Sau sự sụp đổ của WeFit, hàng chục startup công nghệ khác vẫn tiếp tục nhận vốn đầu tư, ngay cả trước sự tàn phá của COVID-19. Từ đầu năm, có hàng chục startup Việt nhận được vốn, với số vốn rất lớn.
Ba startup Việt là JobsGo (cung cấp nền tảng tuyển dụng trực tuyến), WindSoft Việt Nam (cung cấp giải pháp phần mềm và ứng dụng cho quản trị doanh nghiệp) và EcomEasy (chuyên về giải pháp tiếp thị và bán hàng trên các kênh thương mại điện tử) sẽ nhận 200.000 – 500.000 USD vốn đầu tư từ Quỹ Viet Valley Ventures.
Ngoài 3 startup trên, ngay khi COVID-19 vừa lắng xuống, hàng loạt startup khác đã nhận được nguồn vốn đầu tư lớn.
Điển hình là, tháng 4/2020, NextTech Group và Quỹ đầu tư khởi nghiệp Next100.tech đã hoàn tất 2 thương vụ, đầu tư gần 10 tỷ đồng vào nền tảng tuyển dụng nhân sự TopCV và 500.000 USD vào Chatbot.
PV Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech –Shark Bình xung quanh vấn đề này.
Nguyên nhân vì sao làn sóng các startup Việt xuất hiện nhiều và đi cũng nhanh, thưa ông?
Shark Bình: Tại sự kiện Internet Day 2019, tôi đã dẫn một thông tin khảo sát từ báo cáo của World Startup Report rằng, trong 50 triệu startup ra đời hàng năm trên thế giới thì 92% không quá được sinh nhật thứ 2. Ở trong nước cũng tương đồng. Hiện, theo thống kê có 3.000 startup đổi mới sáng tạo thì tôi nghĩ cũng sẽ phải hơn 2000-2500 không tồn tại được và sẽ… ra đi. Việt Nam không nằm ngoài quy luật chung đó của thế giới.
Tôi nghĩ rằng, các startup có thể do được cổ vũ nhiều quá, bị ảnh hưởng của các câu chuyện thành công nhiều quá. Như tôi nói kinh nghiệm thành công thì không dạy được, không copy được, chỉ có kinh nghiệm thất bại mới dạy được, mới truyền đạt được.
Quan trọng các startup cần phải học kinh nghiệm thất bại.
Với cương vị là chủ tịch NextTech, cũng như Qũy Next100 hỗ trợ khởi nghiệp, ông đánh giá thế nào về định giá và gọi vốn của các startup Việt hiện nay?
Shark Bình: Có rất nhiều startup ở Việt Nam hiện nay bị đồng dạng với thế giới, hậu quả của bệnh “ngáo giá” do các nhà đầu tư “ngáo bóng” và chạy theo giá trị tăng trưởng áo để gây quỹ, gọi vốn và đốt tiền. Tôi nghĩ năm sau sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều cho các startup kiểu này và sẽ là thời đi lên của các startup căn cơ, biết kiếm tiền.
Ngay ở Việt Nam, chúng ta thấy nhiều bài học gần đây khi có nhiều startup sụp đổ với mô hình kiểu như vậy, như một số đã công khai trên báo chí như Món Huế hay vừa rồi trong giới có cơn “sốc” khi một startup lớn từng gọi vốn hàng vài chục triệu USD đã sa thải phần lớn nhân viên. Đấy là bài học rất lớn cho môi trường startup Việt Nam, phải tập trung vào chân giá trị thay vì gây quỹ, gọi vốn.
Và quả bom sẽ chỉ nổ khi thị trường vốn có vấn đề. Ví dụ cụ thể như thị trường vốn có vấn đề sau vụ Softbank, Wework, khiến tất cả các nhà đầu tư giật mình, rụt tay lại, và lập tức các startup đang hừng hực trên con đường đốt tiền tự nhiên bị hẫng. Nhà đầu tư có vấn đề gì, mất bầu sữa mẹ là startup lập tức sụp đổ.
Từ cú “ngã ngựa” của WeWork, rồi đến sự sụp đổ của WeFit tại Việt Nam, phải chăng bong bóng startup đang diễn ra tại Việt Nam? Bài học kinh nghiệm rút ra là gì, để các startup khác không đi theo “gót chân Asin” này?
Shark Bình: Startup “ngáo giá” là do nhà đầu tư “ngáo bóng”, tức thị trường startup này nhìn bản chất nó không khác gì thị trường bất động sản, chứng khoán, là kỳ vọng cao. Ví dụ thị trường bất động sản, các “ông” cứ xông lên một khu đất nào đấy, mới buổi sáng mua buổi chiều sang tay đã lãi 5-10%, chẳng hạn vậy. Nó là cơn sốt, là bong bóng và mỗi nhà đầu tư như vậy đều góp phần thổi một ít vào bong bóng đó.
