Kết quả cuộc khảo sát lần thứ 3 của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Thủ tướng vừa kết thúc cho thấy, có tới 75% số doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng không cân đối được thu-chi do đại dịch Covid-19.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, từ khi đại dịch Covid 19 xảy ra từ đầu năm đến nay, ban IV đã tiến hành ba cuộc khảo sát để nắm được diễn biến “sức khỏe” của doanh nghiệp nhằm đưa ra những kiến nghị hợp lý lên Thủ tướng, Chính phủ nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Tại cuộc khảo sát lần thứ 3 gần đây nhất vừa kết thúc, được tiến hành khi “làn sóng Covid-19” lần thứ hai diễn ra, kết quả thu về từ số liệu cho thấy: Nếu từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và trên toàn cầu không có tín hiệu khả quan hơn thì số doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hoặc giải thể sẽ còn tăng.
Theo những câu trả lời khảo sát của hàng trăm doanh nghiệp qua e-mail, điện thoại phỏng vấn và các hình thức khác thì chỉ có 3% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng gì từ dịch bệnh hoặc vẫn cân đối thu chi. Nhưng lại có đến 75% số doanh nghiệp dù hoạt động song không cân đối được thu-chi, dẫn đến việc mất cân đối dòng tiền, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh các ngành dịch vụ, hàng không, du lịch… 20% số doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động kinh doanh và 2% số doanh nghiệp tham gia trả lời phỏng vấn trả lời họ đã giải thể.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, 81% số doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất là không có đơn hàng mới trong vòng sáu tháng qua, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may. Do đó, các khó khăn tiếp nối là không thể đảm bảo kinh phí để chi trả các chi phí, như lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn… 72% số doanh nghiệp mong muốn vấn đề này được giải quyết. Họ cũng không có tiền để trả chi phí gốc hay lãi vay ngân hàng, chi phí nhập nguyên liệu và hàng loạt khoản chi phí lớn nhỏ khác.
Do đó, doanh nghiệp mong Chính phủ giãn, hoãn thêm các khoản phải nộp cho doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kéo dài thời gian nộp tiền thuê đất sau khi Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp hồi tháng 4 (kéo dài đến cuối năm) kết thúc.
Doanh nghiệp muốn có thêm gói hỗ trợ lần hai để hạ thêm lãi suất vay ngân hàng. Doanh nghiệp nhấn mạnh việc thực thi các chính sách hỗ trợ phải được thực chất và hiệu quả hơn, đi kèm với chế tài mạnh các bộ phận thực thi đi ngược lại chủ trương hỗ trợ, gỡ khó cho doanh nghiệp.
Bà Thủy cho rằng doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều rồi nhưng khâu thực thi là một “nút thắt” quá lớn. Ví dụ như dịch vụ công trực tuyến được tiến hành ở nhiều nơi theo kiểu làm cho có, hoặc thậm chí không làm. Trong khi đó, ách tắc khâu thực thi làm gia tăng thêm chi phí rất lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, Tổng cục Thống kê cũng công bố những số liệu ở quy mô lớn hơn khẳng định những gì mà cuộc khảo sát của ban IV có kết quả thống nhất. Số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh trong bảy tháng đầu năm tăng 41,5%.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong mười năm, bao gồm gần 18 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh. Các hệ lụy về sút giảm thu nhập, thất nghiệp là quan ngại rất lớn cho xã hội. Tổng cục thống kê cũng yêu cầu có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, hạn chế cắt giảm nhân công. Đối với các doanh nghiệp lớn cần được hỗ trợ về dòng tiền để tiếp tục hoạt động.
Thực tế cho thấy, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng nhưng đến nay mới giải ngân được 11.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân chưa đầy 18% là quá thấp và không hiệu quả. Nhiều ý kiến các chuyên gia kinh tế đề nghị cần có tổng kết đầy đủ những kết quả và hạn chế của gói hỗ trợ lần một để có những giải pháp thiết thực hơn nếu ban hành gói hỗ trợ lần thứ hai.
Nguồn dẫn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/307687/75-so-doanh-nghiep-hoat-dong-nhung-khong-can-doi-duoc-thu-chi.html