Cơ hội và thách thức
Đánh giá về những cơ hội và thách thức mà Thủ Đức khi lên thành phố, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho biết, ở góc độ là một doanh nghiệp, bà nhìn thấy cơ hội nhiều hơn thay vì thách thức, còn việc để thực hiện đây là một quá trình rất dài để triển khai, vì hiện tại việc Thủ Đức lên thành phố chỉ đang dừng lại ở mức độ chủ trương.
Theo bà Hương, hiện tại, thành phố đang đặt kỳ vọng khu Đông sẽ trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của TP.HCM, đây cũng là lí do mà thành phố muốn nhập ba quận (quận 2, 9 và Thủ Đức) lại để tạo ra một chiến lược phát triển mới cho TP. Thủ Đức trong tương lai. Tuy nhiên, chủ trương này chắc chắn về mặt góc độ thị trường, doanh nghiệp, góc độ quản lý nhà nước sẽ nhìn thấy rất rõ cơ hội và chiến lược dài hạn để phát triển khá là tốt, nhưng hiện tại vẫn cần một bức tranh phát triển rõ ràng hơn.
“Đây là bài toán cần sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành để quan sát, phân tích, đánh giá thực trạng sau đó đưa ra những định hướng trên các nền tảng hiện hữu về những lợi thế tiềm năng vốn có”, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land nhận định.
Bên cạnh đó, nói về cơ hội mang lại cho các doanh nghiệp khi Thủ Đức lên thành phố, bà Hương nhìn nhận, việc hình thành một thành phố sẽ là cơ hội lớn cho rất nhiều lĩnh vực ngành nghề cùng phát triển, trong đó có thể nhắc đến là ngành bất động sản, khi TP. Thủ Đức được đầu tư một cách toàn diện trong đó bao gồm cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý văn minh, hiện đại, đặc biệt là có cơ chế đặc thù để kêu gọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước thì sẽ thu hút được rất nhiều doanh nghiệp, cũng như người dân tập trung về khu vực này, để đầu tư, sinh sống, từ đó sẽ đáp ứng nhu cầu về công ăn việc làm, an cư lạc nghiệp…
Trong khi đó, nói về vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng tại khu Đông TP.HCM, bà Hương cho rằng, thời gian qua vốn dĩ đã có sự phát triển khá tốt, những dự án đã và đang được thực hiện, trong đó có thể nhắc đến là tuyến metro số 1 nối dài qua nhiều quận, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hay trước đó là Hầm Thủ Thiêm…
Tuy nhiên, vẫn còn có một số dự án được đầu tư nhưng chậm tiến độ như các đường Vành đai 2, Vành đai 3… Đặc biệt là ở quận 9 một trong những quận hiện nay hạ tầng giao thông vẫn còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của người dân tại khu vực, đây cũng sẽ là một trong những mặt hạn chế cho sự phát triển của TP. Thủ Đức sau này, cho nên cần được chú trọng nhiều hơn.
Một hạn chế khác có thể nói đến là cơ chế chính sách hiện tại đang là một bài toán nan giải để có thể làm lành mạnh môi trường thu hút đầu tư, cũng như để khơi thông tất cả các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM nói chung và khu vực phía Đông nói riêng.
Yếu tố cốt lõi để phát triển một thành phố
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam cho rằng, “thành phố trong thành phố” đây là một mô hình mới lần đầu tiên được đưa ra xây dựng nên sẽ có nhiều vấn đề chưa biết cũng như những thách thức cần giải quyết.
Tuy nhiên, để hình thành nên một thành phố phát triển trước hết và quan trọng nhất vẫn là có những định hướng và mục tiêu để phát triển. Tiếp đó là hình một cơ chế chính sách toàn diện, để điều hành quản lý được một “thành phố trong thành phố” thì đây là yếu tố để có sự cân bằng trong đầu tư xây dựng các khu vực khác của TP.HCM.
Bên cạnh đó là việc quy hoạch, trong đó bao gồm các kế hoạch bảo tồn – cải tạo – dỡ bỏ – xây mới các công trình để tạo bản sắc cho thành phố hoặc chỉ là những tòa nhà những khối bê tông nặng nề không có hồn. Đồng thời, cần quy hoạch những khu dân cư và nhà ở cho người mua nhà lần đầu, người mua nhà có thu nhập chưa cao, đặc biệt là người dân sống lâu đời ở khu vực này khi bị di dời, giải tỏa chỗ ở,…
Một trong những yếu tố quan trọng đó là nguồn vốn đầu tư xây dựng (đặc biệt về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật,…) trong khi ngân sách của nhà nước và Chính quyền địa phương khó có thể đáp ứng, doanh nghiệp thì chỉ dồn vốn vào các dự án sớm mang về lợi nhuận, và có thể nói đây cũng sẽ là một thách thức rất lớn của TP. Thủ Đức trong tương lai.
