Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đón nhận các tín hiệu tích cực từ dòng vốn ngoại.
Phiên giao dịch 14.8, nếu như phiên sáng chứng kiến nỗ lực tăng điểm của VN-Index thì phiên chiều ghi nhận áp lực bán gia tăng, thậm chí cung được đẩy mạnh tại vùng điều chỉnh khiến chỉ số thiết lập mức đáy trong ngày tại 848,38 điểm.
Lực cầu được kích hoạt tại vùng giá thấp nhưng chưa đủ mạnh để cân bằng với lực cung nên VN-Index đóng cửa giảm 4,3 điểm, lùi về mốc 850,74 điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên sàn HOSE với 190 mã tăng giá, so với 113 cổ phiếu tăng điểm. Chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30-Index cũng giảm hơn 3,1 điểm, lùi về mốc gần 792 điểm.
Tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE tăng 16% so với phiên giao dịch trước đó, đạt mức hơn 5.100 tỉ đồng trong phiên giao dịch 14.8. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 4.710 tỉ đồng, cao nhất trong các phiên giao dịch từ đầu tháng 8 tới nay.
Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự điều chỉnh trở lại khi tiệm cận vùng kháng cự mạnh. Cụ thể, VN-Index đã giảm điểm sau khi chạm mốc kháng cự quanh khu vực 860 điểm. Thêm vào đó, khối lượng giao dịch tăng khá mạnh và tiệm cận trở lại đường trung bình 50 này.
Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), áp lực bán trên thị trường đang khá mạnh. Dù vậy, lực mua từ các vùng giá thấp cũng cho thấy tín hiệu tốt. Với diễn biến trên, SSI Research dự báo VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh trong 1-2 phiên tới và đi về vùng hỗ trợ 840 điểm trước khi đi lên trở lại. “Các đợt điều chỉnh ngắn sẽ tạo cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu ở vùng giá thấp”, SSI Research nhận định.
Tín hiệu tích cực từ dòng vốn ngoại
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đón nhận các tín hiệu tích cực hơn từ dòng vốn ngoại. Dòng vốn ETF vẫn tích cực trong tháng 7 với tổng giá trị ròng gần 700 tỉ đồng, là tháng thứ 3 liên tiếp có dòng vốn dương (tháng 5: 670 tỉ đồng; tháng 6: 420 tỉ đồng). Xu hướng tích cực ghi nhận ở hầu hết các quỹ.
Dòng vốn nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam đang có xu hướng tích cực hơn. Nguồn: SSI Research. |
Đáng chú ý, động lực dịch chuyển sang khối ETF ngoại khi 2 quỹ thu hút được dòng vốn lớn nhất là VanEck Vectors ETF (262 tỉ đồng) và FTSE Vietnam ETF (146 tỉ đồng). Ngược lại, xu hướng tăng đã yếu đi ở các ETF nội mới thành lập như VNDiamond ETF và VNFIN Lead ETF. Quỹ ETF nội lớn nhất là VFM VN30 ETF đã có dòng tiền giải ngân trở lại từ giữa tháng, tuy vậy, diễn biến dịch COVID-19 bất ngờ đã khiến quỹ bị rút vốn trở lại trong tuần cuối tháng, tính chung chỉ thu hút được 58 tỉ đồng trong tháng 7.
Các quỹ đầu tư chủ động ở Việt Nam tăng tỉ trọng cổ phiếu, tỉ trọng tiền mặt của các quỹ chủ động giảm rõ rệt kể từ đầu tháng 6 và được giữ ở mức thấp trong tháng 7. Tỉ trọng tiền mặt của quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất của Dragon Capital vừa công bố báo cáo cập nhật danh mục đầu tư ngày 6.8 với quy mô tài sản lên tới hơn 1,3 tỉ USD. Trong đó, số dư tiền mặt của quỹ hiện chỉ còn 1,21%, là một trong những con số thấp nhất từ đầu năm tới nay.
Tỉ trọng tiền mặt của quỹ đầu tư chủ động lớn nhất tại Việt Nam VEIL đạt 1,42%, một trong những mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Nguồn: VEIL. |
Theo thống kê của SSI Research, lũy kế 7 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực châu Á (ngoại trừ Đài Loan) đều bị rút ròng nhưng mức rút ròng của thị trường Việt Nam là 3,6 triệu USD, thấp hơn nhiều so với các thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan… Trong tuần đầu tháng 8.2020, có 7,6 triệu USD dòng vốn được đổ vào các quỹ ở Việt Nam. SSI Research nhận định, trong thời gian tới việc sớm kiểm soát dịch bệnh đóng vai trò quyết định đến tâm lý đầu tư cũng như hiệu lực của các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Việt Nam và vẫn sẽ là yếu tố chính chi phối diễn biến dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn dẫn: Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/thi-truong-chung-khoan-tin-hieu-tich-cuc-tu-dong-von-ngoai-3336634/