Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được chính thức vận hành toàn tuyến vào năm 2015. Từ khi đi vào hoạt động, tuyến đường cao tốc này đã giúp kết nối giao thông, kinh tế các tỉnh miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, TP.HCM và Tây nguyên. Tuy nhiên, sau 5 năm đi vào khai thác, tuyến cao tốc này hiện đang rơi vào tình trạng quá tải.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), năm 2015, tức năm đầu đưa vào khai thác, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây phục vụ gần 10 triệu lượt phương tiện lưu thông. Song đến năm 2019, số lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đã đạt khoảng 16,5 triệu lượt.
Như vậy, mức tăng trưởng lưu lượng bình quân của tuyến cao tốc này đạt khoảng 10%/năm.
Hiện nay, trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, nhất là đoạn từ quốc lộ 51 về TP.HCM. Tình trạng kẹt xe diễn ra trầm trọng nhất vào các dịp lễ, tết khi lượng phương tiện lưu thông gia tăng đột biến.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ xem xét, đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây từ 4 làn xe như hiện tại lên 10-12 làn xe theo quy hoạch đã được duyệt trước đây.
Tương tự, UBND TP.HCM mới đây cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét sự cần thiết đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, kết nối vùng TP.HCM, đồng bộ với kế hoạch đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xem xét việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Long Thành – Thủ Thiêm.
Về kết nối với các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM, UBND TP đề nghị nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao An Phú, quận 2, TP.HCM đồng bộ với quy mô đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; nghiên cứu bổ sung nút giao thông kết nối cao tốc với đường Long Phước, quận 9 để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội quận 9 và Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.
Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị Bộ nghiên cứu thực hiện phương án tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một lần theo đúng lộ giới quy hoạch tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tránh gây xáo trộn nhiều lần đến đời sống của các hộ dân bị ảnh hưởng.
Gần 10.000 tỷ đồng đầu tư mở rộng đường cao tốc
Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long), đơn vị thay mặt Bộ GTVT thực hiện nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã đưa ra đề xuất về quy mô và thời gian thực hiện mở rộng tuyến cao tốc này.
Cụ thể, đối với đoạn từ nút giao An Phú (quận 2, TP.HCM) đến Long Thành (dài 24km) sẽ thực hiện đầu tư mở rộng quy mô từ 4 làn xe hiện tại lên 8 làn xe từ năm 2025. Riêng đoạn từ Long Thành đi Dầu Giây giữ nguyên quy mô 4 làn xe như hiện tại và quy mô này có thể đáp ứng nhu cầu lưu thông đến năm 2040. Sau năm 2040, đoạn từ nút giao An Phú đến Long Thành cần được đầu tư mở rộng lên 10 làn xe.
CIPM Cửu Long cho biết, để có cơ sở đưa ra phương án mở rộng đối với tuyến đường cao tốc nói trên, đơn vị đã dựa trên số liệu lưu lượng xe khảo sát sơ bộ tại Trạm thu phí Long Phước vào năm 2017, đồng thời, dựa vào số liệu dự báo về số làn xe đối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây trong những năm tới của đơn vị tư vấn là CTCP Tư vấn thiết kế GT-VT phía Nam (Tedi South) cung cấp.
Thông tin với báo chí, ông Trần Văn Thi – Tổng giám đốc CIPM Cửu Long cho biết thêm, phương án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng được đưa ra trên cơ sở kết hợp kịch bản đầu tư sân bay Long Thành và các tuyến đường trong khu vực theo quy hoạch liên quan đã được duyệt gồm: Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; đường vành đai 3 (đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch); cầu Cát Lái, đường 25C và các tuyến đường sắt…
Theo đó, để thực hiện đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, CIPM Cửu Long cũng đề xuất phương án nguồn vốn và hình thức đầu tư.
Tính toán ban đầu của CIPM Cửu Long cho thấy, để phục vụ nhu cầu trước mắt là mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến Long Thành từ 4 lên 8 làn xe sẽ cần tổng vốn đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng.
Về nguồn vốn đầu tư, sẽ được thực hiện bằng hình thức đầu tư công nguồn vốn trong nước hoặc nguồn vốn ODA (JICA) của Nhật Bản. Đầu tháng 5/2020, Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản cũng đã gửi thư quan tâm đối với dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đến Bộ GTVT.
Ngoài ra, liên quan đến quỹ đất phục vụ việc mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cả 2 địa phương Đồng Nai và TP.HCM đều đảm bảo đáp ứng nhu cầu.
Thông tin về vấn đề này, ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, đối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh đã được địa phương quy hoạch với lộ giới rộng 120m nên đảm bảo cho nhu cầu mở rộng trong thời gian tới.
Tương tự, Sở GTVT TP.HCM cũng cho hay, quỹ đất để phục vụ mở rộng đường cao tốc đoạn quan địa bàn TP.HCM cũng đủ cho quy hoạch 10 làn xe.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây nối TP.HCM với Đồng Nai, điểm đầu tuyến là nút giao An Phú, quận 2, TP.HCM và điểm cuối là Dầu Giây, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Được vận hành toàn tuyến từ năm 2015, cao tốc có chiều dài 55 km với vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng. Nhờ tuyến cao tốc mà cự ly và thời gian đi lại giữa TP.HCM đi Dầu Giây được rút ngắn từ 3h xuống còn 1h; từ TP.HCM đi Phan Thiết chỉ còn 3h thay vì 5h như trước đây; từ TP.HCM đi Vũng Tàu chỉ còn 1,5h, nhanh hơn trước đây 1h.
Nguồn: Nhà đầu tư
Link gốc: https://nhadautu.vn/gan-10000-ty-dong-mo-rong-doan-nut-giao-an-phu–long-thanh-duong-cao-toc-tphcm–long-thanh–dau-giay-d38677.html