Đầu tháng 5.2020 nhiều người lướt mạng xã hội bất ngờ với nội dung một đoạn quảng cáo: “Tận hưởng kỳ nghỉ riêng tư và thanh bình tại khu nghỉ dưỡng biển Amanoi ẩn mình bên bờ vịnh Vĩnh Hy xinh đẹp. Chương trình ưu đãi đặc biệt tại khu nghỉ dưỡng dành riêng cho khách Việt Nam với nhiều đặc quyền hấp dẫn, áp dụng từ nay tới cuối tháng 12.”
Nằm trong lòng vườn quốc gia Núi Chúa, với vị thế đắc địa vừa có hồ vừa có biển, Amanoi, khu nghỉ nằm trong danh sách 33 khách sạn mới tốt nhất thế giới năm 2014 của tạp chí Condé Nast Travele, trước đây có phần doanh thu quan trọng từ khách nước ngoài.
Với giá mới, khách nội địa chi khoảng 17 triệu đồng cho kỳ nghỉ ba ngày hai đêm bao gồm cả vé máy bay và dịch vụ đón tiễn sân bay mỗi người. Năm ngoái, mức giá tại khu nghỉ dưỡng tối thiểu khoảng 14 triệu đồng/đêm.
“Chúng tôi hi vọng châu Á sẽ sớm mở cửa biên giới trở lại trong tương lai gần,” Luc Van Nerom, tổng giám đốc công ty cổ phần Quản lý Nam Núi Chúa, nơi sở hữu thương hiệu Amanoi trao đổi với Forbes Việt Nam.
Khoảng trống du khách nước ngoài sau dịch bệnh khiến Amanoi cũng như nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn năm sao phải quay về khai thác thị trường trong nước, phương thức duy nhất vượt qua cơn bĩ cực chờ ngành công nghiệp không khói này vận hành bình thường trở lại.
Ông Nguyễn Trung Công, giám đốc điều hành của Ivivu, nền tảng OTA tập trung vào dòng khách sạn 4-5 sao thuộc Thiên Minh Group, cho biết các cách để doanh nghiệp khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang làm để thu hút khách nội địa bao gồm giảm giá, bổ sung dịch vụ, và thay đổi gói sản phẩm để phù hợp hơn với khách hàng nội địa.
Trong đó, giảm giá là cách làm phổ biến với những khách sạn và khu nghỉ dưỡng có nhóm khách hàng nhạy cảm về giá, còn với các khách sạn và khu nghỉ dưỡng hạng sang có nhóm khách hàng ít bị tác động về tài chính từ đại dịch, họ chủ yếu bổ sung các dịch vụ, và thay đổi các sản phẩm để phục vụ cho thị trường nội địa.
Từ giữa tháng hai, Amanoi bắt đầu cảm nhận tác động của dịch bệnh khi khách quốc tế giảm đến Việt Nam. Bước sang tháng ba khi WHO công bố Covid-19 là đại dịch thì mọi hoạt động dịch vụ lưu trú tại Việt Nam gần như ngủ đông và đóng băng hoàn toàn trong thời gian Việt Nam giãn cách xã hội. Amanoi mở cửa đón khách lại trong tháng năm và kỳ vọng sôi động trở lại với du khách nội địa.
Tại hội nghị trực tuyến các bộ trưởng du lịch ASEAN ngày 29.4, thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết những con số ảm đạm về ngành du lịch: tỉ lệ khai thác phòng trong quý I.2020 chỉ khoảng 20%, tháng tư dưới 10%. 80% nhân sự trong ngành du lịch nghỉ không lương hoặc chịu cắt giảm lương.
Trong cơ cấu doanh thu du lịch Việt Nam nhiều năm qua, phần thu từ du khách quốc tế chiếm khoảng 60% trong thị trường trị giá 720.000 tỉ đồng của ngành du lịch, tương đương khoảng 30 tỉ USD.
Dựa trên số liệu thống kê của cục Thống kê TP.HCM, ảnh hưởng bởi quy định giãn cách trong tháng 4, trong hệ thống hơn 2.200 khách sạn ở riêng TP.HCM, mỗi khách sạn trung bình chỉ đón 1,5 lượt khách nước ngoài lưu trú.
