Theo Reuters, báo cáo được cho của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) cảnh báo Bắc Kinh đang đối mặt với làn sóng thù địch gia tăng từ bên ngoài sau đại dịch COVID-19 và có thể đẩy quan hệ Mỹ – Trung tới tình huống xung đột quân sự. Nguồn tin của Reuters cho biết báo cáo nội bộ này đã được Bộ Công an Trung Quốc nộp lên các nhà lãnh đạo cấp cao nhất, trong đó có Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình.
GIA TĂNG LÀN SÓNG THÙ DỊCH
Báo cáo kết luận dư luận chống Trung Quốc trên toàn cầu đang tăng lên mức cao nhất kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, theo các nguồn tin của Reuters. Theo đó, Bắc Kinh đang đối mặt với làn sóng phản đối do Mỹ dẫn đầu kể từ sau đại dịch và cần được chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là có thể xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước.
Mặc dù các giả định về cuộc xung đột giữa hai cường quốc này là thấp nhưng rõ ràng, dịch bệnh đang trở thành mồi lửa khiến sự tin tưởng giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đang thấp nhất kể từ năm 1979. Mặc dù chưa biết dịch bệnh sẽ kết thúc khi nào, nhưng rõ ràng Bắc Kinh phải đối mặt với sự chống đối ngày càng gia tăng đối với tham vọng toàn cầu của mình trong một thế giới “vô trật tự” mới hình thành sau đại dịch.
Giám đốc Viện Phân tích an ninh toàn cầu Gal Luft và chuyên gia phân tích George Magnus của Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford nhận định khủng hoảng hiện nay “phủ bóng đen” và có tác động tiêu cực lên quan hệ Mỹ – Trung Quốc hơn bất kỳ vấn đề nào khác cho đến nay. Quan hệ quốc tế trong thế giới hậu đại dịch sẽ trở nên căng thẳng hơn.
Thái độ tiêu cực về Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng khi Mỹ bước vào chu kỳ bầu cử tổng thống. Cuộc bầu cử càng đến gần, Tổng thống Trump càng khó có thể xuống thang trong cách tiếp cận đối đầu với Trung Quốc. Cố vấn Cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Scott Kennedy cho rằng cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump đều có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa nên khó có thiên hướng hợp tác với nhau và đều dùng căng thẳng này để giải quyết các vấn đề trong nước.
Về tương lai quan hệ Mỹ – Trung Quốc, Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu Gal Luft và chuyên gia cao cấp của Trung tâm Stimson Yun Sun cho rằng một cuộc khủng hoảng như đại dịch lần này sẽ không làm thay đổi hoàn toàn cân bằng quyền lực hiện có và ngay lập tức làm xuất hiện một cấu trúc quyền lực mới. Nhưng về ngắn hạn, Mỹ và các nước sẽ tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc nhất là trách nhiệm liên quan đến sự phát tán của virus ra khỏi biên giới nước này.
CÓ NHIỀU LÝ DO ĐỂ KHIÊU CHIẾN
“Đại dịch COVID-19 đang khoét sâu những căng thẳng vốn có giữa Mỹ và Trung Quốc và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lạnh mới”, cựu cố vấn thương mại của Nhà Trắng Clete Willems nhận định. Căng thẳng Mỹ – Trung liên quan COVID-19 đang có dấu hiệu lan sang lĩnh vực thương mại khi mới đây, ngày 3-5, ông Trump dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu Trung Quốc không tuân thủ các cam kết mua 200 tỉ USD hàng hóa.
Donald Trump và Tập Cận Bình, mỗi người đều có lý do để mở lại chiến tranh lạnh, một cuộc chiến không thể tránh khỏi vì hai bên đều cần nó để tồn tại. Kết quả bầu cử tháng 11 có thể làm thay đổi giọng điệu của mỗi bên nhưng quỹ đạo vẫn cố định. Bởi vì ở Washington, dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ, không một phe nào muốn bị mang tiếng nhu nhược, không khống chế được Trung Quốc. Vì thế, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều ý thức về “chiếc bẫy Thucydide” – một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi giữa cường quốc đang thống trị và cường quốc đang nổi lên và muốn giành quyền lực.
Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Donald Trump coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, cần ngăn chặn trên mọi lĩnh vực. Phương Tây cũng đang chú ý nhiều hơn đến hiểm họa từ Trung Quốc vào lúc Nga có dấu hiệu hòa hoãn hơn kể từ khi đại dịch Covid 19 bắt đầu. Chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer, Giám đốc văn phòng tại Paris của Trung tâm Tham vấn Mỹ German Marshall Fund nhận xét: “Tại Washington, nhiều người nói rằng Trung Quốc đã trở thành một nước Nga mới của NATO và chính quyền Trump”. Tương tự như đối với Nga trước đây, ngày nay, vấn đề Trung Quốc đã nhận được sự nhất trí giữa Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, chi phối đời sống chính trị Mỹ.
Kể từ khi chấp chính, Chủ tịch Tập Cận Bình đã không giấu tham vọng của mình, kể cả răn đe bằng sức mạnh quân sự. Kể từ thời điểm nắm quyền lực cao nhất, Tập Cận Bình đã tuyên bố về “Giấc mơ Trung Hoa” – bước qua giai đoạn Trung Quốc “ẩn mình” để bước vào hàng ngũ các siêu cường, thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và phương Tây.
Kể từ đó, Bắc Kinh châm ngòi cho hàng loạt các hành vi hung hăng, từ việc kích động căng thẳng ở Biển Đông, cho đến tham vọng chi phối các châu lục thông qua chiến lược Một vành đai, Một con đường thông qua hàng loạt “củ cà rốt” vay viện trợ. Thậm chí, trước tham vọng của người láng giềng Trung Quốc, Moscow con lo ngại họ sẽ bị Trung Quốc làm lu mờ ở cấp chiến lược. Nga đang vật lộn để tìm chỗ đứng trong một thế giới lưỡng cực do Hoa Kỳ và Trung Quốc thống trị. Chính vì thế mà trong một cuộc họp với báo chí ngoại giao, ông Enrico Letta, chủ tịch Viện Jacques-Delors, đã cho rằng Nga đang cố xích lại gần cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ, thông qua một loạt cử chỉ hòa dịu, hợp tác.
Hậu quả toàn cầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trầm trọng hơn chiến tranh lạnh trước đây giữa Hoa Kỳ và Liên Xô cũ.
Bởi vì nếu Liên Xô thời đó là một cường quốc đang đi xuống, với mô hình kinh tế thất bại, còn Trung Quốc lại sắp trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và còn tiếp tục phát triển. Ngoài ra, trao đổi thương mại giữa Mỹ và Liên Xô rất ít ỏi, trong khi Trung Quốc nay đã hội nhập hoàn toàn vào hệ thống thương mại và đầu tư thế giới, có quan hệ tương tác chặt giữa các bên, cụ thể là với Hoa Kỳ. Vì vậy, chiếc bẫy Thucydide trong thế kỷ XXI có nguy cơ nuốt chửng không chỉ hai cường quốc này, mà cả phần còn lại của thế giới.