Thực trạng hoạt động vui chơi có thưởng
Khu vực vui chơi có thưởng hợp pháp và bất hợp pháp trong những năm qua đều có quy mô khá lớn và tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, đối với khu vực vui chơi có thưởng bất hợp pháp, diễn biến ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Thực tế cho thấy, cách thức quản lý theo hình thức cấm đoán ngày càng trở nên thiếu hiệu quả, không ngăn chặn được các hoạt động vui chơi có thưởng bất hợp pháp, đồng thời cũng không giúp Nhà nước thu ngân sách và hạn chế việc chảy máu ngoại tệ. Do vậy, rất cần định hướng, chính sách mới để khai thác tốt hơn tiềm năng của lĩnh vực này.
Đề án của Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thống kê, từ sau Nghị định 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 có hiệu lực, Bộ Tài chính đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh “Trò chơi điện tử có thưởng” (TCĐTCT) cho 43 khách sạn tại các khu vực phát triển về kinh tế, du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng… với tổng số 2.611 máy được phép kinh doanh.
Trong đó, có 6 casino quy mô nhỏ với vốn đầu tư dưới 50 triệu USD tại Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng; 2 casino quy mô lớn tại Vũng Tàu (trên 4 tỷ USD) và tại Phú Quốc (trên 2 tỷ USD); có 3 casino quy mô lớn chưa triển khai hoạt động tại Quảng Nam, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế.
Việc tổ chức kinh doanh chỉ được thực hiện tại các địa điểm riêng biệt và chỉ dành cho đối tượng là người có hộ chiếu nước ngoài. Có thể thấy, số lượng casino hiện có tuy nhiều, nhưng chủ yếu là các casino có quy mô nhỏ, chỉ có 2 casino quy mô lớn theo mô hình phức hợp.
Hiện nay, chỉ có tổ hợp Corona Resort & Casino Phú Quốc là thí điểm cho người Việt vào chơi với điều kiện người chơi phải chứng minh thu nhập trên 10 triệu/tháng, và phí vào cửa là 1 triệu/người/ngày, hoặc 25 triệu/người/tháng. Casino nằm trong tổ hợp dự án nghỉ dưỡng được đầu tư 25.000 tỷ đồng trong giai đoạn đầu và dự kiến tổng vốn đầu tư hoàn chỉnh lên tới 50.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Corona Resort & Casino Phú Quốc, 6 tháng đầu năm 2019 số lượng khách vào chơi casino gần 42.000 lượt người, trong đó khách Việt Nam chiếm 48%, khách nước ngoài chiếm 52% chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia, tổng doanh thu thuần từ hoạt động casino đạt 510 tỷ đồng, chi phí trả thưởng là 57,6 tỷ đồng và nộp thuế là 264,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở nhóm casino quy mô nhỏ, Khách sạn Crown Plaza Đà Nẵng (8 bàn chơi bài và 100 máy) ghi nhận kết quả kinh doanh sau thuế năm 2018 đối với hoạt động casino là 306,8 tỷ đồng, nộp thuế 347,7 tỷ đồng; casino tại Khách sạn Hoàng Gia Hạ Long (18 bàn và 70 máy), kết quả kinh doanh sau thuế đạt 23,31 tỷ đồng.
Đối với những casino ở các địa phương biên giới với Trung Quốc, do thay đổi chính sách của chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ người Trung Quốc vào chơi tại các casino Việt Nam nên hoạt động kém hiệu quả.
Do vậy, doanh thu của loại hình kinh doanh casino và trò chơi có thưởng chủ yếu tập trung tại khu vực miền Nam, chiếm trên 50% tổng doanh thu. Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh casino chủ yếu tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM do đây là những địa bàn có lượng khách du lịch, đầu tư, kinh doanh nước ngoài khá đông, cơ sở lưu trú du lịch phát triển.
Ngoài hình thức TCĐTCT, ở Việt Nam cũng ghi nhận các hình thức cá cược mới. Từ năm 2000 dịch vụ vui chơi có thưởng đua chó đầu tiên được cấp phép tại TP. Vũng Tàu ghi nhận doanh thu bình quân 1,2 triệu USD/năm. Năm 2004 dịch vụ vui chơi có thưởng đua ngựa xuất hiện tại TP.HCM có doanh thu bình quân khoảng 11 triệu USD/năm. Năm 2018, dự án đường đua xe công thức 1 được cấp phép, tuy nhiên chưa đi vào hoạt động do dịch COVID-19.
