Tạp chí TAND nhận được đơn phản ánh về việc gần 30 doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình sản xuất tôm giống trên địa bàn huyện Ninh Hải đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi đất sản xuất mà không được đền bù. Có thông tin về việc UBND huyện thu hồi đất của dân và các doanh nghiệp nhỏ để cấp cho một doanh nghiệp lớn, có tiếng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, khiến các doanh nghiệp và người dân rất bức xúc.
Tháng 7/2020, UBND huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận phát hành một loạt thông báo gửi tới các hộ gia đình, doanh nghiệp đang sản xuất tôm giống trên địa bàn xã Tri Hải về việc thu hồi đất, yêu cầu người dân tự tìm nơi khác để chuyển đổi sản xuất.
Thông báo thu hồi đất do Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải ký căn cứ vào kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Xuân Vĩnh
Theo đó, ngày 23/7/2020, UBND huyện Ninh Hải ban hành thông báo số 237/TB-UBND gửi tới ông Bùi Văn Chẩm để thu hồi 834m2 đất mà ông Chẩm đã thuê và sử dụng vào mục đích sản xuất phi nông nghiệp từ năm 2000. Lý do được thông báo này đưa ra là do hết thời hạn thuê đất mà không được tiếp tục gia hạn thuê đất quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 65, Luật Đất đai năm 2013.
Tong thông báo này cũng nêu rõ: “Kể từ ngày ban hành thông báo, trong thời hạn 03 tháng đề nghị ông Bùi Văn Chẩm tháo dỡ, di dời tài sản trên đất trả lại đất cho địa phương quản lý theo quy định của Luật Đất đai.
Ngoài thông báo gửi ông Chẩm, ký thay Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, Phó Chủ tịch Võ Thể cũng ký hàng loạt văn bản tương tự gửi các hộ dân, doanh nghiệp nhỏ đang sản xuất bình thường ở địa phương để thông báo thu hồi đất của họ.
Hàng chục hộ dân, doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản bởi thông báo thu hồi của UBND huyện Ninh Hải
Theo các hộ dân, khoảng trước năm 2000, họ được cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận vận động hoạt động khai hoang khu đất này để sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Sau khi họ xây dựng, phát triển đất khu vực này, cơ quan chức năng cấp cho họ sổ đỏ với thời hạn cho thuê đất là 15 năm.
“Vì được cấp sổ đỏ, chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất và áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào việc sản xuất tôm giống. Người làm nhỏ lẻ đầu tư 1-2 tỷ đồng, người làm lớn thì thành lập công ty và đầu tư hàng chục tỷ đồng. Mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế”, một người dân nhận được thông báo thu hồi đất cho biết.
Một hộ dân khác bức xúc cho rằng thông báo của UBND huyện Ninh Hải như một gáo nước lạnh tạt vào mặt dân và đâu đó thiếu trách nhiệm với dân. Bởi lẽ:
Mặc dù các hộ, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ nhưng tổng thể đây là khu vực người dân đều sản xuất, kinh doanh tôm giống. Việc hình thành và phát triển cả một khu vực rộng hàng chục hecta như vậy, địa phương không thể không biết.
Thứ 2, đất đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, giờ đây bằng một mệnh lệnh hành chính mà UBND huyện Ninh Hải thu hồi thì quá xem thường công sức, của cải và tiền bạc của dân.
Thứ 3, UBND huyện Ninh Hải không hề có động thái thể hiện việc đền bù, hỗ trợ cơ sở vật chất, cũng như không xây dựng phương án hỗ trợ tái định cư, tái sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp tại đây.
Theo tìm hiểu của PV, việc sản xuất tôm giống là một ngành mũi nhọn của tỉnh Ninh Thuận. Những người dân tại đây được nhà nước cho thuê đất và đóng thuế đầy đủ. Họ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho cơ sở vật chất, nuôi sống hàng trăm gia đình, tạo công ăn việc làm cho gần nghìn lao động.
Việc ngành nghề sản xuất tôm giống tồn tại hàng chục năm qua tại đây, đã khẳng định được lợi ích về việc phát triển kinh tế xã hội. Nhưng, việc thu hồi đất của những doanh nghiệp này để thực hiện một dự án khác ai sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của nó?
Nếu chỉ vì lợi ích của một doanh nghiệp lớn mà đẩy hàng chục doanh nghiệp nhỏ xuống vực thẳm là một việc làm đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng.
PV Tạp chí Tòa án nhân dân đã liên hệ UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND huyện Ninh Hải để tìm hiểu về vấn đề nói trên và vẫn đang chờ cơ quan chức năng tỉnh này trả lời.
Vấn đề đặt ra gồm chính sách với những doanh nghiệp được thu hồi đất như thế nào? Dự án mới triển khai có đấu giá hay không? Dân cho biết là thu hồi giao cho doanh nghiệp lớn có đúng không? Đó là doanh nghiệp nào?
Và việc áp dụng Điều 65 Luật Đất đai năm 2013 vào việc thu hồi đất của dân đang sản xuất kinh doanh ổn định liệu đã chính xác? Bởi Điều 65 Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ “Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người”.
Trong khi đó, người dân vẫn sản xuất kinh doanh bình thường nên không ai tự nguyện trả lại đất, không có nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Và hơn hết, dân muốn được tiếp tục gia hạn để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về việc này
Nguồn dẫn: Tạp chí Toà án
Link bài gốc: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/theo-don-thu-ban-doc/ninh-thuan-hang-chuc-doanh-nghiep-va-ho-dan-hoang-mang-vi-bi-thu-hoi-dat