2019 có thể coi là một năm thắng lớn của CTCP Tập đoàn Ecopark. Dù không còn vai trò điều hành của CEO danh tiếng Đào Ngọc Thanh, song Ecopark vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, xét theo cả hai yếu tố doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, doanh thu toàn tập đoàn là 4.346 tỷ đồng, cao hơn 34% so với năm 2018; lãi sau thuế theo đó tăng mạnh 32% lên 533 tỷ đồng. Với chỉ số lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) lên tới 4.814 đồng, Ecopark là một trong những doanh nghiệp địa ốc hoạt động hiệu quả nhất, nếu so với những tên tuổi hàng đầu trên sàn chứng khoán như Novaland (3.579 đồng), Đất Xanh Group (2.672 đồng) hay Khang Điền (1.690 đồng), và chỉ đôi phần kém cạnh so với ông lớn số 1 Vinhomes (6.502 đồng).
CTCP Tập đoàn Ecopark tiền thân là CTCP Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) – chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ecopark tại huyện Văn Giang, Hưng Yên quy mô 500ha. Bỏ qua những lùm xùm về cách thức lấy dự án đầu thập niên trước, thì không thể không đánh giá cao tầm nhìn thập kỷ của giới chủ Ecopark, và cả cách doanh nghiệp này làm bất động sản với những thông tin về kết quả kinh doanh vừa công bố.
Sau 17 năm hình thành và phát triển, Ecopark tới nay đã trở thành một trong những tập đoàn địa ốc hàng đầu cả nước, với tổng tài sản ngót nghét 10.000 tỷ đồng, vốn cổ phần trong năm vừa qua được tăng gấp rưỡi lên 1.097 tỷ đồng.
Ở một số chỉ tiêu chi tiết hơn, chiếm khoảng 1/3 tổng tài sản tới cuối năm 2019 là hàng tồn kho (3.277 tỷ đồng), giảm 20% so với đầu năm, gồm tiểu dự án Khu Aqua Bay (1.647 tỷ đồng), Chi phí xây dựng biệt thự đảo (733 tỷ đồng), Tiểu dự án Khu Palm Spring (413 tỷ đồng), Chi phí xây dựng trung tâm Vietcombank (365 tỷ đồng)…Liên quan đến dự án trung tâm Vietcombank, Ecopark tới cuối năm ngoái đã nhận trước từ Vietcombank 563 tỷ đồng.
Số dư chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 1.495 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí xây dựng giai đoạn 2 của khu Bờ Nam. Ngoài ra, còn 2.033 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng đường giao thông liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội. Dự án BT được cấp phép cách đây 17 năm từng gây xôn xao dư luận khi được đối ứng bằng 500ha đất dự án Ecopark.
Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu của Ecopark là 1.647 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần 1.097 tỷ đồng, phần còn lại chủ yếu là lãi chưa phân phối trong năm. Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn là 2.747 tỷ đồng, người mua trả tiền trước ngắn hạn là 2.384 tỷ đồng.
Đối tác tín dụng lớn nhất của Ecopark là VPBank với số dư 1.283 tỷ đồng, xếp sau là Vietcombank với 728 tỷ đồng. Ngoài vay nợ ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh dẫn vốn được Ecopark lựa chọn, khi tập đoàn này tháng 8 năm ngoái đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với tổ chức thu xếp là VCBS.
Tham vọng của Ecopark
Sau nhiều năm đầu tư, quỹ đất Ecopark dù vẫn còn lớn, song để đảm bảo nền tảng cho các thế hệ phát triển tiếp theo, Ecopark chắc chắn không chỉ làm mỗi…Ecopark, mà bắt buộc phải gia tăng quỹ đất, mở rộng danh mục đầu tư.
Tại Hà Nội, Ecopark thời gian gần đây được truyền thông đề cập khá nhiều với đề xuất cải tạo, xây dựng khu tập thể Thành Công, Ba Đình.
Tuy nhiên trong khi đề xuất mang tính đột phá này vẫn chưa hẹn ngày được chấp thuận, thì Ecopark đã và đang âm thầm tích luỹ quỹ đất ở nhiều địa phương, đó là dự án Ecopark Hải Dương diện tích 109,2ha, là Khu đô thị Móng Cái quy mô 320ha được Quảng Ninh giao cho CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị TDH Ecoland (thành viên của Ecopark) lập quy hoạch năm ngoái. Hồi tháng 11/2018, TDH Ecoland cũng đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ủng hộ đề xuất đầu tư các dự án phát triển đô thị thương mại du lịch và đô thị ven biển trên địa bàn thành phố Vũng Tàu. Đầu tháng 8/2019, doanh nghiệp này đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Nhà đất LH Hàn Quốc về việc nghiên cứu quy hoạch và phát triển dự án Khu công nghiệp sạch (thuộc dự án phát triển Khu công nghiệp và Đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, tỉnh Hưng Yên).
Kín tiếng nhưng đáng đề cập hơn cả, là “phép tính” thập kỷ Comaland BT đã được Nhadautu.vn đề cập trong bài viết cách đây không lâu. Cụ thể, Ecopark thông qua thành viên CTCP Comaland Đầu tư và Phát triển Bất động sản (Comaland BT) thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên dài gần 4,2km, tổng mức đầu tư 379 tỷ đồng (sau được điều chỉnh thành 497 tỷ đồng), theo hình thức BT. Khu đất đối ứng là 63ha ở Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội.
Cùng với đó, Hà Nội cũng chấp thuận cho Ecopark xây dựng 3 tuyến đường theo hình thức BT, gồm Đường Đa Tốn đi đường Hà Nội – Hải Phòng (2,4 km); Đường từ khu đô thị Ecopark đi đường 179 (3,2 km); Đường 179 từ đường Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải (5,7 km). Tổng vốn đầu tư theo đề xuất là 3.433 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 1.659 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 1.290 tỷ đồng. Giá trị công trình BT dự kiến là 3.360 tỷ đồng, quỹ đất thanh toán dự kiến là khoảng 74,6ha tại xã Đông Dư, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Hé lộ ban lãnh đạo Ecopark
Sau sự thoái lui của ông Đào Ngọc Thanh, Ecopark vào đầu năm 2019 có CEO mới là ông Trần Quốc Việt. Vị doanh nhân có học vị Tiến sĩ chuyên ngành kinh doanh và quản lý cũng có một “ghế” trong HĐQT 4 người, bên cạnh Chủ tịch HĐQT Lương Xuân Hà và hai Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Khanh, Đặng Thị Ngọc Bích (vợ ông Hà). Ở Ban Tổng giám đốc, có 6 Phó TGĐ là bà Bích Ngọc và các ông Nguyễn Công Hồng, Bùi Tiến Hùng, Vũ Mai Phong, Nguyễn Dũng Minh và ông Đàm Hải Giang. Ba Thành viên Ban kiểm soát là Trưởng ban Ngô Quang Thành và hai thành viên Nguyễn Doãn Cương, Lâm Nhị Hà.
Nguồn: Nhà đầu tư
Link gốc: https://nhadautu.vn/ong-chu-du-an-ecopark-lam-an-ra-sao-d39350.html