Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi nhưng theo từng giai đoạn và phụ thuộc một phần vào ngành du lịch.
Hai giai đoạn phục hồi
Tại tọa đàm trực tuyến “Thu hút FDI vào bất động sản Việt Nam hậu khủng hoảng”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dự báo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi theo 2 giai đoạn.
Thứ nhất là khi học sinh, sinh viên kết thúc năm học 2019-2020, dẫn tới bùng nổ du lịch nội địa trong ngắn hạn, giúp các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước hưởng lợi. Giai đoạn thứ 2 sẽ bắt đầu khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Nga khống chế dịch thành công và các đường bay quốc tế được nối lại.
Du khách quốc tế sẽ ưu tiên chọn các điểm du lịch phía Nam trong nửa cuối mùa thu và mùa đông do khí hậu ôn hòa quanh năm như nền nhiệt ẩm phong phú, ánh nắng dồi dào, giúp thị trường bất động sản du lịch từ Đà Nẵng tới Phú Quốc hưởng lợi, ông Chung, chia sẻ.
Du lịch theo nhóm nhỏ, lưu trú ở khách sạn quy mô nhỏ, lựa chọn những địa điểm có thể di chuyển bằng xe cá nhân sẽ trở thành xu hướng của khách hàng trong ngắn hạn. Ảnh:dulichbavi |
Cũng theo ông Chung thì “Các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã chịu thiệt hại trong những tháng đầu năm, nhưng 3 tháng cuối năm không chỉ giúp họ hồi phục, mà còn cho cơ hội phát triển hơn nữa”.
Nhận xét về xu hướng tiêu dùng, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam nhận xét, hoạt động du lịch theo nhóm nhỏ, lưu trú ở khách sạn quy mô nhỏ, lựa chọn những địa điểm du lịch có thể di chuyển bằng xe cá nhân sẽ trở thành xu hướng của khách hàng trong ngắn hạn.
Cũng theo xu hướng này, những khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở địa điểm gần Hà Nội và TP.HCM như Vũng Tàu, Phan Thiết, Long Hải, Ba Vì, Hòa Bình… vốn không phụ thuộc nhiều vào du khách quốc tế, sẽ phục hồi nhanh trong 3-6 tháng tới khi kỳ nghỉ của học sinh, sinh viên tới gần.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ với báo chí tuy mở cửa trở lại, hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn giảm tốc. Công suất trung bình trong những tuần đầu tháng 5 chỉ đạt khoảng 16%. Công suất này chủ yếu đến từ các điểm đến có thể tiếp cận bằng ô tô như Hồ Tràm, Long Hải, Đà Lạt và Bà Rịa – Vũng Tàu. Một số điểm du lịch khác chưa hồi phục do phần lớn du khách ngại di chuyển bằng đường hàng không sau COVID-19.
Ngoài ra, thị trường khách nội địa dù chiếm 83% tổng lượng khách du lịch năm 2019, nhưng là nhóm khách hạn chế hơn về ngân sách du lịch so với phân khúc khách quốc tế và khách công vụ. “Nhóm khách này thường chọn các khách sạn và khu nghỉ dưỡng với mức ngân sách tầm trung nên không tác động nhiều đến tình hình hoạt động của những khách sạn 4 và 5 sao trong thành phố”, ông Mauro Gasparotti phân tích.
Thời gian phục hồi chậm
“Hoạt động kinh doanh dự kiến vẫn bị chững lại trong những tháng tới”, ông Mauro Gasparotti nói. Lý giải nhận định này, ông Mauro cho hay, công suất của nhóm khách sạn cao cấp và hạng sang tại các thành phố lớn sụt giảm xuống chỉ còn một chữ số, thậm chí một số cơ sở chỉ đạt mức 5% do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn khách quốc tế và khách công vụ. Chỉ một số cơ sở lưu trú duy trì công suất ở mức cao hơn nhờ có lượng khách dài hạn.
Thị trường khách sạn 4-5 sao ở Phú Quốc, Nha Trang chủ yếu đón du khách nước ngoài, sẽ phục hồi trong 1-2 năm tới, do du khách có tâm lý tránh những điểm du lịch tập trung đông người, phải di chuyển bằng đường hàng không.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Du lịch dự kiến một kịch bản phục hồi chậm cho ngành du lịch khi lượt du khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2020 dự kiến giảm 70% so với năm 2019 nếu dịch được kiểm soát vào tháng 6. Ở kịch bản xấu hơn, dịch được kiểm soát vào tháng 9, lượt khách quốc tế sẽ giảm tới 75%.
Các cơ sở lưu trú tại thị trường ven biển như Phú Quốc, Quảng Nam tỏ ra thận trọng hơn trong quyết định mở cửa với tỉ lệ mở lại lần lượt là 58% và 55%. Ảnh:reic |
Theo khảo sát của Savills Hotels, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sau giãn cách xã hội đã có những tín hiệu phục hồi nhẹ khi 493 cơ sở lưu trú, chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội, tương đương 78% số khách sạn và khu nghỉ dưỡng 4-5 sao đã mở cửa đón khách với đầy đủ tiện ích đi kèm.
Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú tại thị trường ven biển như Phú Quốc, Quảng Nam tỏ ra thận trọng hơn trong quyết định mở cửa với tỉ lệ mở lại lần lượt là 58% và 55%. Còn số ít cơ sở áp dụng chiến lược tạm ngưng hoạt động một phần để cắt giảm chi phí.
Bên cạnh đó, chuyên gia của Savills cho rằng, khoảng 95% cơ sở lưu trú đã mở cửa sẵn sàng đưa loại hình MICE – du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện vào hoạt động. Nhưng nguồn cầu tại phân khúc này vẫn ở mức thấp do các quy định về phòng, chống dịch bệnh đang được áp dụng nghiêm ngặt và các doanh nghiệp cũng cần cắt giảm quy mô của các sự kiện, hội thảo.
Theo ông Mauro Gasparotti, các khu nghỉ dưỡng cao cấp có thể giảm giá phòng, áp dụng các gói dịch vụ hấp dẫn và miễn phí dịch vụ ăn uống, vận chuyển nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút được khách nội địa khi thị trường du lịch hồi phục trong kì nghỉ hè sắp tới.
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư
Link gốc: https://nhipcaudautu.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-nghi-duong-se-phuc-hoi-nhung-theo-tung-giai-doan-3335210/