Bà Nguyễn Phương Anh, giám đốc kinh doanh và tiếp thị khách sạn năm sao Park Hyatt Saigon cho biết việc kinh doanh của họ bị sụt giảm nghiêm trọng. Nằm tại trung tâm quận 1 cách Nhà hát Thành phố vài bước chân, khách sạn theo phong cách thuộc địa Pháp này có rất nhiều phòng trống trong thời gian dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Vào buổi tối, những người đi ngang vẫn thấy hình ảnh trái tim được thắp bằng ánh sáng qua cách vén rèm khéo léo từ bên trong các phòng trống của khách sạn 245 phòng này. Vắng khách lưu trú và không tổ chức được sự kiện, Park Hyatt Saigon giới thiệu gói dịch vụ phục vụ tại nhà hướng vào khách hàng nội địa.
Chẳng hạn, khi khách hàng có nhu cầu, khách sạn năm sao này gửi một đầu bếp và một phục vụ chuẩn bị thực đơn ba món phục vụ tại gia. Dịch vụ áp dụng cho tối thiểu sáu khách, với chi phí 1,6 triệu/người, món ăn phục vụ theo phong cách Pháp, Ý, Việt. Park Hyatt Saigon tặng khách hàng một chai rượu vang. Khách sạn cũng kết hợp với dịch vụ giao đồ ăn của Grab và Beamin.
Từ Vũng Tàu, thành phố biển cách TP.HCM chưa tới hai giờ xe chạy, Stuart Lyall, tổng quản lý Fusion Suites Vũng Tàu nói với Forbes Việt Nam: “Không có du khách quốc tế, các khách sạn nội địa ở Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt để có được khách hàng và đảm bảo những khách hàng đó sẽ quay lại tiếp lần sau.”
Cách TP.HCM 500km, người đồng nghiệp Dawid Koegelenberg, tổng quản lý của Fusion Resort Cam Ranh (Khánh Hòa) nhận định nhu cầu ở thị trường nội địa rất lớn, và các khách sạn cần hoạt động tích cực để thu hút khách nội địa. “Hiện đang diễn ra cuộc chiến về giá nên mảng khách sạn rất cạnh tranh,” ông nói và dự báo trong tương lai gần, du khách sẽ có xu hướng tìm đến các khu nghỉ dưỡng có không gian thiên nhiên và hoạt động ngoài trời.
Thực tế trong đợt nghỉ lễ cuối tháng tư, như chiếc lò xo bị nén quá lâu, nhiều du khách nội địa đã quay trở lại các địa danh quen thuộc như Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc tạo nên sự náo nhiệt tại các điểm công cộng mà trước đó một tuần còn vắng vẻ. Ngành hàng không và dịch vụ lưu trú là hai lĩnh vực tổn thương trực tiếp và nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19.
Vì vậy, để kích cầu du lịch nội địa đã hình thành các liên minh giữa hàng không và dịch vụ lưu trú. Từ tháng 2.2020, Bamboo Airways và Vinpearl ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, theo đó hành khách sẽ di chuyển bằng máy bay của Bamboo Airways đến các điểm lưu trú tại 43 cơ sở Vinpearl trên toàn quốc.
Trước đó, vài tuần sau Tết Nguyên đán, chuỗi nghỉ dưỡng 17 ngàn phòng thuộc Vingroup cũng bắt tay với Vietnam Airlines tung ra gói “combo” di chuyển nghỉ dưỡng ba ngày hai đêm cho hai người với giá từ 7,99 triệu đồng.
Ông Mauro Gasparotti, giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương đánh giá nhu cầu du lịch nội địa đóng vai trò chính với ngành công nghiệp không khói Việt Nam trong vài tháng tới. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cần điều chỉnh chính sách giá cũng như các ưu đãi để đón đầu và đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này.
Chuyên gia của Savills nhận định du lịch Việt Nam trải qua quá trình hồi phục tương tự như Trung Quốc, thị trường mất khoảng sáu tuần để công suất trở lại mức 30% và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm khách trẻ. Năm 2019, công suất phòng của các cơ sở lưu trú tại Việt Nam đạt 70% – 90%, đón hơn 18 triệu lượt du khách nước ngoài.
