Luật Đầu tư sửa đổi được đánh giá đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đang rất chờ đợi ngày Luật này được thực thi.
Tháo gỡ xung đột pháp luật
Chủ đầu tư – nhà đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư – chấp thuận chủ trương đầu tư, đất – đất ở,… chỉ khác nhau một chữ nhưng hệ quả pháp lý, trách nhiệm, chi phí của nhà đầu tư là hoàn toàn khác nhau. Sự chồng chéo, xung đột giữa Luật Đầu tư 2014 và các luật chuyên ngành khác đã hình thành nên các điểm nghẽn cản trở dòng vốn đầu tư vào thị trường, chồng chất thêm chi phí cho nhà đầu tư, tạo kẽ hở cho tham nhũng sách nhiễu.
Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua được đánh giá là lần sửa đổi toàn diện, tháo gỡ nhiều nút thắt trong quá trình thực hiện đầu tư, giúp doanh nghiệp giảm nhẹ gánh nặng về thời gian và chi phí.
Cụ thể, tạo khung khổ pháp lý để phát triển các loại hình kinh doanh mới đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời đảm bảo tính động bộ thống nhất của hế thống pháp luật về hoạt động đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, rà soát các nội dung trùng lặp, chồng chéo trong hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh. Luật Đầu tư sửa đổi lần này đã làm rõ phạm vi, nguyên tắc áp dụng pháp luật liên quan tới hoạt động đầu tư, giải quyết mối quan hệ giữa luật đầu tư và các luật chuyên ngành, như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán…
Đánh giá về Luật Đầu tư sửa đổi, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm UBKTQH cho rằng, luật sửa đổi lần này đã đảm bảo được tính đồng bộ, cải cách thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật hiện nay. Đáng chú ý, Luật Đầu tư sửa đổi cũng đã xây dựng được nguyên tắc áp dụng pháp luật, đồng thời thống nhất trong triển khai các thủ tục thực hiện đầu tư, đặc biệt các dự án đầu tư có liên quan đến đất đai.
Có cũng quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, Luật Đầu tư lần này tập trung vào tháo gỡ xung đột chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, và các luật liên quan… Luật đầu tư cũng sửa 6 luật ngay để đảm bảo quy trình minh bạch dễ dàng hơn.
“Luật cũng làm rõ vấn đề đang còn vướng mắc hiện nay trong việc giao đất cho nhà đầu tư. Trước đây, các luật quy định ba phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng chưa làm rõ mối quan hệ giữa ba trình tự thủ tục này và thứ tự ưu tiên áp dụng. Chính vì vậy đã làm khó cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Việc làm rõ mối quan hệ của trình tự thủ tục đầu tư theo hướng chỉ chọn một trong ba phương thức đã nhận được sự tán thành cao từ phía cộng đồng doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Rộng “cửa” đón vốn đầu tư
Luật Đầu tư sửa đổi lần này được đánh giá cũng đã gỡ bỏ nhiều thủ tục cản trở dòng vốn lớn gia nhập thị trường bằng cách đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương cũng như mở cánh cửa lớn nhất thu hút đầu tư từ khu vực dân chúng .
Luật Đầu tư 2020 đã sửa đổi theo hướng giảm dần danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, có tới 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được cắt giảm hứa hẹn sự chuyển biến căn bản trong môi trường đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trong công đoạn xin chấp thuận chủ trương đầu tư cũng được giản lược xuống mức báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ. Đây là nội dung nhiều doanh nghiệp kinh doanh xây dựng, bất động sản đặc biệt quan tâm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM HoREA nhận xét, chỉ thay đổi luật bảo vệ môi trường có 1 chữ “sơ bộ” thôi giải quyết nhiều vấn đề cho vấn đề cho doanh nghiệp.
“Chúng ta đều biết trong giai đọan chấp thuận chủ trương đầu tư thì dự án còn đang nghiên cứu, không thể có báo cáo chính thức về báo cáo đánh giá tác động môi trường. Để làm báo cáo này vừa mất nhiều thời gian, vừa tốn chi phí, mà hoàn toàn chỉ mang tính hình thức”, ông Châu nói.
Luật Đầu tư 2020 cũng đã mở một chương mới cho dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với nhiều kỳ vọng. Sau 30 năm thu hút vốn ĐTNN khu vực này đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Có thể đánh giá Việt Nam là quốc gia thu hút vốn đầu tư thành công trên thế giới tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa tương xứng với số lượng, tổng mức đầu tư.
Chính vị vậy Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đã xác định mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao hội nhập quốc tế.
Theo đó, xây dựng cụ thể danh mục hạn chế không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế. Ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành lĩnh vực Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ.
Luật Đầu tư cũng bổ sung các quy định nhằm xử lý các dự án đầu tư gây bức xúc cho xã hội như đầu tư núp bóng, dự án gây ô nhiễm môi trường, dự án làm ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng.
“Luật Đầu tư 2020 sẽ giải quyết những vấn đề nóng của thực tiễn qua các chế định cụ thể. Ví dụ như luật đã xây dựng cơ sở để thu hồi dự án đầu tư nếu như nhà đầu tư núp bóng; hay dự án đầu tư công nghệ thấp ô nhiễm môi trường thì không được gia hạn khi hết hạn… Đấy là các chế định tương đối tích cực và phù hợp với bối cảnh mới Việt Nam hiện nay”, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá.
Doanh nghiệp ngóng việc thực thi
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá Luật Đầu tư sửa đổi đã gỡ bỏ nhiều rào cản đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Nhiều dự án sẽ gỡ bỏ được vướng mắc về cấp phép khi Luật có hiệu lực. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan nhà nước nên chủ động tháo gỡ càng sớm càng tốt.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Luật Đầu tư sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thời gian từ nay đến đấy là quãng thời gian tương đối dài, trong khi nội dung chính sách trong luật đã được thông qua, do đó, nếu có sự linh động cần thiết, sự hướng dẫn đầy đủ và trách nhiệm cao của bộ máy thực thi thì hoàn toàn có thể áp dụng tinh thần này vào thực tế.
Tuy vậy, việc thực thi luật phụ thuộc rất nhiều vào Chính phủ và các cơ quan thực thi. UBKTQH cho rằng, tính đến ngày luật có hiệu lực, Chính phủ phải ngay lập tức bắt tay vào công tác soạn thảo nghị định, thông tư hướng dẫn. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để phổ biến pháp luật, thực hiện tập huấn luật cho các ngành, địa phương.
Kinh nghiệm triển khai luật cho thấy, luật chỉ có thể đi vào cuộc sống nếu các văn bản hướng dẫn luật ban hành đúng thời hạn, đúng tinh thần của luật. Tránh xảy ra tình trạng tại Quốc hội thì luật được ban hành để tháo gỡ vướng mắc nhưng ở cấp nghị định, thông tư lại đưa ra các điều khoản siết chặt lại.
Liên quan đến vấn đề này, trong một cuộc họp báo giới thiệu nội dung Luật Đầu tư sửa đổi diễn ra gần đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết Bộ đang phối hợp cùng các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng 7 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này. Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do quy định thiếu đồng bộ về thời điểm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, khoản 3 Điều 75 của Luật Đầu tư sửa đổi Điều 25 của Luật Bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực sớm từ ngày 1/9/2020.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn đúng thời hạn và đúng với tinh thần của luật để luật có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống”, ông Thắng nói.