LTS: Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ lâu nay luôn là một mối quan hệ phức tạp, tương hỗ và đầy tính lợi ích. Bên cạnh những quan hệ đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ và cả chính trị, hai cường quốc này luôn tồn tại những mâu thuẫn nghiêm trọng, khó có thể dung hòa.
Dù từng có nhiều giai đoạn có quan hệ kinh tế ‘nồng ấm’ với nhau, hai quốc gia này luôn có những nghi kỵ lẫn nhau, luôn cảnh giác về đối phương như một kẻ thù tiềm năng và cạnh tranh với nhau nhằm giành quyền bá chủ ở Thái Bình Dương.
Những sự kiện như chiến tranh thương mại, ‘dằn mặt’ nhau ở Biển Đông gần đây hay cuộc khủng hoảng ‘lãnh sự quán’ đang diễn ra giữa hai nước là một tiến trình cạnh tranh tất yếu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Sự cạnh tranh gay gắt này liệu sẽ dẫn tới một trật tự kinh tế mới?
Loạt bài “Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới”, được đăng tải bắt đầu từ 25/7/2020, trên nhadautu.vn hy vọng sẽ trả lời phần nào câu hỏi này. Kính mời bạn đọc theo dõi và ủng hộ.
Mới đây, thông tin 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được chính phủ nước này hỗ trợ chi phí để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã khiến nhiều người bất ngờ. Bất ngờ là bởi số doanh nghiệp nói trên chiếm tới phân nửa trong số 30 doanh nghiệp trong danh sách mà Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) công bố được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.
Một tính toán nhanh danh sách này cho thấy trong 30 doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc, có tới 15 doanh nghiệp sang Việt Nam, 6 doanh nghiệp khác sang Thái Lan và số còn lại chia cho các quốc gia còn lại như Philippines, Malaysia và Lào.
Ít ngày sau đó, tờ Vietnamnet dẫn nguồn tin của mình cho biết một tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử lớn của Mỹ đang nghiên cứu khả năng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới. Số vốn dự kiến tập đoàn này đầu tư có thể lên đến hàng tỷ USD. Lãnh đạo tập đoàn đã có những giao thiệp, bày tỏ ý muốn đầu tư này đến một số cơ quan của Việt Nam. Điều đáng chú ý là tập đoàn này cũng có nhà máy sản xuất lớn ở Trung Quốc.
Quyết định của các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật và Mỹ nói trên thực ra chỉ là sự hiện thực hóa những kế hoạch mà giới doanh nghiệp nói chung đã hoạch định trước đây trong cuộc dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, nhằm đối phó với các tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và mới nhất, trước các tác động rất tiêu cực của dịch Covid-19, vốn khởi phát từ chính Trung Quốc.
Cơ hội cho FDI?
Trong bài trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương với các câu hỏi của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, được đưa lên trang web của Bộ Công Thương Việt Nam hôm 27/7, có một nhận định đáng chú ý: “Đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng từ việc các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, môi trường đầu tư, kinh doanh bất ổn, các doanh nghiệp cũng có thể tạm ngừng hoặc giảm đầu tư (cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp)”.
Nhận định này có hàm ý rõ ràng là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam có thể có cơ may hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc, nhưng ở vế ngược lại, đầu tư nước ngoài cũng có thể giảm vì doanh nghiệp tạm ngừng hoặc giảm đầu tư trước các bối cảnh kinh doanh bất lợi.
Điều này thể hiện cụ thể bằng các con số dưới đây. 7 tháng đầu năm 2020, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần (FDI) tại Việt Nam đạt 18,82 tỷ USD, bằng 93,1% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, đây chỉ là những tác động ngắn hạn và trực tiếp của chiến tranh thương mại và Covid-19.
Đánh giá về kết quả FDI 6 tháng đầu năm 2020, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho rằng, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực, vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt. Vốn FDI không như kỳ vọng về một cuộc dịch chuyển sản xuất và đầu tư khỏi Trung Quốc thì FDI sẽ vào Việt Nam như một làn sóng mới. Dù vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên, song vẫn chủ yếu tăng là nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó.
Về làn sóng FDI, ông Phạm Đình Thúy đánh giá khá thận trọng: “Chưa có bằng chứng rõ ràng về sự chuyển dịch dòng vốn trên thế giới do tác động kép từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc và đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam có thể là điểm đến mới”.