Mới đây, nhân sự kiện WeWork, trên trang cá nhân tôi có viết dường như “bóng ma” – nổ bong bóng dot-com lần thứ 2 (2.0) đang xảy ra, bắt đầu tư phát súng của WeWork sẽ lan ra toàn thế giới, tất nhiên trong đó có Việt Nam. Như tôi nói ở trên, nó bắt nguồn từ một sự kiện nào đấy dẫn đến hoảng loạn toàn cầu và nhà đầu tư đua nhau tháo chạy và rút vốn, và không cấp vốn nữa.
Thậm chí người ta còn bình luận về một thủ phạm hiện nay ở Silicon Valley và kết tội cho một ông trùm trong việc thổi bóng chính là Softbank. Tức ông thổi giá, thổi bóng lên không đúng giá trị thật của nó, và khi chưa kịp bán cho người khác thì “bóng” đã nổ trên tay ông rồi.
Hay ở Việt Nam, một số fintech đua nhau khuyến mại để lấy người dùng, giờ dẫn đến thị trường bị làm hỏng, khách hàng cũng bị làm hỏng. Vì cứ có khuyến mại thì khách hàng mới dùng, tức dùng vì khuyến mại chứ không phải vì giá trị thật đem lại, đồng thời các startup đổi mới sáng tạo thật sự thì lại không địch lại nổi vì bị “tiền đè chết người”.
Như vậy, lúc đó là cuộc chơi của dân tài chính chứ không phải là cuộc chơi của đổi mới sáng tạo nữa. Đó là nhận định về thị trường startup trong vòng vài năm qua và có vẻ như “ngày phán xét” đã đến.
Thực ra, bong bóng 2.0 hiện nay đang nổ ra, và sức ảnh hưởng của nó đối với kinh tế thế giới không quá mạnh, lý do vì người ta đã rút được kinh nghiệm từ thời bong bóng dot-com năm 1999 rồi. Đó chính là lý do vì sao mà WeWork bị phán xét.
Bởi vì WeWork trước khi lên sàn và lúc đấy thị trường đại chúng ở Mỹ người ta đã tỉnh táo hơn, chứ còn như năm 1999 là người ta sẽ ào ạt mua vào để tiếp tục thổi nó lên một tầm “ngáo” mới. WeWork chính là một trường hợp như vậy.
Trong giới đầu tư và startup, tôi biết đang có một sự “hoảng loạn” ở cả thế giới và Việt Nam. Chúng ta đã nhìn những trường hợp như vậy, nếu không người ta đã tiếp tục bơm tiền, vì đã đầu tư vài chục triệu USD thì sẽ chơi tiếp. Bản chất chính là hệ quả của vụ việc đó xảy ra. Bản thân nó giống như mồi lửa. Nó rất lớn và gây chấn động giới đầu tư toàn cầu, làm cho họ giật mình tỉnh ra và khi tỉnh ra thì một đống “ông startup đi”.
Sau sự sụp đổ của WeFit, bất chấp dịch COVID-19, các startup công nghệ Việt vẫn thu hút vốn đầu tư khủng (điển hình là mới đây Qũy Next100 rót vốn cho Chatbot và TopCV), lý do là gì thưa ông?
Shark Bình: Lý do đầu tư vào Chatbot, TopCV và các startup khác bởi các doanh nghiệp này đảm bảo đủ 3 triết lý đầu tư là “ngon – bổ – rẻ”. Trong đó, “ngon” thể hiện ở khía cạnh doanh nghiệp có mô hình kinh doanh rõ ràng, lành mạnh, có dòng tiền và lợi nhuận. “Bổ” là những giá trị của công ty khởi nghiệp này đem lại phù hợp, tương hỗ với hệ sinh thái của NextTech. Còn yếu tố “rẻ” là việc nhà sáng lập biết mình đang ở đâu, tránh tình trạng đưa ra mức giá trên trời, phi thực tế.
Nhà sáng lập có năng lực, nhiệt huyết sẽ là một trong những yếu tố chính thu hút Next100 đầu tư trong hoàn cảnh hiện nay.
Khi đầu tư tôi đặt kỳ vọng trong vòng 1-2 năm là thu đủ bù chi. Ở NextTech đều rất căn cơ như vậy, chỉ trong vòng từ 1-2 năm là đã tự startup kiếm tiền nuôi được bản thân và sinh lợi nhuận để hoàn trả cho các chủ đầu tư. Chính vì thế, gần đây Next100 rất đắt hàng và được nhiều startup tìm đến.
Tất nhiên, theo tôi, nhiều khi gọi được vốn lại là khởi đầu cho sự thất bại. Trước đây, PeaceSoft (tiền thân của Tập đoàn NextTech hiện nay) cũng gọi vốn được từ eBay, nhưng sau đó khi Lazada vào, họ đổ nhiều tiền, thế là eBay rút. Khi đó PeaceSoft rất khó khăn và sau đó mình phải tự xoay xở, tự hai bàn tay trắng, thì lại làm nên.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Nhà đầu tư
Link gốc: https://nhadautu.vn/shark-binh-khi-nha-dau-tu-co-van-de-gi-mat-bau-sua-me-la-startup-lap-tuc-sup-do-d38783.html