Với mục tiêu xây dựng một hệ thống thông tin đất đai hiện đại, đồng bộ, tăng tính minh bạch của hoạt động quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn toàn tỉnh, tháng 6/2019, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh triển khai thực hiện Dự án xây dựng hệ thống thông tin đất đai tỉnh, với tổng kinh phí trên 480 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện xong trong năm 2020, nhưng do khối lượng công việc lớn, tỉnh đã đồng ý cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, khoảng 80% đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có liên quan đến lĩnh vực đất đai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong sử dụng đất đai là do hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai còn hạn chế, phần lớn vẫn quản lý theo phương thức hồ sơ truyền thống. Điều này đã khiến cho các cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian để tra cứu, tìm kiếm và dễ xảy ra những sai phạm đáng tiếc. Thậm chí, một số địa phương đã có nhiều cán bộ bị kỷ luật do để xảy ra những sai phạm này.
Trong khi đó, những năm gần đây, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa lớn nhất của cả nước, dẫn đến nhu cầu hệ thống hóa cơ sở dữ liệu và khai thác sử dụng dữ liệu để quản lý đất đai phục vụ phát triển và quản lý đô thị ngày càng cao. Chính vì vậy, việc hoàn thành Dự án Xây dựng hệ thống thông tin đất đai tỉnh sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo lập, chuyển đổi cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, bao gồm: Cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất…
Qua đó, đảm bảo tính đồng bộ tập trung của hệ thống dữ liệu đất đai, phục vụ đa mục tiêu nhằm tăng cường hiệu suất, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu về trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin đất đai của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
Tính cấp thiết của dự án đã rõ, tuy nhiên sau 1 năm có quyết định phê duyệt, hiện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh mới thực hiện xong công tác lựa chọn nhà thầu đối với 2/5 gói thầu của dự án. Trong đó, có gói thầu số 1 là tư vấn lập thiết kế thi công, tổng dự toán và gói thầu số 2 là thẩm định giá. Đến nay, gói thầu số 1 vẫn đang trong quá trình lập, hoàn thiện và lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương lần thứ 2, dẫn đến 3 gói thầu còn lại chưa được triển khai, trong đó có gói thầu chính là cung cấp, lắp đặt thiết bị, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai (gói thầu số 4).
Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bà Trịnh Thị Phương, Trưởng Phòng Quản lý dự án công nghệ thông tin (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp), cho biết: Đây là một dự án lớn, lên tới gần 2 triệu thửa đất, trong khi đơn vị chỉ có 6 kỹ sư về công nghệ thông tin và không có kỹ sư chuyên ngành đất đai. Do đó, đầu tháng 4/2020, chúng tôi đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương về việc cử cán bộ có năng lực về quản lý đất đai tham gia dự án để sớm báo cáo UBND tỉnh cho phép thành lập một tổ chuyên trách. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có địa phương chưa gửi danh sách, khiến việc thành lập tổ chuyên trách chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, Ban cũng liên tục gửi các văn bản, đề nghị các sở, ngành, địa phương tham gia ý kiến vào hồ sơ thiết kế chi tiết và dự toán xây dựng, đặc biệt là sớm hoàn thiện, chỉnh lý biến động đất đai, cập nhật bản đồ địa chính vào hệ thống thông tin đất đai. Đây là những dữ liệu đầu vào rất quan trọng, để xây dựng một hồ sơ thiết kế có chất lượng, thế nhưng rất nhiều địa phương vẫn lơ là trong công tác phối hợp, triển khai thực hiện. Từ đó, khiến cho tiến độ của dự án bị ảnh hưởng rất lớn.
Có thể thấy, để dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng đặt ra, các sở, ngành, địa phương cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt và coi việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thúc đẩy Quảng Ninh phát triển một đô thị thông minh, chính quyền điện tử theo đúng mục tiêu, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Nguồn: Hoàng Nga/ Báo Quảng Ninh
Link gốc: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202006/xay-dung-he-thong-thong-tin-dat-dai-van-nhieu-kho-khan-2487369/