Ngày 23/7/2020, HĐQT CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UpCom: VEF) đã công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phê duyệt và thông qua chủ trương đầu tư các dự án của công ty.
Các dự án đều được thực hiện trực tiếp bằng nguồn vốn của nhà đầu tư, không sử dụng ngân sách nhà nước. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho cả 4 dự án là 78.745 tỷ đồng
Đáng chú ý nhất trong số này là Dự án tổ hợp trung tâm dịch vụ thương mại và nhà ở tại 148 Giảng Võ. Theo đó, VEF cho biết, tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 17.439,81 tỷ đồng, bao gồm: Vốn góp của nhà đầu tư (20% tổng vốn đầu tư); vốn vay, vốn huy động hợp pháp khác (80%). VEF chưa công bố cụ thể quy mô đầu tư cũng như tiến độ thực hiện dự án.
Doanh nghiệp cũng cho biết, mục tiêu đầu tư nhằm tạo nguồn vốn để xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 30/TB-VPCP ngày 3/2/2016. Phát huy hiệu quả khai thác sử dụng khu đất, xây dựng một Tổ hợp trung tâm dịch vụ và thương mại và nhà ở hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, cũng như đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước, thay đổi diện mạo đô thị khu vực quận Ba Đình nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2019 của VEF (tổ chức ngày 28/6/2019) đã thông qua phương án phát hành hơn 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó tăng vốn lên gấp 7 lần từ 1.666 tỷ lên 13.894,6 tỷ đồng.
Mục đích của đợt tăng vốn mạnh này nhằm triển khai 3 dự án là: Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia (vốn dự kiến sử dụng 5.777 tỷ đồng), dự án 148 Giảng Võ (4.089 tỷ đồng), dự án Mễ Trì (2.362 tỷ đồng).
Được biết, vào tháng 8/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến Thủ tướng liên quan đến chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới, các dự án thành phần, Công ty đang khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư để có thể sớm triển khai dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia mới tại khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội) cùng với 2 dự án thành phần tạo nguồn vốn là dự án Tổ hợp Trung tâm dịch vụ thương mại và nhà ở tại 148 Giảng Võ, Ba Đình.
Trước mắt, trong giai đoạn Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch hoàn thiện nội dung, quy mô đầu tư dự án này, Công ty phải tăng vốn để đáp ứng yêu cầu về vốn chủ, năng lực tài chính để triển khai theo quy định tại Luật đất đai.
Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, phương án tăng vốn nói trên vẫn chưa được VEF hoàn thành.
Trở lại với tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phê duyệt và thông qua chủ trương đầu tư các dự án của VEF trong năm 2020. Ngoài dự án số 148 Giảng Võ, VEF xin đầu tư 3 dự án lớn khác, trong đó có 2 dự án được đề cập trong lần xin ý kiến cổ đông năm 2019 của VEF nêu trên.
Cụ thể, là Dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (xã Đông Hội, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội). Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.336 tỷ đồng, trong đó vốn góp của VEF là 15%, tương đương khoảng 1.100 tỷ đồng. Dự án sẽ khởi công vào quý 4/2020 và hoàn thành vào quý 3/2024, hoặc theo tiến độ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Năm 2019, kế hoạch vốn của VEF cho dự án này là 5.777 tỷ đồng.
Được biết, đây là dự án xây dựng tổ hợp công trình Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và công trình Thương mại dịch vụ khách sạn làm điểm nhấn chu đạo cho khu vực, đáp ứng nhu cầu triển lãm trong nước, quốc tế; kết hợp khu chức năng đô thị, tạo nên một tổ hợp kiến trúc công trình hoàn chỉnh, đa chức năng, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, hà hòa với không gian kiến trúc cảnh quan các khu vực lân cận.
Dự án khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 19.090 tỷ đồng, trong đó VEF góp 15%, tương đương khoảng 2.863 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện theo tiến độ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Dự án nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000 đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Năm 2019, VEF dự kiến số vốn cho dự án này là 2.362 tỷ đồng.
Cái tên cuối cùng là Dự án Khu đô thị mới Đông Anh (xã Xuân Canh, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Đây là dự án mới và chưa được đề cập trong lần xin ý kiến cổ đông năm 2019 của VEF. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 34.879 tỷ đồng, trong đó VEF góp 15%, tương đương khoảng 5.232 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025, hoặc theo tiến độ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với các chỉ tiêu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Bên cạnh đó, dự án sẽ hình thành động lực phát triển đô thị cho khu vực phía bắc sông Hồng, thúc đẩy phát triển tổng thể về kinh tế, xã hội, thương mại của Hà Nội.