Cuối cùng, để phát triển được một thành phố thì cần phải có nguồn nhân sự có trình độ, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hoặc có chiến lược đặt cơ sở hoạt động tại thành phố mới (đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, sáng tạo,…).
Bài toán di dời
Theo bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, để phát triển được những loại hình này trong một thành phố thì cần phải chú trọng về những kỹ thuật – công nghệ cao, các giải pháp hướng theo xu thế phát triển trong đó có việc di dời các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… mà đi kèm với nó là một lượng lớn người dân gồm các công nhân viên làm việc tại những khu công nghiệp này cũng cần phải di chuyển đến nơi ở mới. Nên đây lại là một bài toán lớn nữa của thành phố đòi hỏi phải có sự tính toán thật phù hợp, giải quyết triệt để các vấn đề như di dời đi đâu, làm như thế nào?…
“Chẳng hạn như việc di dời nhà máy xi măng Hà Tiên (Thủ Đức) đã có chủ trương nhưng để thực hiện được phải mất một thời gian khá dài, chưa kể cần phải có những chiến lược chung về quy hoạch vùng không chỉ ở TP.HCM mà còn có yếu tố liên kết với các tỉnh lân cận…”, bà Hương dẫn chứng.
Đánh giá rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam cho rằng, việc quy hoạch các khu công nghiệp, khu sản xuất hiện tại ở Thủ Đức nói riêng và khu Đông nói chung thì đã có những định hướng, quy hoạch cụ thể.
Khi di dời nhà máy, công xưởng vào những khu tập trung, vấn đề nhà ở cho người lao động của khu công nghiệp cũng luôn được tính đến nhưng trên thực tế, vẫn không đáp ứng đủ.
“Vấn đề nhà ở tại thành phố mới Thủ Đức còn là nhu cầu cho những người mua nhà lần đầu, người có thu nhập chưa cao và người dân vốn sống lâu đời tại đây nhưng bị di dời, giải tỏa để phục vụ cho quy hoạch, xây dựng. Với mặt bằng giá bất động sản Nhà ở tại khu Đông đã lên rất cao hiện nay, vấn đề sở hữu nhà ở sẽ rất khó khăn và là thách thức với họ”, ông Hoàng nhận định.
Ngoài ra, ông Hoàng cũng cho rằng, nếu như cơ chế chính sách của nhà nước đề ra chương trình nhà ở mang tầm quốc gia lâu bền và sâu rộng, được quy hoạch rõ ràng bài bản hoặc những doanh nghiệp lập chiến lược đầu tư, đây sẽ là cơ hội rất lớn. Điều này không chỉ đáp ứng vấn đề nhà ở tại một khu vực, địa phương mà còn đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển xã hội khác của cả TP.HCM và quốc gia.
Căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM, trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
TP. Thủ Đức khi được thành lập sẽ không thay đổi về diện tích tự nhiên của TP.HCM nhưng số lượng đơn vị hành chính cấp quận huyện giảm 3 quận (2, 9, Thủ Đức) và tăng 1 Thành phố (TP Thủ Đức). TP. Thủ Đức sẽ có diện tích tự nhiên hơn 211 km2 và dân số hơn 1 triệu người.
Bên cạnh đó, TP. Thủ Đức sẽ giảm 2 phường (thuộc quận 2 cũ), còn lại 34 phường; là mô hình chính quyền cấp huyện gồm HĐND và UBND TP. Thủ Đức. Mô hình tổ chức chính quyền phường của TP. Thủ Đức không tổ chức HĐND phường, chỉ có UBND phường là cơ quan hành chính làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Đáng chú ý, TP. Thủ Đức sẽ đóng vai trò trung tâm triển khai các mô hình ứng dụng khoa học – kỷ thuật, là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ngày càng mạnh mẽ. Dự kiến, sau khi thành lập TP. Thủ Đức sẽ đóng góp 30% GDP của TP.HCM và 7% GDP của cả nước.
Nguồn dẫn: Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/nhung-yeu-to-cot-loi-de-hinh-thanh-mot-tp-thu-duc-trong-tuong-lai-d42944.html