Ông Phạm Đình Thúy cho rằng, các doanh nghiệp có chuỗi giá trị toàn cầu đều phải lo chống dịch COVID-19. Vì thế hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn lớn chủ yếu đều nằm trên giấy hoặc vẫn ở trong suy tính, chưa thực hiện được nên chưa có số lượng cụ thể.
Về các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ thì thực tế không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia cạnh tranh FDI khác như khác như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… đang áp dụng, ngay cả các quốc gia sở tại cũng đang đưa ra nhiều chính sách để níu kéo nhà đầu tư ở lại.
“Việc chuyển hướng đầu tư sang quốc gia khác không đơn giản vì nhà đầu tư sẽ phải xem xét, cân nhắc các chi phí liên quan đến chuyển giao tài sản, kể cả những ưu đãi được hưởng ở quốc gia sẽ đầu tư. Với doanh nghiệp sản xuất, sự dịch chuyển có thể mất từ 2 đến 5 năm do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện”, ông Thuý nói.
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến “Quản lý chuỗi cung ứng hậu Covid-19” diễn ra hồi đầu tháng 7 vừa qua, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc cho biết, mặc dù trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, có những dấu hiệu cho thấy sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng, song đó là cả một quá trình chứ không đơn thuần là diễn ra ngay lập tức.
TS. Thành nhận định, không một nơi nào ở khu vực Đông Nam Á có những hiệp định thương mại tự do (FTA) tốt như Việt Nam, hay nói cách khác là Việt Nam đã chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng để có thể tái cấu trúc chuỗi cung ứng hoặc đón các chuỗi cung ứng tốt.
“Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để tận dụng được yếu tố này?”. TS. Thành cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan Chính phủ Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt các chính sách nhằm thu hút công nghệ, quan tâm đến các xu thế lớn về dịch chuyển chuỗi cung ứng…
Trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần có những cải cách thực sự. Họ cho rằng Việt Nam cần phải ‘tự lo cho mình thay vì trông chờ từ việc thay đổi chính sách của các nước khác’. Các nhà tư vấn cũng hối thúc Việt Nam cải cách kinh tế một cách quyết liệt, đồng thời lường trước những “chướng ngại” phát sinh do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Cafe Số với chủ đề “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch Covid-19” cách đây không lâu, TS. Trần Đình Thiên cho biết, trước dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã trải qua 3 năm tăng trưởng tốt, trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, dòng vốn FDI trong năm 2019 tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cụ thể, trong năm 2019, số lượng dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 20% nhưng tổng số vốn đăng ký đầu tư mới giảm tới 16%. Như vậy, quy mô dự án FDI vào Việt Nam giảm tới 40%.
Điều này cho thấy 2 nguy cơ chính. Thứ nhất, nhiều dự án FDI là từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Các dự án này đa phần có quy mô nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ công nghệ thấp, và tạo áp lực cạnh tranh đối với chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam bán được sang Mỹ rất nhiều nhưng nhập từ Trung Quốc cũng rất lớn dẫn đến việc phụ thuộc giao thương vào 2 nền kinh tế lớn này.
Thế giới đang trong quá trình thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị. Nếu dịch bệnh Covid-19 chỉ là yếu tố kích phát thì khi dịch bệnh này qua đi, việc thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu còn diễn ra khốc liệt hơn.
“Đối với Việt Nam, nếu không nhận diện sự thay đổi này tốt thì chúng ta sẽ không tận dụng được cơ hội mới”, TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Thương mại thì sao?
Trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất và năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch giữa 2 nước đạt trên 100 tỷ USD.
Việt Nam đang là thị trường chủ lực, thuộc Top các nước nhập khẩu hàng Trung Quốc xếp sau Mỹ, EU, Hồng Kong, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt trong năm 2019, Trung Quốc ghi nhận 3 chỉ tiêu kỷ lục đối với Việt Nam: thị phần cao nhất, tăng trưởng cao nhất, nhập siêu cao nhất, 34 tỷ USD tăng 47% so với năm 2018; chiếm 29,8% tổng lượng hàng hóa Việt Nam nhập khẩu, có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao nhất 15,2% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng mức nhập siêu tăng 47% so với năm 2018 là cao bất thường so với các năm trước.
Về phía Mỹ, kể từ năm 2016, Mỹ liên tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam luôn ở trong trạng thái xuất siêu với Mỹ.
Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, mức thuế nhập khẩu hiện nay giữa Việt Nam và Mỹ là mức thuế ưu đãi MFN (Most Favored Nation) dành cho các nước cùng là thành viên WTO. Mức thuế này luôn cao hơn mức thuế ưu đãi đặc biệt Việt Nam và Trung Quốc trong trường hợp đủ điều kiện hưởng ưu đãi theo biểu thuế ACFTA (Asean China Free trade Agreement).
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 vào thị trường Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 29,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Năm 2019, Việt Nam đã gia tăng thị phần đáng kể, từ 0,92% năm 2012 đã lên đến 2,7% thị phần hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, xếp thứ 7 sau Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Mexico, Canada, Hàn Quốc. Có thể thấy Việt Nam là đại diện mới nổi ở Châu Á đang vượt lên trong vai trò cung ứng mặt hàng chế tạo cho thị trường Mỹ.
Theo Th.S Nguyễn Thanh Hòa Bình (Đại học Lạc Hồng), Chính phủ cần điều tra số liệu chi tiết để nắm bắt doanh nghiệp, ngành hàng, sản phẩm đã gia tăng lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Mỹ cũng như đã gia tăng lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Từ đó, Chính phủ sẽ có các quyết sách kịp thời đảm bảo quản lý được xuất xứ nguồn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có chính sách đảm bảo sản xuất hàng hóa tại Việt Nam, không đơn thuần là điểm chuyển tải của các doanh nghiệp Trung Quốc sang để tránh mức thuế cao của Mỹ.
Trong nghiên cứu đánh giá về ảnh hưởng của xung đột thương mại Mỹ-Trung đến nông nghiệp Việt Nam, các tác giả PSG. TS. Nguyễn Tiến Dũng (Đại học Kinh tế-Luật/ĐHQG TP.HCM), TS. Nguyễn Đức Lộc (Trung tâm CS&CL, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), và TS. Ngô Quang Thành (Đại học Kinh tế-Luật/ĐHQG TP.HCM) cho rằng, xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ có ảnh hưởng sâu rộng, cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến nông nghiệp Việt Nam, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Các nhóm hàng xuất khẩu chịu tác động trực tiếp, ở mức độ đáng kể sẽ gồm thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn. Trong khi đó, các nhóm hàng nhập khẩu chịu tác động trực tiếp có thịt lợn và phụ phẩm, đậu tương và phân bón.
Bên cạnh đó, nhóm hàng chịu tác động trực tiếp nhưng ở mức độ thấp hơn gồm trái cây, sữa và thịt bò.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực bị tác động gián tiếp gồm gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su.
Nhận định rằng các tác động từ xung đột thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài dai dẳng và phức tạp, nhóm các tác giả nghiên cứu nói trên cho rằng Việt Nam cần có đối sách cẩn trọng, linh hoạt, khôn khéo, ứng biến phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo lợi ích toàn cục của quốc gia.
Đối với Mỹ, duy trì lợi thế so sánh nhưng có tính đến cân đối lại cán cân thương mại về hàng NLTS, tăng cường và chủ động đàm phán song phương để đạt được lợi ích tốt nhất về dài hạn.
Đối với Trung Quốc, phát huy các thỏa thuận hợp tác hiện có để khai thác tốt nhất tiềm năng của thị trường này, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, tránh những nguy cơ gian lận thương mại. Chủ động kiểm soát dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, tranh thủ nguồn đầu tư của nhà đầu tư đến từ các nước phát triển (Nhật Bản, Hản Quốc) chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước. Chủ động tham gia trong các khuôn khổ hợp tác vùng với Trung Quốc, cân nhắc kỹ trong ký kết, đàm phán để tránh ảnh hưởng xấu đến lợi ích lâu dài cho Việt Nam.
Tiếp tục duy trì đẩy mạnh đàm phán đa phương để đảm bảo tính minh bạch trong quan hệ thương mại, kết hợp nhuần nhuyễn với việc tăng cường ký kết các hiệp định song phương để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất đối với các thị trường mới, tiềm năng (ví dụ như Brazil).
Về dài hạn, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành theo định hướng giá trị gia tăng và bền vững. Tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do đã ký. Tăng cường đàm phán, ký kết các Nghị định thư về an toàn thực phẩm cho các sản phẩm có lợi thế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu nông sản sang các thị trường.