Ông Nguyễn Trung Công nhận xét với nhóm khách hàng nội địa có khả năng chi trả, giảm giá không phải là yếu tố quan trọng kích thích họ đi nghỉ, mà là các gói sản phẩm được chỉnh sửa phù hợp với nhu cầu của họ.
Còn ông Mauro Gasparotti cho rằng yếu tố sáng tạo được xem là giá trị cốt lõi và là chìa khóa để ngành du lịch nói chung, cơ sở lưu trú nói riêng tạo ra nguồn doanh thu mới giúp lĩnh vực lưu trú vượt qua được cú sốc thị trường. Chẳng hạn, chuyên gia Savill gợi mở các khách sạn năm sao có thể cung cấp “du lịch tại chỗ” (staycation).
Theo đó, thay vì nhắm tới du khách nước ngoài, các khách sạn nhắm đến phân khúc khách hàng ở khu vực trong thành phố hoặc lân cận bằng cách mang đến những gói trải nghiệm gồm chỗ lưu trú, ăn uống và đầy đủ tiện ích. Khách hàng trải nghiệm dịch vụ cao cấp như một chuyến du lịch thông thường ngay tại nơi họ đang sinh sống hoặc khu vực lân cận mà không cần phải đi xa.
Còn xa hơn, để thị trường lưu trú hồi sinh, ông Mauro cho rằng phải chờ ngày du khách quốc tế quay trở lại. Ông nói: “Việt Nam đã nổi tiếng toàn cầu về mức độ an toàn thông qua các biện pháp phòng chống COVID-19 thành công và đây được xem là đòn bẩy giúp thị trường khách quốc tế sớm trở lại.”
ĐỂ DU LỊCH NGHỈ DƯỠNG PHỤC HỒI SAU DỊCH
Việt Nam đã bước đầu hạn chế sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Giờ đây, thách thức nằm ở chỗ dần mở cửa cho các hoạt động kinh tế trong khi vẫn đảm bảo an toàn trước dịch bệnh.
HERBERT LAUBICHLER-PICHLER, tổng quản lý Alma Resort: Cách Việt Nam chống dịch được cả thế giới đánh giá cao. Giờ đây, mỗi khách sạn, nhà hàng hay khu nghỉ dưỡng phải có trách nhiệm giữ cho khách và nhân viên, rộng hơn ra là cộng động được an toàn.
Rốt cuộc, chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền, và nếu có người không nghiêm túc thì sẽ phá hỏng nỗ lực của cả ngành du lịch, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe của cộng đồng.
ADAM CALVER, giám đốc sân golf Laguna Lăng Cô: Thách thức lớn nhất khi phục hồi ngành du lịch là phải tạo ra cảm giác an toàn cho khách đi nghỉ. Việt Nam đang nằm trong nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh, thực tế này giúp chúng ta có những lợi thế so với các khu vực khác vẫn đang có dịch bệnh lây lan.
Giờ đây là lúc kích thích nhu cầu nội địa, và người Việt Nam có cơ hội khám phá đất nước mình với chi phí phù hợp. Với thị trường khách quốc tế thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi như trước dịch. Yếu tố chính để kích thích là đi du lịch an toàn và dễ dàng. Mở quan hệ đối tác miễn visa với các thị trường chính như Úc, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan sẽ là bước đầu tốt.
LUC VAN NEROM, tổng giám đốc Amanoi: Mở cửa biên giới sớm có thể nhìn thì tốt, nhưng sẽ khiến cả Việt Nam gặp rủi ro. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi ở Ninh Thuận là lâu dài. Chúng tôi đã có các giải pháp cần thiết để duy trì hoạt động và tiếp tục xây dựng, ngay cả khi chỉ có 10% khách trong vòng 12 tháng tới. Chúng tôi hi vọng điều tốt nhất nhưng đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
NGUYỄN PHƯƠNG ANH, giám đốc kinh doanh và tiếp thị Park Hyatt Saigon: Việt Nam đang được báo chí quốc tế khen ngợi tích cực về việc phòng chống dịch tốt, chúng ta cần tận dụng sự chú ý này để cho thế giới thấy một Việt Nam an toàn, lạc quan sau đại dịch. Chỉ có như vậy Việt Nam mới có thể là lựa chọn hàng đầu của khách du lịch quốc tế sau khi dịch bệnh kết thúc.