Hàng loạt dự án giao thông lớn đang triển khai được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ mang một diện mạo tích cực cho đô thị phía đông TP.HCM.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhận định: Trong bốn khu vực cửa ngõ của TP thì phía đông được đầu tư hạ tầng giao thông nhiều nhất với hàng loạt dự án lớn đã, đang và sẽ triển khai.
Trong đó, các dự án tầm cỡ như Bến xe Miền Đông mới, cầu vượt Bến xe Miền Đông mới, mở rộng xa lộ Hà Nội, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú, cầu Thủ Thiêm 2… được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ mang lại diện mạo tích cực cho đô thị phía đông.
Nhiều công trình dang dở
Tuy nhiên, theo ông Bằng, hiện nay nhiều dự án ở khu vực này còn dang dở vì gặp một số vướng mắc cần được giải quyết cấp bách để nhanh chóng hoàn thành.
Ghi nhận của PV tại khu vực phía đông TP cho thấy một trong những dự án đang triển khai là cầu vượt Bến xe Miền Đông mới. Tại đây, các đơn vị thi công đang tích cực làm hạng mục hầm chui. Xe cộ qua lại khu vực này không bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình thi công dự án.
Phía đông TP có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, các bến cảng và khu công nghiệp đều phát triển mạnh. Cầu, đường khu vực này mỗi ngày phải đón nhận lưu lượng lớn các loại xe, nhất là xe container, xe tải trọng lớn ra vào. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông hằng ngày tại khu vực này, nhất là vào giờ cao điểm.
Do đó, hàng loạt tuyến đường như Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh, xa lộ Hà Nội… đang được cấp bách mở rộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như đảm bảo an toàn giao thông.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, tuyến đường Lương Định Của đang chậm tiến độ thi công, mặt đường ngổn ngang máy móc và vật liệu xây dựng, công tác thi công cầm chừng.
Khu vực nút giao An Phú thường xuyên ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh: Thu Trinh
Tương tự, một tuyến đường vốn được coi là điểm đen về tai nạn giao thông của khu vực là đường Nguyễn Duy Trinh. Hằng ngày có hàng ngàn lượt xe container ra vào khu cảng Phú Hữu và cảng Cát Lái thông qua đường này. Tuy nhiên, mặt đường hiện hữu quá nhỏ, người đi xe máy phải leo lên lề để tránh nguy hiểm rình rập từ xe container.
Tuyến giao thông xuyên suốt của khu đông TP là mở rộng xa lộ Hà Nội. Đây là đoạn đường có mật độ xe cao, thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Song dự án mở rộng đường này cũng đang dang dở nhiều năm nay.
Những công trình cần cấp bách triển khai
Ông Phan Công Bằng cho biết hiện nay khu đông có nhiều công trình, dự án đang được triển khai thuận lợi và dần hoàn thiện như cầu Thủ Thiêm 2, cầu Mỹ Thủy 3, cầu vượt Bến xe Miền Đông mới…
Đối với các công trình đang còn dở dang, chậm tiến độ, ông Bằng cho biết TP đang tích cực chỉ đạo chủ đầu tư chủ động giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo ông Bằng, qua thực tế triển khai, hầu hết các dự án đều có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Mặc dù chủ đầu tư và các ngành chức năng đã nỗ lực nhưng hiệu quả chưa đạt theo kế hoạch đề ra, từ đó kéo dài thời gian thực hiện dự án. Vấn đề này cần được các đơn vị chức năng tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Rất nhiều xe container thường xuyên lưu thông qua nút giao Mỹ Thủy. Ảnh: Thu Trinh
Nói về một số công trình đang cần gấp rút triển khai đầu tư khu vực phía đông, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP (Ban quản lý dự án giao thông), cho biết với tình hình thực tế hiện nay, việc đầu tư dự án nút giao thông An Phú là rất cần thiết và cấp bách.
Sở dĩ công trình này chậm triển khai là do trước đây chủ đầu tư (Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam – VEC) dự kiến thực hiện bằng vốn dư ODA từ dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, Bộ GTVT và VEC có thông báo không thực hiện dự án và UBND TP đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách TP.
Ban quản lý dự án giao thông được giao nhiệm vụ lập chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách tập trung. Hiện nay, Sở GTVT đang trình Sở KH&ĐT xem xét, trình HĐND TP thông qua.
Dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vành đai 2 đến đường vào Khu công nghiệp Phú Hữu) cũng là công trình cần triển khai cấp bách.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư gặp một số vướng mắc trong việc áp dụng thực hiện Nghị định 68/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, như chờ hướng dẫn về xác định đơn giá và xác định thẩm quyền phê duyệt dự toán các gói thầu tư vấn.