Nhóm các tác giả nghiên cứu cũng kiến nghị Chính phủ: Tạm dừng cơ chế “tạm nhập tái xuất” để hạn chế gian lận thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới; Tăng cường đám phán, xem xét nới lỏng nhập khẩu một số hàng công nghiệp, dịch vụ trong nước không có lợi thế mở cửa cho hàng nhập khẩu của Mỹ để tận dụng công nghệ hiện đại, điều chỉnh lại cán cân thương mại với Mỹ; Chỉ đạo các Bộ/ngành xây dựng chương trình chống gian lận thương mại khi nguy cơ xung đột thương mại Mỹ- Trung Quốc leo thang.
Các tác giả cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương: Theo dõi, giám sát diễn biến các động thái của Mỹ – Trung Quốc chặt chẽ, đặc biệt cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế và phân tích những tác động dự kiến. Chuẩn bị tốt các thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại với Mỹ trong trường hợp xung đột thương mại lan rộng; Tăng cường tuyên truyền đối với quốc tế về việc Việt Nam tuân thủ các quy định của WTO và các FTA liên quan đến NLTS Việt Nam; Thúc đẩy việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA) để hạn chế các rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc; Nghiên cứu và đề xuất các biện pháp thúc đẩy thương mại NLTS trong các cuộc hội đàm cấp cao, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc; Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tổng thể trong chính sách thương mại của quốc gia, nhất là những biện pháp “đánh đổi” thương mại với các nhóm hàng không chỉ sản phẩm nông nghiệp đối với Mỹ, Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và có biện pháp điều hành tỷ giá phù hợp để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Bên cạnh đó, xem xét một số biện pháp mở rộng tiếp cận tín dụng đối với các ngành hàng có cơ hội lớn về thị trường xuất khẩu trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhóm nghiên cứu kiến nghị nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư FDI đảm bảo tiêu chuẩn về công nghệ, môi trường, tránh gian lận thương mại; Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước (ưu đãi về đất đai, thuế, tiếp cận tín dụng) tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến, đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng liên kết chuỗi giá trị với nông dân.
Riêng đối với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhóm nghiên cứu đề xuất: Theo dõi và liên tục cập nhật thông tin về xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc bao gồm: chính sách thuế, cung cầu các thị trường, tình hình đầu tư vào nông nghiệp trong nước, các khu vực lân cận biên giới với Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT cũng cần phối hợp với Bộ Ngoại giao (thông qua các tham tán thương mại tại các đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và Trung Quốc) để thu thập thêm thông tin. Tăng cường việc thống kê hải quan (giá, khối lượng, giá trị), theo dõi và cập nhật liên tục các luồng thương mại giữa Trung Quốc – Mỹ, Trung Quốc – Việt Nam, Việt Nam – Mỹ, minh bạch thông tin cho các bên liên quan, doanh nghiệp để có thể ứng phó và tận dụng cơ hội.
Bộ NN&PTNT cũng cần nhanh chóng tổ chức tọa đàm với các hiệp hội ngành hàng liên quan để bàn về cơ hội, thách thức và giải pháp xử lý nhằm đạt được lợi ích cao nhất cho nông nghiệp Việt Nam khi xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang.
Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án trong đàm phán mở của thị trường cho hàng nông lâm thủy sản đối với Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ trên nguyên tắc “có đi, có lại” và đảm bảo sự ổn định của sản xuất trong nước…
Tác động tới thị trường tài chính-tiền tệ
Đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tới thị trường tài chính và tiền tệ Việt Nam, Th.S Trần Thị Thanh Hương (ĐH Kinh tế-Kỹ thuật công nghiệp) cho rằng về mặt tích cực, Việt Nam là nước nằm trong top 5 quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới với hơn 38 tỷ USD năm 2017. Những mặt hàng Mỹ đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc đều nằm trong thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, đây có thể là cơ hội tốt để Việt Nam chiếm lĩnh thị phần. Mặt khác, khi đồng USD tăng giá, nhân dân tệ (NDT) giảm giá sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn, vì VND chủ yếu neo theo giá USD. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng có thể tăng lên trong bối cảnh dòng vốn FDI vào các nước bị Mỹ đánh thuế cao sẽ có xu hướng chững lại.
