Tận dụng thời cơ vàng
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý với kế hoạch di dời một số nhà máy của Mỹ từ Trung Quốc sang Indonesia sau khi căng thẳng trong mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang. Ông Trump đã tiết lộ kế hoạch của mình khi nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) vào ngày 11/5, theo ghi nhận của CNBC Indonesia.
Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư của Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan đã có cuộc trò chuyện với trợ lý Tổng thống Trump ngay sau buổi họp giữa 2 nhà lãnh đạo nhằm thúc đẩy các kế hoạch sắp tới. “Tổng thống Jokowi đã có một cuộc nói chuyện rõ ràng với Tổng thống Trump về tình hình hiện tại. Căng thẳng Mỹ – Trung đang ngày càng leo thang, vì vậy ông Trump thực sự muốn di dời ngành công nghiệp của mình ở Trung Quốc, đặc biệt là sang Indonesia. Tôi đã được tổng thống yêu cầu nói chuyện với các trợ lý của ông Trump ngay sau buổi họp đó”, ông Luhut nói.
Nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt hơn và tiên tiến hơn, diện tích đất lớn kết hợp với các ưu đãi hấp dẫn đang là những yếu tố then chốt góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của Indonesia phát triển nhanh chóng. Không chỉ vậy, nó cũng là chìa khóa mang lại chiến thắng cho quốc gia này trong cuộc cạnh tranh nhằm thu hút sự dịch chuyển của các công ty từ Mỹ.
Theo các nguồn tin địa phương, Tổng thống Joko Widodo đã đàm phán trực tiếp với ông Trump và đưa ra các ưu đãi “khủng” về đất đai trong vòng 5 năm cũng như các chính sách “đầy hấp dẫn”.
Bộ trưởng Luhut cho biết chính phủ Indonesia đang chuẩn bị 4.000 ha đất tại tỉnh Central Java. Khu đất này được dành riêng cho các khu kinh tế đặc biệt để phục vụ cho ngành công nghiệp dược phẩm.
Người phát ngôn của Bộ Điều phối Hàng hải, Jodi Mahardi cho biết các địa phương cần thời gian để thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu sắp tới, trong khi Bộ vẫn đang làm việc với một số bên liên quan.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Agus Gumiwang cũng đã tiến hành kế hoạch phát triển 27 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2020-2024 nhằm sẵn sàng cho sự chuyển dịch cơ sở sản xuất của các công ty nước ngoài.
“Trong số 27 khu công nghiệp, chỉ có 1 khu ở Brebes và 1 ở Madura. Phần còn lại được phát triển tại các khu vực công nghiệp bên ngoài Java”, ông Agus nói.
Tập trung điều chỉnh chính sách để thu hút đầu tư
Indonesia đang triển khai kế hoạch nới lỏng các quy tắc về môi trường để khuyến khích các công ty năng lượng đầu tư vào nước này. Kế hoạch phục hồi nền kinh tế với mục đích khởi động lại các ngành công nghiệp sẽ bao gồm các đề xuất nhằm giảm bớt nhiều quy định, thủ tục không cần thiết khi các công ty năng lượng tiến hành nghiên cứu môi trường và khai thác than.
Tổng thống Joko Widodo đã ban hành Luật Omnibus với mục đích thay đổi các luật hiện hành nhằm lược bỏ các quy định không cần thiết, qua đó thu hút nguồn vốn FDI vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.
Hiện tại, các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên phải tiến hành nghiên cứu môi trường (AMDAL) nhằm đánh giá tác động của việc đầu tư và phát triển đối với môi trường và cộng đồng địa phương.
Luật Omnibus cũng loại bỏ tất cả các quy định liên quan đến các yêu cầu AMDAL trong luật đồn điền 2014 và nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp. Không chỉ vậy, Luật Omnibus cũng loại bỏ một quy tắc hiện hành cho phép cư dân địa phương phản đối khi bị ảnh hưởng bởi quá trình AMDAL và khai thác.
Nhằm bảo vệ điều luật mới, Tổng thống Widodo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BBC Indonesia rằng, ông vẫn quan tâm đến môi trường, nhưng “chúng tôi đang ưu tiên những thứ liên quan đến nền kinh tế vì người dân cần việc làm”.
Ngoài ra, Luật Omnibus cũng sẽ nới lỏng các quy tắc về khai thác than, bao gồm việc xóa bỏ mức giới hạn 15.000 ha đối với những bên có giấy phép khai thác đặc biệt, qua đó khuyến khích các công ty khai thác năng lượng đầu tư vào Indonesia.
Trong khi đó, chính phủ nước này cũng đang thông qua các điều khoản với mục đích bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng, một vấn đề “rất quan trọng” mà các tập đoàn công nghệ nước ngoài đặc biệt quan tâm. Tổng thống Widodo cho biết, ông đang tích cực tiến hành các kế hoạch nhằm tạo ra một môi trường đầu tư tiềm năng cho các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ.
Vào quý I/2020, chính phủ Indonesia cũng đặt mục tiêu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 22% vào năm 2021-2022 và xuống 20% vào năm 2023. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này cần phải được áp dụng ngay, qua đó giúp Indonesia sớm có được thêm lợi thế trong cuộc cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vốn đang “nóng” trong khu vực hiện nay.
Ngồn: Nhà đầu tư
Link gốc: https://nhadautu.vn/cuoc-dua-thu-hut-von-fdi-dich-chuyen-tu-trung-quoc–bai-2-indonesia-va-cai-bat-tay-voi-tong-thong-donald-trump-d37946.html