Về hướng giải quyết, ông Phúc cho biết Ban quản lý dự án giao thông đang thực hiện công tác lựa chọn tư vấn đo vẽ bản đồ hiện trạng, cắm mốc ranh GPMB, thẩm định bản đồ địa chính; bàn giao ranh GPMB và ký hợp đồng với địa phương để triển khai công tác bồi thường.
Ban quản lý dự án giao thông dự kiến sẽ hoàn thành các công tác tư vấn vào đầu quý III.2020. Công trình sẽ hoàn thành trong vòng 12 tháng kể từ khi được bàn giao mặt bằng thi công.
Nhiều cây cầu vẫn “đứng bánh”
Ngoài triển khai các dự án giao thông, mở rộng đường thì khu vực phía đông cũng chú trọng mở rộng nhiều cây cầu để đáp ứng lưu lượng xe ngày càng gia tăng.
Theo ghi nhận, trên địa bàn quận 9 còn rất nhiều cây cầu được đầu tư từ rất lâu như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long nhưng đến nay vẫn “đứng hình”, chưa được triển khai tiếp theo.
Theo quan sát của PV tại hiện trường cầu Nam Lý, dự án đã hoàn thành khoảng 40%, nhiều điểm nối giữa các mố cầu chưa được kết nối. Sắt, thép tại công trường đã bị hoen gỉ và có dấu hiệu không còn chắc chắn.
Công trường đã “bỏ hoang” nhiều năm nay, rào chắn công trình đã cũ kỹ, bên trong rào chắn cỏ cây mọc um tùm…
Còn tại cầu Tăng Long, tuyến đường dẫn vào cầu thường xuyên kẹt xe vì cầu tạm nhỏ hẹp và không đảm bảo an toàn. Cầu này cũng ngừng thi công từ lâu, các trụ cầu chưa được kết nối.
Trao đổi với PV, UBND quận 9 cho biết các cây cầu chậm tiến độ là do vướng mặt bằng. Hiện nay UBND quận vẫn đang xác nhận đơn giá đất, do một số mảnh đất chưa xác định được giá.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:
Nên tính toán việc vận dụng nguồn lực bên ngoài
Khu đông đang phát triển mạnh, được hứa hẹn là TP phía đông của TP. Vì vậy, TP cần có chính sách quy hoạch phát triển đô thị khu vực này, trong đó giao thông phải đi trước một bước.
Tuy nhiên, có thể thấy hầu hết các dự án hiện nay đều bị vướng mặt bằng hoặc vốn.
Để giải quyết vấn đề vốn, TP cần tính toán việc vận dụng các nguồn lực bên ngoài, tránh trông chờ vào ngân sách nhà nước. Đây cũng là một phương án để giảm tải cho ngân sách.
Đối với các dự án lớn, chúng ta cần GPMB, sau đó mới đầu tư, tránh tình trạng đội vốn hoặc bị vướng các thủ tục sau này. TP cần gấp rút đầu tư các dự án trên để phù hợp với xu hướng phát triển đô thị như hiện nay.
Cần ưu tiên phát triển hệ thống metro
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay: Tổng quan giao thông TP.HCM theo quy hoạch thì đang phát triển quá chậm. Cụ thể giai đoạn 2016-2021, các công trình trọng điểm của TP.HCM ỳ ạch triển khai là do thiếu nguồn vốn.
Có thể thấy trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu cho phát triển hạ tầng giao thông là 323.000 tỉ đồng nhưng đến nay TP mới cân đối được 76.000 tỉ đồng.
“Trước đó, tỉ lệ ngân sách TP.HCM là 23% nhưng sau đó giảm còn 18%, từ đó đã tác động ngay đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của TP. Hiện TP đang xây dựng đề án, báo cáo Chính phủ chấp thuận tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP, để từ đó có nguồn lực đầu tư phát triển” – ông Bằng nói.
Ngoài ra, các công trình, dự án chậm tiến độ đều liên quan đến GPMB như cầu Tăng Long, vòng xoay Mỹ Thủy, cầu Nam Lý (quận 9), đường Đỗ Xuân Hợp, đường Nguyễn Duy Trinh…
Trước mắt, Sở GTVT đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
“Tuy nhiên, giải pháp tối ưu nhất vẫn là công trình, các giải pháp tăng cơ học, cần ưu tiên phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Bởi nếu không có metro thì giao thông sẽ tắc nghẽn nghiêm trọng. Do đó, chúng ta cần có giải pháp song song để phát triển giao thông và các biện pháp để giảm ùn tắc” – ông Bằng nói.
Nguồn: Đ.Trang – T.Trinh – N.Châu/ Người đô thị
Link gốc: https://nguoidothi.net.vn/thuc-day-khoi-thong-cac-cua-ngo-tp-hcm-phia-dong-ky-vong-nhieu-du-an-giao-thong-lon-24523.html