi, nhưng cũng cung cấp dịch vụ Ninja Van như một tùy chọn giảm giá đối với những nhu cầu ít khẩn cấp hơn, có thể nhận hàng vào ngày hôm sau.
Grab đã tích hợp Ninja Van vào phần cung cấp dịch vụ của mình tại Indonesia và Philippines, và dự định làm vậy tại Việt Nam vào cuối năm 2019. Lai dành phần lớn thời gian tại Malaysia và Indonesia, nơi Ninja Van ra mắt vào năm 2015.
“Hiện tại tình hình thị trường rất thú vị, trong đó có rất nhiều thương gia nhỏ bán trên các kênh có thể bán được,” Lai nói. Nhưng theo anh, phần thưởng thực sự nằm ngoài Đông Nam Á. “Có một hướng phát triển mang tính toàn cầu nhiều hơn,” anh cho biết. Lai không nêu tên bất kỳ đối tác tiềm năng nào, nhưng nói rằng, “Hoa Kỳ chắc chắn là một mục tiêu.”
Theo Tạp chí Forbes Việt Nam
Link gốc: https://forbesvietnam.com.vn/khoi-nghiep/ninja-van-giao-dich-tron-goi-10174.html