1. Cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt
Sáng 8/10/2019, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt – đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo qui hoạch (vành đai 2,5).
Dự án do Ban Quản lí Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư với các hạng mục chính: Xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng từ đường Nguyễn Văn Huyên vượt qua đường Hoàng Quốc Việt, chiều dài toàn cầu 428,28m; Mở rộng hoàn thiện đủ mặt cắt ngang qui hoạch của đường Nguyễn Văn Huyên (vành đai 2,5) là 50m, với chiều dài 170m; Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, tổ chức giao thông khu vực nút giao.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 560 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Trong đó chi phí GPMB là 305 tỉ đồng; chi phí xây dựng 183 tỉ đồng; chi phí QLDA, Tư vấn và chi phí khác 22 tỉ đồng; dự phòng phí là 50 tỉ đồng.
Ngày 5/7 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công cùng với tập trung đẩy nhanh tiến độ phần cầu vượt, cần triển khai ngay việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè, lòng đường, trồng cây xanh khu vực dự án để đảm bảo mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường. Ông Huệ cũng yêu cầu toàn bộ dự án cầu vượt này hoàn thành vào dịp 2/9/2020.
Đơn vị thi công đang tiến hành xây dựng phần lan can cầu.
2. Nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
Dự án Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo qui hoạch nút giao thông đường Vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có tổng mức đầu tư là 402 tỉ đồng được khởi công ngày 6/1/2020.
Nút giao đường vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Phạm vi nút giao theo hướng đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bắt đầu từ Km0 – 420 (kết nối với đường Cổ Linh) và điểm cuối tại Km1 + 065,74 (kết nối với đoạn tuyến cao tốc đã thi công giai đoạn 1) có chiều dài 1,5 km.
Việc xây dựng nút giao đường Vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hoàn chỉnh theo qui hoạch được phê duyệt sẽ tạo điều kiện cho các phương tiện tham gia giao thông kết nối ra vào nút giao được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ mạng lưới đường giao thông trong khu vực; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường Cổ Linh, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP.
3. Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở
Dự án đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở có vốn đầu tư khoảng 9.400 tỉ đồng được khởi công từ tháng 4/2018.
Đường Vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Đoạn đường này có các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở.
Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP Hà Nội sử dụng công nghệ thi công cầu bê-tông cốt thép trên đà giáo di động, đổ dầm trực tiếp và không phải vận chuyển dầm bê-tông bằng xe hạng nặng tới công trình.
Theo dự kiến, dự án sẽ được hoành thành trong năm 2020, một phần của công trình sẽ được đưa vào sử dụng để giải quyết tình trạng ách tắc trên tuyến đường Trường Chinh.
4. Cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm
Dự án cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được UBND TP Hà Nội phê duyệt tháng 10/2018 với tổng mức đầu tư gần 340 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gần 15 tỉ đồng, chi phí xây dựng hơn 258 tỉ đồng.
UBND TP Hà Nội giao Ban Quản lý dự án Công trình giao thông triển khai thực hiện từ tháng 12/2019.
Ngày 12/5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội TP Nguyễn Thế Hùng đã đi kiểm tra tiến độ dự án cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm. Theo đó, dự án này dự kiến thông xe vào ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2020.
Dự án không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông nút giao Nguyễn Hữu Thọ – Giải phóng mà còn nhằm giảm tải cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, khép kín đồng bộ tuyến đường Vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng.
Cầu vượt thấp hồ Linh Đàm sẽ khép kín đồng bộ tuyến đường vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại và hạn chế ùn tắc giao thông tại một trong những “điểm đen” ùn tắc lớn nhất của Hà Nội.
5. Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long
Dự án đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch – Nam Thăng Long khởi công vào đầu năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỉ đồng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và gần 823 tỉ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án có tổng chiều dài hơn 5,3 km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,836km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T là hơn 4,4km. Qui mô dự án có thiết kế 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp, 2 dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa,… đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h.
Đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch – Nam Thăng Long sau 2 năm thi công hiện đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 10/2020.
Khi dự án này thông tuyến sẽ kết nối liên thông tuyến Vành đai 3 trên cao đã đưa vào khai thác, hoàn thiện dự án tuyến đường vanh đai khép kín, kết nối sân bay Nội Bài với các khu vực lân cận.
Đoạn tuyến đi qua khu vực TP Giao Lưu và Công viên Hòa Bình.
Đoạn cuối dự án Vành đai 3 trên cao Mai Dịch – Nam Thăng Long ở phía Nam cầu Thăng Long đang sắp cán đích.
Hiện tại, cầu Thăng Long đang tiến hành sửa chữa để khớp nối thông thuận với Vành đai 3 trên cao.
Nguồn dẫn: Hạ Vũ/ KTTD
Link bài gốc: https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/toan-canh-5-du-an-giao-thong-trong-diem-o-ha-noi-sap-thong-xe-20200809103406928.htm