Các gói hỗ trợ càng trở nên cấp thiết khi dịch bệnh khiến đà hồi phục của Vietnam Airlines bị đứt gãy.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Đặng Ngọc Hòa, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị thay cho ông Phạm Ngọc Minh có quyết định nghỉ hưu. Ngoài ông Hòa, Vietnam Airlines phải gấp rút bổ sung 2 thành viên Hội đồng Quản trị là ông Đặng Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc và ông Tomoji Ishii (thành viên của ANA Holding, cổ đông hiện giữ gần 8% vốn của Vietnam Airlines) để thay thế cho 2 thành viên khác từ nhiệm và thay đổi công tác.
Như vậy, hãng hàng không quốc gia sẽ có 3 thành viên lãnh đạo mới để giúp Hãng vượt qua khủng hoảng khi tình hình kinh doanh trở nên tồi tệ hơn vì dịch bệnh. Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2 vào tháng 7 vừa qua đã làm đứt gãy đà phục hồi của ngành hàng không trong nước cũng như Vietnam Airlines. “Dịch bệnh đã cuốn trôi tất cả những nền móng vững chãi nhất mà Vietnam Airlines xây dựng được tính từ thời điểm cổ phần hóa đến nay”, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nhận định.
Trước đó, ông Dương Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, dự báo hồi đầu tháng 6 là đến tháng 8, doanh nghiệp sẽ cạn kiệt nguồn tiền. Tuy nhiên, khi thị trường khách nội địa có dấu hiệu phục hồi cùng các chương trình kích cầu du lịch, Hãng thu về được 1.700 tỉ đồng để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng dịch bệnh trong cộng đồng từ cuối tháng 7 lại khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. “Đến cuối tháng 8, với tình hình này, chắc chắn Vietnam Airlines lại cạn kiệt về tài chính”, ông Hiền nói.
Lãnh đạo của Vietnam Airlines cho rằng, với diễn biến mới phức tạp của dịch bệnh, phải đến năm 2024, ngành hàng không mới có thể phục hồi. “Hãng hàng không xây dựng những kịch bản phục hồi xấu nhất và xấu hơn trong vài năm tới. Tức là nếu may mắn phục hồi và kinh doanh có lợi nhuận thì lợi nhuận chỉ để bù lỗ”, ông Thành cho biết.
Báo cáo của Vietnam Airlines về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2020 cho biết, tổng doanh thu công ty mẹ sẽ giảm 56,4% so với cùng kỳ, tương đương giảm hơn 42.000 tỉ đồng, toàn Tổng Công ty dự kiến hụt hơn 50.000 tỉ đồng. Dự kiến năm nay, doanh nghiệp sẽ lỗ gần 15.000 tỉ đồng và giảm lợi nhuận hơn 17.000 tỉ đồng so với cùng kỳ.
Lãnh đạo của Vietnam Airlines cho biết, Chính phủ đã nhận được báo cáo chi tiết về gói đề nghị hỗ trợ 12.000 tỉ đồng của Hãng và yêu cầu báo cáo lên cấp cao hơn để giải quyết. Gói hỗ trợ này đang ở vòng xét duyệt cuối cùng, trong đó có 1/3 là vay thương mại và 2/3 khoản tiền là tăng vốn chủ sở hữu qua phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Theo đó, Vietnam Airlines có thể vay khoảng 4.000 tỉ đồng và tăng vốn chủ sở hữu khoảng 8.000 tỉ đồng.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tính đến tháng 5, chính phủ các nước đã chi hơn 123 tỉ USD để cứu trợ ngành hàng không dưới nhiều hình thức bao gồm cho vay, hỗ trợ tiền lương, bảo lãnh, giảm thuế… IATA dự báo hàng không Việt Nam lỗ 4 tỉ USD trong năm nay, trong đó Vietnam Airlines đã nhận nửa số lỗ này. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm, Vietjet lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỉ đồng. Bamboo Airways bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, dẫn tới khoản lỗ hơn 1.500 tỉ đồng trong quý I… Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), năm nay các hãng bay trong nước thiệt hại khoảng 105.000 tỉ đồng, nhưng số tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các hãng chưa bằng 1% thiệt hại.
Vietnam Airlines là doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, kinh doanh chính là hàng không nên không thể kinh doanh các ngành khác bù lỗ như những đơn vị khác. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hàng không chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất. Hiện nay, trên thế giới, chính phủ các nước đều có biện pháp hỗ trợ các hãng hàng không. Việc hỗ trợ căn cứ vào vai trò của từng hãng với xã hội, cũng như khả năng hồi phục đóng góp trở lại cho ngân sách, cho nền kinh tế của từng hãng.
Vận tải hàng không là ngành có chi phí cố định lớn và biên lợi nhuận thấp. Do đó, tiền lãi từ các năm trước khó có thể bù đắp chi phí các tháng ngừng hoạt động do dịch bệnh. Theo nghiên cứu của IATA, một việc làm trong ngành hàng không sẽ tạo ra 24 việc làm trong các ngành có liên quan. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Đại học Oxford (khảo sát 231 nhà kinh tế hàng đầu từ 53 quốc gia) cho thấy, các gói cứu trợ cho ngành hàng không có mức thu hồi vốn thấp nhất.
Ảnh: Qúy Hòa |
Mặc dù vậy, các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đều đồng tình với quan điểm cần hỗ trợ Vietnam Airlines, cả trên vai trò quản lý nhà nước và chủ sở hữu doanh nghiệp. Bởi vì vai trò của Vietnam Airlines nói riêng, ngành hàng không nói chung đối với nền kinh tế là rất khẩn thiết. Theo các chuyên gia kinh tế, ngành hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ kích thích tăng trưởng 1% GDP.
Theo lãnh đạo của Vietnam Airlines, nhiều kịch bản đã được Hãng đưa ra để giảm lỗ, trong đó chú trọng tới tái cơ cấu đội máy bay. Với các máy bay đã có đơn hàng thuê/mua sẽ hoãn lại, nếu không cần thiết sẽ hủy. Tất cả các tài sản khác đều phải tái cấu trúc, cái nào cần thì giữ, không cần thì bán. Trong đó, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch bán 6 tàu A321CEO sản xuất năm 2007. “Kế hoạch của Chính phủ thoái vốn từ 86% xuống 51% tại Vietnam Airlines. Các công ty con, liên kết cũng có kế hoạch cụ thể để thoái vốn, cổ phần hóa, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị…”, ông Thành cho biết.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc giải cứu hãng hàng không lớn, ngoài việc tránh sự sụp đổ của các hãng dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực trong giao thương, chính phủ khuyến khích các hãng này đổi mới mô hình kinh doanh, tăng trách nhiệm xã hội. Chẳng hạn, các gói cứu trợ bao gồm nhiều điều kiện như giảm mức phát thải carbon, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… Nếu không, gói cứu trợ sẽ được chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu để người nộp thuế có thể sở hữu cổ phần.
Nguồn dẫn: Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-692-3336602