Bên cạnh tác động tích cực, Việt Nam cũng sẽ chịu một số tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc như: Nền kinh tế Việt Nam tuy nhỏ nhưng có độ mở lớn, lại phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, trong đó, Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác lớn nhất về ngoại thương của Việt Nam. Do đó, khi 2 đối tác lớn xảy ra xung đột sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ bị hạn chế dẫn tới dư thừa và có thể đổ về thị trường Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, bởi vì Trung Quốc phải tập trung tiêu thụ hàng hóa nội địa. Ngoài ra, còn có những lo ngại về khả năng Trung Quốc lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “Made in Việt Nam” để tránh thuế của Mỹ. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt tương tự như đối với Trung Quốc.
Bên cạnh các tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc cũng tác động mạnh tới thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam. Chỉ trong vòng chưa đầy 01 tháng (từ 6/7 – 27/7/2018), các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng trên cả 2 sở giao dịch chứng khoán với tổng giá trị gần 1.669 tỷ đồng. Dự báo tình trạng này còn tiếp diễn, các nhà đầu tư có xu hướng hoãn lại các các dự án đầu tư bởi do chiến tranh thương mại được dự báo sẽ còn tiếp diễn.
Thị trường chứng khoán sụt giảm trong thời gian qua còn do một số nguyên nhân khác như: Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất; các quỹ đầu tư quốc gia SWF đang bán bớt phần đầu tư trên các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Đối với thị trường tiền tệ, VND liên tục tăng giá so với NDT và mất giá so với đồng USD kể từ tháng 4/2018, đặc biệt sau Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, mức độ biến động giá lớn hơn so với các tháng trước đó.
Nhiều dự báo cho thấy, trong thời gian tới, tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng gián tiếp bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nguyên nhân chủ yếu là do: Đồng USD tiếp tục mạnh lên; Dòng vốn đầu tư nước ngoài có nguy cơ rút vốn do giá trị đồng USD tăng; Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng NDT như một giải pháp đối với các chính sách thương mại của Mỹ.
Để ứng phó với tình huống trên, vẫn theo Th.S Trần Thị Thanh Hương, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước: Nhà nước để chủ động các biện pháp đối phó với nguy cơ biến động tỷ giá giữa NDT và USD tác động tới thương mại Việt Nam; chủ động đưa ra các biện pháp để bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ nước ngoài. Giới chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần theo dõi sát sao diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và động thái của Ngân hàng Trung ương các nước. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, thậm chí tăng cung ngoại tệ để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Các cơ quan chức năng cũng cần sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực, cần sử dụng các biện pháp giải quyết và kiểm soát chất lượng hàng hóa, nhằm ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu, hải quan; Sát sao phòng chống buôn, nhập lậu hàng hóa và các đội quản lý thị trường cần siết chặt việc tổ chức theo dõi, bám sát địa bàn. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu kỹ các hàng hoá của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam để đề phòng trường hợp do xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế, nước này sẽ chuyển hàng sang Việt Nam, từ đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ với nhãn mác là hàng từ Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tiếp cận nhanh với các NĐT lớn trên thế giới, tranh thủ thời cơ thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng để xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.
Thứ hai, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam: Các doanh nghiệp Việt Nam cần ý thức được những tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại tới thị trường cũng như bản thân doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đồng hành cùng Nhà nước trong quá trình đối phó với những biến động xấu đến từ cuộc chiến. Trước tiên, doanh nghiệp cần tăng cường chất lượng hàng hóa, đa dạng về hình thức, mẫu mã, với giá cả phù hợp để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Tiếp đó, cần định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu của mình theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu. Đồng thời, cần tăng cường cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như động thái tỷ giá của đồng USD và NDT, để kịp thời có những phản ứng phù hợp. Thêm vào đó, cần tìm hiểu sâu hơn những quy định mới của Mỹ, nhất là với các loại hàng hoá trong danh mục bị áp thuế, để đa dạng hóa xuất khẩu vào Mỹ.
Có thể thấy rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đến nay vẫn đang ngày càng gay gắt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã, đang gây tác động không nhỏ tới nền kinh tế của cả hai nước, cũng như các nền kinh tế mở khác trên thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế mở, cho nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh này đưa lại, tuy nhiên, trên góc nhìn lạc quan, giới phân tích cho rằng, Việt Nam có thể được hưởng lợi nếu biết tận dụng các cơ hội.
Nguồn dẫn: Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/doi-dau-my-trung-va-trat-tu-kinh-te-the-gioi-moi–bai-6-viet-nam-can-lam-gi-d40582.html