Gần 300 dự án cần nhà đầu tư
Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, hiện TP đang quản lý 22 dự án đã ký kết hợp đồng, đang triển khai với tổng vốn đầu tư 64.244 tỷ đồng; 166 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công – tư) với tổng mức đầu tư dự kiến 324.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TP cũng đang kêu gọi đầu tư gần 293 dự án theo hình thức PPP trên tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục… với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 910.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, một trong những dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP tại TP.HCM gần đây nhất là cầu Thủ Thiêm 4, có tổng chi phí đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng. Cây cầu có chiều dài gần 2,2 km, rộng 28m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành; tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7; tĩnh không thông thuyền 80×10 m; vận tốc thiết kế 60 km/h.
Điểm bắt đầu của công trình cầu Thủ Thiêm 4 từ trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát để kết nối vào đường Lưu Trọng Lư, cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn, nối với Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo UBND TP.HCM, cầu Thủ Thiêm 4 được xác định là 1 trong các công trình hạ tầng giao thông quan trọng cần ưu tiên đầu tư. Bởi cầu không chỉ để từng bước hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung mà còn kết nối giao thông Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Khu đô thị Nam Sài Gòn, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển khu vực.
Ngoài ra, một số công trình hạ tầng giao thông đầu mối quan trọng khác được đầu tư theo hình thức PPP cũng đã được hoàn thành như (cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, mở rộng Xa lộ Hà Nội…) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP, từng bước triển khai theo đúng 7 Chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ X.
Đánh giá chung về các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP, Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM cho rằng, các dự án đã được các Sở, ngành tham mưu UBND TP triển khai đúng hướng, hiệu quả, mang lại lợi ích trong quản lý, khai thác công trình, dịch vụ công cộng.
Đồng thời, huy động được nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần giải quyết nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện ngân sách TP còn hạn chế; góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân.
Tạo cơ hội cho các dự án PPP phát triển
Trước đó, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát HĐND TP.HCM về chấp hành pháp luật trong công tác quản lý đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) trên địa bàn TP diễn ra vào giữa tháng 6/2020, ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc thực hiện các dự án PPP có nhiều ưu điểm, nhất là ở khía cạnh huy động nguồn lực tư nhân, nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ cho các quốc gia đang phát triển, các địa phương có nguồn lực hạn chế.
Theo ông Hoan, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu, sớm thực hiện các dự án PPP, bởi nhu cầu vốn cho phát triển của TP là rất lớn. Không chỉ cơ sở hạ tầng, giao thông mà các lĩnh vực khác như văn hóa, thể thao, giáo dục… cũng rất cần xã hội hóa phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của TP. Chính vì vậy, bên cạnh các hình thức đầu tư tư nhân cần có thêm các loại hình đầu tư khác từ hình thức đối tác công-tư như BT, BOT, BTO, BOO…
Tại TP.HCM, phần lớn dự án BT là do nhà đầu tư đề xuất dẫn đến phần lớn dự án được lựa chọn qua chỉ định thầu. Chỉ định thầu không sai, nhưng nếu không làm chặt chẽ sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro cho nhà nước.
Chính vì vậy, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, phân loại các dự án PPP và chuẩn bị quy trình triển khai dự án PPP của TP với từng hình thức đầu tư PPP. Đồng thời, kiến nghị Trung ương có hướng dẫn, liên kết các ngành liên quan cho việc thực hiện các dự án PPP, đảm bảo nhanh, đúng tiến độ, hiệu quả.
Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, trong thời gian tới, TP chủ động đề xuất đầu tư, khẳng định quyền đề xuất dự án là của chính quyền, không để bị động phụ thuộc vào nhà đầu tư. Từ đó làm cơ sở cho công tác đấu thầu công khai, giúp lựa chọn nhà đầu tư có năng lực đảm bảo hiệu quả của dự án đầu tư.
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thắng – Phó chủ tịch HĐND TP.HCM nhận định, các dự án đầu tư PPP tại TP đã đạt hiệu quả tích cực, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển, góp phần tạo hình mẫu cho Trung ương triển khai công tác quản lý nhà nước trong các vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Thắng cũng cho rằng, việc triển khai danh mục dự án đầu tư ưu tiên trong từng lĩnh vực của TP hiện vẫn chưa có, dẫn đến TP không chủ động đề xuất dự án đầu tư, làm hạn chế nhà đầu tư tiềm năng, hạn chế tính cạnh tranh, công bằng.
Sau 5 năm, quy trình triển khai thực hiện dự án PPP cũng chưa được xây dựng, ban hành. Các dự án chưa triển khai đúng tiến độ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, quyết toán tài chính, dẫn đến nguy cơ thất thoát, lãng phí nguồn lực…
Theo đó, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án PPP tại TP.HCM, bà Phan Thị Thắng đề nghị UBND TP nghiên cứu tổng kết các dự án PPP, trong đó có các dự án kêu gọi đầu tư trong vòng 5 năm tới; đánh giá công tác gọi vốn, chất lượng công nghệ áp dụng cho từng dự án.
UBND TP cần nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư thực hiện dự án PPP để đảm bảo tính hấp dẫn của môi trường đầu tư TP, giảm thất thoát, lãng phí nguồn đầu tư công và bảo vệ uy tín, hình ảnh của chính quyền TP.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan hữu quan nhanh chóng thực hiện các quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra tại các dự án đầu tư; khẩn trương ban hành Quy trình thực hiện các dự án PPP…TP đặc biệt quan tâm làm tốt công tác quy hoạch đầu tư để nâng cao hiệu quả xã hội hóa trong đầu tư phát triển. HĐND TP sẵn sàng tiếp nhận đề nghị từ UBND TP để nghiên cứu, quyết định chủ trương đầu tư các dự án PPP thuộc thẩm quyền.
Nguồn: Nhà đầu tư
Link gốc: https://nhadautu.vn/tphcm-tim-nha-dau-tu-cho-gan-300-du-an-ppp-voi-tong-so-von-910000-ty-dong-d39580.html