Theo thống kê, năm 2018 doanh thu cả nước đạt 13.248 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017, gấp 2 lần năm 2013, nộp ngân sách nhà nước năm 2018 là 2.785 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2017. Tính trung bình từ năm 2013 đến nay, hoạt động kinh doanh TCĐTCT đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 1.900 tỷ đồng/năm, một con số không hề nhỏ.
Từ thực trạng trên đây có thể rút ra một số kết luận, từ năm 1995 Chính phủ đã thí điểm hoạt động casino với việc cấp phép cho casino Đồ Sơn theo hình thức liên doanh nước ngoài, từ đó đến nay đã thu hút được hàng chục dự án FDI và đầu tư trong nước gắn với các khách sạn 5 sao, mở rộng sang đua chó, đua ngựa, triển khai ở nhiều địa phương, tạo ra sự thay đổi quan trọng về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, chất lượng dịch vụ tiếp cận các nước phát triển trong khu vực.
“Tuy vậy hiệu quả kinh tế xã hội của lĩnh vực vui chơi có thưởng chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng đã được tạo ra, cũng như có thể được phát triển trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới, du lịch trong nước và du lịch thế giới phát triển khá nhanh trong những năm gần đây”, đề án của VAFIE đánh giá.
Cửa phát triển mới mở hé
Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương và chính sách phát triển hoạt động vui chơi có thưởng, kể cả thu hút đầu tư nước ngoài nhưng do là vấn đề “nhạy cảm” nên chưa có sự thống nhất về quan điểm, nhận thức giữa các Bộ, ngành ở trung ương, chính quyền địa phương nên còn vướng mắc trong việc hình thành thể chế, cơ chế, tổ chức thực hiện.
Thống kê cho thấy, Nhà nước đã ban hành khá nhiều văn bản điều chỉnh hoạt động này. Cụ thể, một số Luật, Nghị định và Thông tư có liên quan đến lĩnh vực vui chơi có thưởng như, Luật số 26/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, trong đó có bổ sung Điều 67a. Về đặt cược thể thao, Quyết định 32/2003/QĐ-TTg ban hành quy chế kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; Nghị định 86/2013/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; Nghị định 106/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; Nghị định 03/2017/NĐ-CP về kinh doanh casino; Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; Nghị định 151/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung quy định một số Nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó là một loạt thông tư hướng dẫn, như Thông tư 101/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP; Thông tư 15/2018/TT-BVHTTDL quy định… hoạt động đua chó để kinh doanh đặt cược; Thông tư 16/2018/TT-BVHTTDL quy định… hoạt động đua ngựa để kinh doanh đặt cược; Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 17/01/2019 hợp nhất 02 Nghị định 06/2017 và 151/2018 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
Tuy vậy VAFIE đánh giá, hệ thống Luật pháp của nước ta chưa trở thành hệ thống, còn có mâu thuẫn giữa một số văn bản, nhìn chung chưa tiếp cận được thông lệ quốc tế để điều chỉnh có hiệu quả hoạt động vui chơi có thưởng của quốc gia.
Lĩnh vực vui chơi có thưởng hiện do Bộ Tài chính quản lý. Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước hoạt động kinh doanh xổ số, casino, trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược bóng đá, đua ngựa, đua chó,… bao gồm cấp mới và cấp lại Giấy Chứng nhận đầu tư, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi giấy nhận đầu tư.
Với nhiệm vụ nặng nề như vậy nhưng chỉ có vài nhân viên của phòng xổ số và vui chơi có thưởng chuyên trách, vì vậy bất cập trong quản lý Nhà nước. Có thể kể ra như chậm trễ trong việc thẩm định và cấp Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, điều chỉnh hoạt động, theo dõi hướng dẫn, thanh tra kiểm tra để phát hiện kịp thời các vấn đề cần giải quyết…
Bên cạnh đó, thiếu sự phối hợp theo chiều ngang và chiều dọc trong hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về vui chơi có thưởng nên không tận dụng được sức mạnh và trình độ công nghệ thông tin hiện có để kiểm soát hiệu quả toàn bộ hệ thống một cách minh bạch.
Ngoài ra, vướng mắc trong cơ chế cấp phép và quản lý do thủ tục còn rườm rà với sự tham gia thẩm định của nhiều cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ VH-TT-DL, Bộ KH&ĐT, Bộ Công an, UBND cấp tỉnh, nên thời gian cấp phép đủ điều kiện kinh doanh khá dài.
Nguồn: Nhà đầu tư
Link gốc: https://nhadautu.vn/suc-hut-nganh-cong-nghiep-khong-khoi–bai-1-mo-vang-cho-khai-thac-d38633.html